Đừng vội trách cha mẹ khắt khe

29/03/2021 - 16:00

PNO - Thế nên, các bạn trẻ đừng vội trách cha mẹ sao lại khắt khe, sao không chịu hiểu, sao không thông cảm và tôn trọng quyền riêng tư. Bản thân chúng tôi đã rất cố gắng đấy.

Mỗi lúc gặp nhau là chúng tôi than thở: “Trẻ con bây giờ sao mà khó dạy. Hồi xưa bọn mình có thế đâu!”. 

Thỉnh thoảng khi đọc những bài báo liên quan đến tuổi teen, tôi lại tự hỏi: “Mình và chúng bạn đã vượt qua tuổi dậy thì nổi loạn như thế nào nhỉ?”. 

Hồi ấy, việc trao đổi với cha mẹ về những thay đổi tâm sinh lý là rất ít, bởi cả cha mẹ lẫn con cái đều thấy ngại ngần và xấu hổ khi chia sẻ những vấn đề tế nhị. 

Chúng tôi âm thầm hỏi han nhau, nhiều lắm là được mẹ hướng dẫn về kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Mãi đến lớp Tám, lớp Chín chúng tôi mới bắt đầu được học về giới tính thông qua một vài bài giảng rời rạc trong sách giáo khoa môn sinh học.

Trẻ con bây giờ sao mà khó dạy. Ảnh minh họa
Trẻ con bây giờ sao mà khó dạy. Ảnh minh họa

Tôi còn nhớ rất rõ, các bạn nữ mặt đỏ như gấc, cúi gằm mặt khi giáo viên giảng về những thay đổi sinh lý tuổi dậy thì; các bạn nam thì ngó nghiêng ra ngoài, thỉnh thoảng lén nhìn mô hình trên bảng. 

Thời điểm đó, chúng tôi “quê” hơn so với các bạn cùng tuổi bây giờ, khả năng tiếp cận thông tin cũng chậm hơn, đơn giản vì lúc đó internet chưa phổ biến, những trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Twitter… mãi đến những năm 2000 mới ra đời.

Với chúng tôi, sách truyện mượn ở thư viện hay chương trình ti vi là phương tiện cung cấp kiến thức cũng như giải trí phổ biến. Cứ như thế, chúng tôi trưởng thành mà hầu như không phải mang một gánh nặng tâm lý nào. 

Năm tháng trôi qua, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đời sống xã hội thay đổi, các bạn trẻ tuổi teen bây giờ xinh xắn, đẹp và sành điệu. Nhưng rõ ràng một điều, cha mẹ các bạn - là chúng tôi đây, ngày càng thở dài nhiều hơn và lắm lúc lắc đầu bất lực: “Bọn trẻ con bây giờ sao mà khó dạy thế!”. 

Một phụ huynh từng tâm sự: “Mình là mẹ nó, có hôm vào phòng con quên gõ cửa, vậy mà nó nhảy dựng lên, la hét ầm ĩ. Mình chỉ muốn kiểm tra xem con học bài hay đang chat chít với ai thôi mà nó giận mấy ngày liền, mặt nặng mày nhẹ”. 

Một đồng nghiệp khác của tôi, thậm chí phải tham vấn chuyên gia tâm lý trước khi nói chuyện với con về vấn đề nhạy cảm - yêu sớm.

Chị bảo: “Con cái tuổi dậy thì cứ như bãi mìn nổ chậm (trích lời của tác giả cuốn sách Não bộ tuổi teen), cha mẹ cũng mệt mỏi theo. Mình biết những rung động đầu đời rất đẹp, nhưng trẻ bây giờ yêu sớm, tò mò sớm. Mình càng ngăn cấm thì chúng nó càng quyết tâm làm ngược lại. Nói chuyện với con mà như… đu dây, sơ sẩy tí là hỏng. Cứ nghĩ tới cái vụ bé gái nhảy lầu tự tử vì mẹ đọc lén điện thoại là mình sởn hết gai ốc”.

Thế nên, các bạn trẻ đừng vội trách cha mẹ sao lại khắt khe, sao không chịu hiểu, sao không thông cảm và tôn trọng quyền riêng tư. Bản thân chúng tôi đã rất cố gắng đấy. Chúng tôi phải nỗ lực từng ngày học cách làm cha, làm mẹ để yêu thương, bảo vệ các bạn khỏi những mối nguy hiểm rình rập.

Mỗi khi báo chí đưa tin về các vụ việc trẻ em bị hại là chúng tôi lại lo lắng, trái tim treo ngược, chỉ sợ những đứa con bé bỏng của mình có thể là nạn nhân tiếp theo. 

Thạch Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI