Con tôi muốn mua laptop tặng cô giáo ngày 20/11

19/11/2020 - 14:46

PNO - Cả hai gom tất cả tiền tiết kiệm lại, tổng cộng hơn 8 triệu đồng và xin tôi cho thêm 2 triệu để đủ 10 triệu. Các con muốn dùng số tiền ấy mua laptop tặng cô giáo.

Đọc bài viết Tặng quà giáo viên - bao giờ thôi áp lực?, tôi chia sẻ cảm giác áp lực của các phụ huynh đang tất bật lo quà tặng ngày 20/11, và xin kể câu chuyện nhỏ này.

Tôi có hai đứa con học trường quốc tế. Môi trường giáo dục phương Tây quan niệm mọi ngành nghề đều đáng quý như nhau, các con không có ngày nào đặc biệt để ngày kỷ niệm nghề giáo. Đó là lý do tôi chưa một lần đau đầu với chuyện quà cáp cho thầy cô.

Khi con vào cấp III, tôi mời một cô giáo đến dạy 2 con tại nhà môn Tiếng Việt, với mong muốn con tiếp nhận ngôn ngữ và văn hoá Việt nhiều hơn. Những buổi tối sau giờ học, các con thường kể với tôi về khá nhiều chuyện về cô gia sư trẻ này.

Đâu đó vẫn có những người thầy không xem phong bì là thứ để vun đắp tình yêu nghề
Đâu đó vẫn có những người thầy không xem "phong bì" là thứ để vun đắp tình yêu nghề - Ảnh: T.L

Trước ngày 20/11 năm ấy, các con đưa ra một đề nghị khiến tôi bất ngờ. Cả hai gom tất cả tiền tiết kiệm, từ tiền bỏ heo tới những khoản tiêu vặt chưa dùng của mình lại. Tổng cộng được hơn 8 triệu đồng và xin tôi cho thêm 2 triệu để đủ 10 triệu. Các con muốn dùng số tiền ấy mua laptop tặng cô giáo.

Laptop loại nào, mua ở đâu, các con đã nghiên cứu kỹ. Tôi rất bất ngờ, hỏi lý do tại sao các con quyết định mua món quà lớn như vậy. Con trình bày rằng, vì có lần nghe cô giáo nói chuyện với ai đó, cô đang dành tiền để mua laptop, tiện cho việc dạy học và tìm tài liệu, vì “hình như hoàn cảnh của cô khó khăn lắm”...

Tôi tôn trọng đề nghị của các con, mặc dù quá nhiều lợn cợn trong đầu bắt đầu xuất hiện. Trước kia, khi tôi mang thực phẩm chia sẻ cho các cậu, dì, các con cũng cảm thấy khó chịu, sao lại dễ dàng chủ động dùng những đồng tiền nhịn quà vặt của mình để mua đồ cho cô? Dù tôi đã cố gắng gạt đi, nhưng suy nghĩ con mình bị cô giáo “dụ” tặng quà cứ lởn vởn trong đầu.

Ngày 20/11, khi cô giáo dạy xong, hai con đã mang món quà ra tặng cô gia sư. Trái với hình dung của tôi trước đó, cô giáo trẻ hết sức bất ngờ với những gì đang diễn ra. Mắt cô mở tròn khi thấy cái laptop.

Cô lắng nghe những lời tâm sự từ hai học trò, rơi nước mắt rồi im lặng trong vài phút. Dường như đã bình tâm trở lại, cô nói chậm rãi: “Cô cảm ơn hai em. Chỉ cần biết các em yêu quý cô, thế là đủ. Đó là thứ duy nhất cô sẽ nhận trong ngày này, và cô thật sự hạnh phúc với món quà đó. Còn cái laptop này cô không nhận. Cô muốn tự mình mua nó”.

Chứng kiến những gì đang diễn ra và nhìn lại quá trình đã qua của ba cô trò, nước mắt tôi tự nhiên cũng chảy. Tôi thuyết phục cô: “Đó là tấm lòng của hai con, tôi rất mong cô nhận để các con vui”

Nhưng cương quyết, cô từ chối và nói rằng, nếu hôm nay cô nhận món quà này, thì ngày mai, cô không đủ tự tin đứng trước hai con. Cô nói cô đã rất thành công khi dạy hai con biết đến ngày nhà giáo - như một ngày đặc biệt trên đất nước này. Các con đã nhận thấy sự sẻ chia là cần thiết và thực hành nó trong cuộc sống, những điều đó là món quà quá lớn đối với việc dạy dỗ của cô rồi.

Những lời ấy khiến mẹ con tôi không còn lý do nào để “ép” cô nhận quà nữa.

Sau này, khi các con tôi ra nước ngoài học, đến ngày 20/11, cô giáo trẻ ấy lại nhắn tin rồi gửi cho tôi những tấm thiệp do hai con tự thiết kế cùng lời chúc dí dỏm rất "trẻ trâu", khiến cả tôi và cô không nhịn được cười...

Bạch Huệ Linh (Quận 7, TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI