Cô giáo của tôi

18/07/2013 - 06:50

PNO - PNO - Các con tôi mất mẹ khi đứa lớn vừa tám tuổi, đứa nhỏ mới lên năm. Gánh nặng chăm sóc con dồn lên tôi, một người đàn ông 42 tuổi vụng về, cả ngày chỉ biết cầm bay xây, trét, tô...

Đời người thợ xây dựng chỉ đi xây nhà cho nhà người khác, còn nhà mình thì đến bốn bức tường cũng không có điều kiện xây cho ra hồn. Lương thợ xây 150.000 đồng/ ngày, nếu có bàn tay phụ nữ xoay sở thì cũng đủ co cho ấm, đàng này... Thiếu vỡ, có lúc tôi khó khăn đến không đủ lo cái ăn cho con, nói chi đến cái mặc, rồi học hành. Hết bên nội đến bên ngoại giúp đỡ, các con tôi mới được đến trường. Công việc nặng nhọc, chiều về nhà vừa mệt, vừa buồn, tôi chỉ biết trầm ngâm bên ly rượu, bỏ mặc con cái muốn học hành ra sao thì ra. Con tôi cứ như cây cỏ mà lớn, học hành chữ được chữ không, hai năm một lớp vẫn là học sinh yếu.

Co giao cua toi
 

Năm con gái nhỏ của tôi vào lớp một, mọi chuyện thay đổi hẳn. Theo tuyến hộ khẩu, bé được vào một trường có uy tín. Ngày đầu năm học đi họp phụ huynh, nhìn lên bảng những khoản tiền phải đóng cho một năm học, tôi tưởng chừng mình phải bỏ cuộc. Trong cuộc họp, cô giáo có đề cập đến diện gia đình nghèo khó, nếu muốn xin giảm tiền phải có được phường xác nhận gia đình thuộc diện khó khăn. Cuối buổi họp, chờ mọi người về hết, tôi rụt rè hỏi cô cách làm đơn xin miễn giảm, cứ sợ cô giáo khinh mình nghèo, chê con mình dốt.

Không ngờ, nghe tôi trình bày, cô nhiệt tình hướng dẫn tôi viết đơn. Bàn tay cả đời chỉ biết cầm bay, giờ cầm cây viết cứ lóng nga, lóng ngóng, ba cha con tôi đánh vật với tờ giấy cả đêm mới xong được tờ đơn. Những lời lẽ vụng về kể lể hoàn cảnh, thể hiện với những giòng chữ to, lộn xộn. Mọi việc rồi cũng tốt đẹp, con tôi được giảm hai phần ba học phí và nhiều khoản khác. May mắn hơn, bé nhỏ sáng dạ, học hành khá hơn chị, còn được các bạn bầu làm lớp trưởng, được cô giáo quan tâm.

Một buổi sáng, tôi đang làm việc ở công trường thì có người đến nhắn con tôi bị xỉu ở trường. Chạy vội đến trường, nhìn qua là tôi biết ngay là do cháu không ăn sáng. Có thể buổi sáng cháu vội và cũng có thể cháu muốn để dành tiền. Tội nghiệp con tôi. Con bé chỉ mới bảy tuổi mà đã khôn lanh, già dặn, đôi khi có những ý nghĩ như người lớn. Nó vẫn thường để dành tiền ăn sáng để mua thứ gì đó cần thiết. Tôi ra ngoài mua cho cháu khúc bánh mì, ăn xong cháu khỏe lại ngay. Nghe cô giáo nhỏ nhẹ nhắc cháu: “Hôm nào chưa ăn sáng thì nói cô biết để cô mua bánh mì cho”, tôi xấu hổ vô cùng, vì mình không lo cho con được chu đáo.

Ngược với ý nghĩ của tôi, cô giáo động viên: “Thôi ổn rồi, anh về làm việc đi, lần sau tôi biết cách lo cho cháu”. Từ đó, mối quan hệ giữa “gia đình và nhà trường” như trở nên gần gũi hơn. Những lời dặn dò được cô giáo ghi hẳn vào tập cho tôi biết. Tình cảm mơ hồ nhen nhóm trong lòng tôi. Rồi như có bà tiên đưa chiếc đũa thần gõ lên cuộc đời tôi, đến một ngày, cô giáo về ở hẳn với gia đình tôi bằng một mâm cơm cúng ông bà, ra mắt hai họ. Đó là năm cô ba mươi tám tuổi, lần đầu tiên lập gia đình với tôi.

Co giao cua toi
 

Có cô giáo, mấy cha con tôi tươm tất hẳn. Bé lớn học hành khá hơn nhờ có cô kèm cặp. Cô còn “kèm cặp” luôn cả tôi, chiều đi làm là về ngay nhà, không được la cà bạn bè, nhậu nhẹt; ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ để đảm bảo sức khoẻ. Cô được lòng cả gia đình hai bên nội, ngoại của các con tôi. Em bé Út ra đời một năm sau đó. Cũng năm đó, tôi được chủ thầu cất nhắc lên chức “cai”, lương được tăng hơn, gia đình tôi như bước sang một trang mới.

Giờ căn nhà của chúng tôi đã được xây lại khang trang hơn, lúc nào cũng rộn tiếng ê, a, tiếng vui đùa của con trẻ. Tất cả đều do bàn tay vun quén của cô giáo. Cô giáo là mẹ hiền của các con tôi, là cô giáo của cả tôi. Tôi xin cám ơn thật nhiều cô giáo của tôi.
 

DŨNG KHANG 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI