Có nhà để về

27/04/2020 - 18:21

PNO - Nhà mình, dù có chật hẹp, thiếu tiện nghi, nhưng có thể sải những bước chân mạnh mẽ, tin yêu, chui vào bất cứ xó xỉnh nào, không ý tứ, rón rén..

Nhà ở ngoại thành, nhưng tôi học tập và làm việc ở nội thành. Mỗi ngày tôi di chuyển chừng 40 cây số, cả đi và về. 

Có hôm đi cùng bạn bè, nhà tụi nó, đứa quận 3, đứa Tân Bình, mới đi cùng nhau hơn mười phút, bạn đã về tới nhà. Còn tôi, phải di chuyển một đoạn đường hơn ba mươi phút nữa. Nhưng tôi hầu như không than thở sao nhà mình xa thế, sao ba mẹ không mua nhà nội thành, chỉ nghĩ có nhà để về là hạnh phúc rồi.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Đường về nhà, không biết qua bao nhiêu ngã ba ngã tư, đếm không xuể bao nhiêu bảng hiệu, hộp đèn. Thậm chí tôi có thể ghi nhớ đoạn đường nào ngập nước, đoạn nào giờ cao điểm dễ kẹt xe, hay đoạn nào vừa mới bị đào lên, nham nhở.

Thân quen đến nỗi, đoạn này có quán phở nức tiếng, khúc cua kia có quán chè ba miền trứ danh, hay đường nọ có ông lão ăn mày ngồi thất thểu. Có những hôm, tầm 6g chiều ngang qua hàng cơm sườn, cơn đói trỗi dậy, đành hít một hơi lấy sức chạy về ăn cơm với mẹ, mẹ có thói quen chờ tôi về mới chịu ăn. 

Đưa bạn về cho biết nhà, đứa nào cũng than “nhà mi xa quá”. Nếu di chuyển hai mươi cây số, qua đôi mươi đèn đỏ, đúng là có mất thời gian, nhưng chỉ cần nhớ ta sắp ngang hàng cơm sườn, rồi tới chỗ ông lão ăn mày ngồi, tới quán chè ba miền, là sắp tới nhà, xa đâu mà xa! Xa về khoảng cách địa lý, chứ nhà, tôi đã mặc định trong tâm tưởng rồi, cứ tan sở là có đường dẫn lối, dọc ngang mà về. 

Tôi biết ba mẹ khó khăn, nên mới chọn ở ngoại thành. Ở riết thành quen, rồi yêu lúc nào không hay những con đường ngoằn ngoèo, hai bên là ruộng lúa, yêu những cánh đồng chấp chới cánh diều tuổi thơ, cả chiếc cầu bê tông dẫn lối vào xóm nhỏ… Ở xóm nhỏ đó, căn nhà cấp bốn nhiều năm chưa nâng cấp, là nỗi trăn trở của ba mẹ, nhưng chẳng sao, miễn nhà gọn gàng, sạch sẽ, và dĩ nhiên đầy ắp tiếng cười là được.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có những hôm đi chơi về trễ, đường vắng, một nỗi sợ hãi không hề nhẹ, nhưng giá nào cũng phải về nhà, dù nhà cô nhà dì ở ngay trung tâm thành phố. Tôi về vì có nhà để về. Tôi về vì biết tôi có nơi nương tựa. Và, tôi biết mẹ vui khi thấy con mình. 

Những hôm về khuya, chứng kiến nhiều mảnh đời vô gia cư vắt vẻo nơi gầm cầu, mà thấy mình may mắn. Nhà tôi, cái giường ngủ bằng gỗ tuy rất cũ kỹ, nhưng là gỗ tốt nên chắc chắn. Giường được ba kêu thợ đóng từ hồi tôi mới lọt lòng, nay đã hơn hai mươi năm. Hay cái chăn nhiều năm chưa thay mới, nhưng ngay thời điểm chứng kiến ấy, tôi thấy mọi thứ trong nhà mình thật đặc biệt và thân thương.

Thói quen so bì dường như biến mất từ dạo ấy. Nhà mình, dù có chật hẹp, thiếu tiện nghi, nhưng có thể sải những bước chân mạnh mẽ, tin yêu, chui vào bất cứ xó xỉnh nào, không ý tứ, rón rén như nhà người lạ. Nhà mình có mẹ có cha, có anh chị em, có tiếng nói cười rổn rảng, thân quen. Ở nhà, tôi có thể đánh một giấc ngon lành, chứ không vì lạ nhà mà thao thức sáng đêm.

Nhà mình, tôi có thể xuống bếp mở vung mỗi khi đói bụng. Tôi chẳng tưởng tượng nổi nếu phải xa nhà chừng một tháng. Mẹ nói, tại tôi chưa từng xa nhà nên nói vậy, mai mốt lấy chồng, có khi cả năm chẳng về thăm mẹ cũng nên. “Còn lâu”. Lấy chồng là một chuyện, phải tranh thủ về nhà khi có thể. Nếu không về được, phải “moi” tim, “moi” cả bộ nhớ ra mà nhấm nháp, vì trong đó có… nhà. 

Song Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI