Diễn đàn "Văn minh = bất hiếu?": Xa thì nhớ, gần nhau thì buồn

19/10/2020 - 09:31

PNO - Báo hiếu không nhất thiết là phải thấy nhau mỗi ngày, cơm bưng nước rót. Sống làm sao để cứ nghĩ về nhau là vui, gặp nhau là cười, thì cuộc sống mới thật sự ý nghĩa.

Ly hôn chỉ một năm sau khi cưới vì phát hiện chồng ngoại tình, tôi ôm con gái mới ba tháng rưỡi về nhà cha mẹ ruột ở.

Sống được vài tháng, thấy chị dâu không thoải mái, nên tôi xin ra riêng, dựng căn chòi cặp mé đường. Tôi mở hàng cơm tấm, cháo, bún để mưu sinh. Con tôi thấy mẹ vất vả nên rất ngoan và học hành chăm chỉ. Rồi con thi đậu vào Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Tốt nghiệp xong, con học lên cao học, có việc làm ổn định, mua được nhà ở Sài Gòn và năn nỉ tôi lên sống cùng. 

Ngày đầu tiên làm công dân thành phố. Tôi dậy sớm nấu hủ tíu để hai má con ăn sáng. Nhưng con gái lắc đầu: “Má con mình ra ngoài ăn sáng đi. Con mới ăn hủ tíu tối qua, hôm nay ăn hết nổi rồi má ơi”. Tôi không đồng ý nhưng con gái cứ thuyết phục: “Má đã cực khổ một đời rồi, giờ là lúc má cần hưởng thụ”. Con nói thế nào tôi cũng kiên quyết ăn ở nhà. Thế là con thản nhiên: “Vậy con ra ngoài ăn rồi đi làm luôn”.

Hôm khác, con rủ tôi đi ăn buffet. Lần này thì tôi đồng ý. Nhưng khi thấy vé buffet 950.000 đồng/người thì tôi nắm tay con kéo ngược ra. Tôi nhẩm tính: “Ăn một bữa bằng má bán 95 tô cháo. Không thể chấp nhận được”.

Con gái năn nỉ: “Má ơi, có tôm hùm, cua hoàng đế, là những món má chưa ăn bao giờ. Má thử một lần thôi”. Tôi vẫn kiên quyết về. Tôi nói: “Ăn cơm tấm đi”. Vậy là hai má con tôi ngồi ăn cơm tấm với giá 25.000 đồng/dĩa. Trong khi tôi vui vẻ ăn ngon lành vì đã tiết kiệm được gần hai triệu đồng cho con thì con gái tôi chẳng thoải mái chút nào. 

Có mỗi việc xài điện nước, hai má con cũng “trâu trắng trâu đen” suốt ngày. Con thích sáng sủa, nên bật toàn bộ đèn trong nhà. Tôi thì thấy điều đó quá phí, nên chỉ cần con đi khỏi phòng khách là tôi với tay tắt hết đèn, chỉ chừa đúng một bóng.

Con la oai oái: “Má, nhà tối mù mù khó chịu lắm. Bóng đèn này tiết kiệm điện, không tốn mấy đâu. Tiền điện chỉ hơn 500.000 đồng/tháng thôi”. Tôi trợn mắt: “Ở quê má nấu đồ bán chỉ hơn 100.000 đồng/tháng”.

Có hôm, con bé vừa ra khỏi nhà là tôi tắt máy lạnh, tắt đèn. Lúc trở lên, nó gắt: “Má đừng tắt máy lạnh, tắt đèn nữa được không? Nhà của con, tiền con trả, má cứ để đó cho con”. Tôi tủi thân, khóc. Lát sau, con gái dỗ dành: “Con không có ý làm má buồn, má đừng giận con. Nhưng thật sự, con cần đèn sáng, khi nào đi ngủ má hãy tắt”. Tôi ờ ờ. 

Lần khác, con rủ tôi đi xem liveshow của một ca sĩ nổi tiếng. Tôi hỏi: “Tiền vé bao nhiêu?”. Con nói: “Dạ hai triệu”. Câu trả lời làm tôi giật bắn người: “Thôi, má không đi đâu, số tiền đó ở quê má sống được ba tháng”. Và tôi còn la con vì cái thói xài tiền như nước.

Lúc này, nó cũng bắt đầu lớn tiếng: “Má đừng so thời má với thời con, hay mức sống ở trên này với ở quê. Mỗi thời, mỗi nơi mỗi khác. Xưa má nuôi con cực khổ, giờ con làm có nhiều tiền, con chỉ muốn má được sung sướng, vậy cũng có tội sao? Má lên trên này, con không nỡ bỏ má ở nhà một mình. Nhưng đưa má đi đâu, má cũng không chịu, chê mắc, chê rẻ. Má con mình lúc nào cũng bất đồng, căng thẳng”. 

Tôi không thể chấp nhận bữa buuffet 950 ngàn đồng, con gái thì muốn tôi ăn tôm hùm, cua huỳenh đế... (ảnh minh họa)
Tôi không thể chấp nhận bữa buffet 950 ngàn đồng, con gái thì muốn tôi ăn tôm hùm, cua huỳenh đế... (ảnh minh họa)

Suốt đêm đó tôi không ngủ được. Có lẽ con cũng vậy. Trước khi lên đây, tôi đã và đang có cuộc sống thanh thản tuy phải luôn chân luôn tay mỗi ngày. Nhớ con lúc nào thì gọi điện lúc đó. Hai má con tâm sự đủ thứ chuyện. Vì lẽ đó mà tuy má con tôi sống xa nhau, nhưng vẫn không cảm thấy đơn độc. Mỗi người đều có cuộc sống thoải mái, tự do của riêng mình.

Vậy mà, sống với nhau chưa tròn ba tháng, hai má con đã hơn chục lần to tiếng, giận dỗi. Tôi thấy con không còn vui vẻ, hào hứng về nhà như những ngày đầu tôi mới lên. Đôi mắt con đượm buồn, con cũng thở dài nhiều hơn, và không còn tỉ tê với tôi những câu chuyện vặt vãnh của nó. 

Má con ở gần lại có khoảng cách vô hình. Tôi suy nghĩ mãi, hay là tôi đã sai khi lên đây? Cuộc sống chung của hai má con không đem lại niềm vui cho hai người, mà trái lại chỉ có căng thẳng, nặng nề. Tôi biết, con phải chịu áp lực và hy sinh nhiều thứ khi sống cùng tôi. Con thật sự không thoải mái mỗi lần đi chơi với bạn bè, hay du lịch dài ngày. Vì con sợ má ở nhà một mình buồn, sợ về muộn má lo.

Mà con kéo tôi đi du lịch cùng thì tôi lại tiếc tiền nên đòi ở nhà. Con cũng từ bỏ thói quen ăn ngoài, giải trí, hoặc có đi cũng phải giấu mẹ… Bởi cứ nhắc đến thì tôi lại xót tiền và rầy la nó. 

Giữa hai mẹ con tôi luôn có bức tường vô hình ngăn cách (ảnh minh họa)
Giữa hai mẹ con tôi luôn có bức tường vô hình ngăn cách (ảnh minh họa)

Suy nghĩ mãi, tôi quyết định về quê. Con tôi rất buồn nhưng cũng không nài nỉ. Bởi hơn ai hết, con hiểu nếu má con tôi sống chung lâu dài thì mỗi bên đều phải cố nhẫn nhịn, ép mình đi để sống. Mà tội tình chi phải làm thế, khi cuộc đời con người có được mấy quãng vui. Tôi về quê, không hờn trách con gái. Bởi tôi cũng cần phải sống cho mình. Tôi trở lại bán hàng ăn sáng, dù kinh tế đã ổn, và con gái vẫn đều đặn gửi tiền về hằng tháng. 

Tôi nghĩ cha mẹ và con cái không nhất thiết phải sống cùng nhau. Báo hiếu không nhất thiết là phải thấy nhau mỗi ngày, cơm bưng nước rót. Sống làm sao để cứ nghĩ về nhau là vui, gặp nhau là cười, thì cuộc sống mới thật sự ý nghĩa.

Tôi và con chấp nhận “xa nhau là nhớ”, chứ không muốn “gần nhau là buồn”, để rồi tôi bị day dứt là người mẹ mang đến cho con nhiều áp lực, còn con thì bị mang tiếng bất hiếu với mẹ. Bất hiếu hay không, không phụ thuộc vào tính thời đại, mà là cách hành xử làm buồn lòng, tổn thương đấng sinh thành. 

Khánh Phương 
(ghi theo lời kể của chị 
Nguyễn Bích Thủy - An Giang) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI