Có quyền... bình an

26/09/2020 - 09:50

PNO - Đã đến lúc ta cần quay lại thói quen của ngày xưa - ngồi một mình và có cuộc trò chuyện ngọt ngào với bản thân - để đánh thức bình an trong ta.

Chị xới hai ba vá cơm nóng hổi cho vào cái khăn vuông ướt. Sau đó, chị túm bốn góc khăn và vặn sao cho mớ cơm cuộn lại thành một khối tròn rồi bắt đầu nắm cơm chặt lại.

Vừa nắm, chị vừa kể: “Hồi xưa, hai giờ sáng, cả nhà đã phải dậy lên rừng kiếm củi về đốt. Cho nên, tối hôm trước phải nắm cơm, rang đậu, rang mè, làm sẵn muối vừng để sáng mai đem theo ăn. Hồi đó mẹ toàn nắm một nồi to đủ cho cả nhà”. 

Cuộc sống cực nhọc là thế, món ăn đơn giản là thế… nhưng sao ta nhớ. Nhớ cơm nắm muối vừng thơm ngon, nhớ mùi khói bếp, nhớ bụi tre lào xào kẽo kẹt, nhớ con đường đất vàng rải đầy hoa xoan tím li ti… Sự thật là chúng ta nhớ những cảm giác bình an, thư thái thông qua những hình ảnh, âm thanh, những món ăn ngày xưa.

Chúng ta đã từng rất bình an và ít lo nghĩ. Vì lúc đó, ta chẳng biết gì nhiều ngoài lũy tre làng, con hẻm, góc phố nhà mình. Cả người lớn và trẻ con không có quá nhiều hoạt động. Chúng ta dành nhiều thời gian ở nhà, một mình, và nếu không có gì để làm thì vẫn cảm thấy thoải mái. Chúng ta có thể ngồi một mình với nắm cơm muối vừng giữa đồng mà không cần điện thoại, ti vi kế bên. 

Chúng ta có thể thư thả theo nhịp võng đong đưa giữa trưa hè, nghe mấy tàu lá chuối lao xao mỗi khi gió nồm thổi tới mà không cần có thêm ly cà phê hay điếu thuốc lá. 

Ngày nay, với công nghệ truyền thông hiện đại và tiện nghi vật chất, những thông tin mà ta có không chỉ gói gọn sau lũy tre làng nữa. Ta có cả thế giới trong lòng bàn tay. Ta phát triển thói quen khiến cho tâm trí can dự vào quá nhiều chuyện và đánh mất thói quen dành thời gian một mình cho bản thân. Ta không thể ngồi yên mà không có gì để xem, để nghe, để nói, để ăn, để sờ chạm… Không có chúng, ta cảm thấy buồn chán. Ta thay thế những suy nghĩ bình yên, trong sáng bằng quá nhiều suy nghĩ về những điều tiêu cực đang diễn ra trên thế giới. Chúng ta đã tự đánh mất bình an của mình như thế đó.

Bình an Ảnh minh hoạ
Bình an đã dần mất đi khi tâm trí chúng ta can dự vào quá nhiều chuyện. Ảnh minh hoạ

Bình an là trạng thái của tâm trí, là cảm nhận được tạo ra từ những suy nghĩ bình an. Suy nghĩ là hạt giống của trạng thái tinh thần, của cảm xúc, thái độ, hành vi. Ví như muốn trồng một cây đậu, ta phải gieo hạt đậu. Muốn có bình an, ta phải tạo ra những suy nghĩ bình an. 

Để có được một đĩa thức ăn ngon thì nguyên liệu rau củ quả để nấu phải ngon. Thông tin là nguyên liệu để tạo ra suy nghĩ. Để có suy nghĩ bình an, thông tin ta xem, nghe, đọc phải bình an. Chúng ta hoàn toàn có quyền chọn lựa giữa việc đọc hay không đọc, xem hay không xem, nghe hay không nghe, nói hay không nói... trong “rừng” thông tin đó. Và khi lựa chọn, hãy chọn những thông tin cần thiết, mang lại lợi ích, kích hoạt suy nghĩ bình an.

Đã đến lúc ta cần dành một chút thời gian tĩnh lặng cho riêng mình mà không cầm nắm bất kỳ cái gì trong tay. Đã đến lúc ta cần quay lại thói quen của ngày xưa - ngồi một mình và có cuộc trò chuyện ngọt ngào với bản thân - để đánh thức bình an trong ta, để biết mình, để cảm nhận chính mình. Đó chính là thiền định thiết thực. 

Thiền định thiết thực không có nghĩa là ngồi không và không suy nghĩ gì. Thiền định thiết thực là tạo một lối suy nghĩ đúng đắn, tạo một mối quan hệ đẹp với nguồn cội của những điều tốt lành thánh thiện. 

Ban đầu chúng ta có thể tập ngồi năm đến mười phút vào mỗi sáng sớm khi vừa thức dậy mà không có thiết bị điện tử nào trong tay. Chúng ta cần nuôi dưỡng thói quen này. Chúng ta hoàn toàn có quyền đối với bình an của chính mình. 

Ngân Thạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI