Gia tài của cha

04/03/2023 - 06:36

PNO - Mệnh đề “nhà mình nghèo” nó không khiến cho cha hay tôi tủi thân. Sự tử tế đó của cha ăn sâu vào trái tim tôi từ lúc nào không rõ.

Tác giả và người cha luôn dạy con sống tử tế
Tác giả và người cha luôn dạy con sống tử tế

“Nhà mình nghèo, cha chẳng có gì để lại cho con. Cha chỉ có thể cho con ăn học đường hoàng”. Một buổi chiều, ngồi trước hiên nhà, cha đã nói với tôi như thế. Đó là những ngày cuối cấp III của tôi. Đã 15 năm trôi qua, câu nói đó vẫn nguyên vẹn trong ký ức. 

Cha tôi là một y sĩ, làm quân y biên giới 10 năm, khi hòa bình, cha về quê, làm trưởng trạm y tế của xã rồi sau đó về làm thầy thuốc ở làng. 

Quê tôi là một huyện nghèo vùng trũng. Hồi đó, lương của cha cũng chỉ có vài trăm ngàn đồng để mẹ mua thức ăn và trang trải chi phí sinh hoạt của cả 7 người trong gia đình. Nhưng cha vẫn dành một ít tiền để mua thuốc, mua bông băng, kim tiêm cho bệnh nhân. Bệnh nhân của cha là người trong làng, họ ngại đến bệnh viện nên đau ốm gì cũng đến gặp cha. Cha hầu như chẳng từ chối ai cả.

Cha học y học hiện đại, học cả châm cứu nên việc kết hợp đông - tây y trong chữa trị giúp bệnh nhân đỡ tiền thuốc thang mà lại hiệu quả. Cha làm công việc đó hằng ngày, mấy chục năm ròng rã.

Có dạo, một người quen đến nhà chơi, hỏi mẹ: “Chú đi chữa bệnh vậy nhà mình cũng khá giả o nhỉ”. Mẹ tôi đáp: “Đâu có con, chú đi làm mà có lấy của ai đồng nào đâu. Nhà chủ yếu vẫn chỉ làm nông thôi”.

Hồi trước, mẹ hay giận cha vì chuyện đó. Nhưng mãi rồi mẹ cũng quen, cũng chấp nhận: “Tính cha mày như thế rồi, biết sao!”. Mẹ lại chăm chút cho đàn gà, đàn heo, chăm vườn rau, ruộng lúa để có tiền lo cho gia đình.

Có lần, cha ngồi cùng tôi ở sân, nói: “Cái nghề của cha, cha lấy nhiều tiền cũng được, người ta đâu có trách. Nhưng mà làm vậy không được”. Cái “không được” của cha là không muốn làm trái với lòng mình. Người ta nghèo khó, bệnh tật, sao nỡ. Tôi hiểu cái “không được” của cha nên vẫn luôn thầm ủng hộ và yêu thương cha. 

Một lần, mẹ đi từ ngoài cổng vào, hớn hở gọi cha: “Anh ơi, làng thông báo ai đi chiến trường B, C thì ra làm giấy tờ để cấp sổ trợ cấp hằng tháng đấy. Anh nghe chưa?”. Cha đáp gọn lỏn: “Ừ, tôi nghe rồi, mà tôi không đi đâu”.

Ngoài 10 năm làm việc ở biên giới, cha còn đi chiến trường 8 năm. Cha hay kể tôi nghe về những trận chiến, về việc cha chứng kiến cả tiểu đội của mình hy sinh.

Có lẽ, những ký ức đó ăn sâu trong lòng cha nên khi kể, lần nào cha cũng khóc.
Khi mẹ thông báo thì cha lại chỉ lẳng lặng từ chối. Cha không đi. Mẹ đã giận cha vì chuyện đó. Có lần cha bảo: “Cha về nhà là may mắn lắm rồi. Cha không muốn hưởng thêm lợi lộc gì từ xương máu của đồng đội”. 

Rồi cha cũng già, anh chị đi làm, tôi vào đại học. Người trong làng giờ cũng đã có điều kiện hơn, mỗi lần đau ốm, người ta đi bệnh viện huyện khám. Chỉ có những người già, không đi xa được họ mới nhờ cha. Cũng có người bị ho mạn tính, lặn lội từ thành phố đến gặp cha để chữa. Đi vài lần, hết bệnh, họ gửi tiền nhưng cha lại không nhận.

Nhìn người ta vừa đưa tiền vừa năn nỉ, mẹ tôi cười: “Thôi, cô ấy nói vậy rồi, ông nhận cho cô ấy vui”. Thế là cha cầm tiền đạp xe về quán tạp hóa đổi tiền lẻ, chỉ lấy 20.000 rồi trả lại: “Cô cầm lấy, tiền xăng đi lại từ nhà tôi về thành phố nữa”.

Sau bao nhiêu năm, nhà tôi khá hơn chút đỉnh nhưng cha vẫn đi chiếc xe đạp cũ. Mỗi lần tôi đi học xa về, cha lại đạp ra bến xe đón. Cha vẫn nói câu nói cũ: “Nhà mình nghèo, cha chẳng có gì cho con, chỉ có thể lo cho con ăn học, gắng học cho tử tế”. Mỗi lần nghe cha nói, tôi chỉ ngoan ngoãn dạ.

Nhưng cái mệnh đề “nhà mình nghèo” nó không khiến cho cha hay tôi tủi thân. Sự tử tế đó của cha ăn sâu vào trái tim tôi từ lúc nào không rõ. Chỉ biết lớn lên, tôi cũng chọn sự tử tế để làm lẽ sống cho mình. Tôi dạy học trò về tình yêu thương, sự san sẻ, nhắc chồng mình về ranh giới khi làm việc và hướng những đứa con của mình đến lối sống nhân văn, đẹp đẽ. 

Tôi nhận ra cha đã cho tôi một món quà thật lớn. Sự tử tế, nếu không phải là cha mẹ trao truyền, tôi chắc là khó lòng mà có được. Kiến thức có thể học ở khắp nơi, nhưng sự tử tế chỉ có thể đến từ chính gia đình. Cảm ơn cha đã để lại cho con một di sản tuyệt vời. 

Lê Hải

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI