Có gia đình, chia tay ước mơ?

03/05/2013 - 05:35

PNO - PNO - Em trai tôi chuẩn bị lấy vợ. Em dâu tương lai của tôi vừa tốt nghiệp đại học ngành báo chí, đã có vài bài viết đăng báo. Đôi lần trò chuyện đủ để tôi nhận ra em đang tràn đầy nhiệt huyết muốn đi, muốn làm việc, muốn...

“Viết lách là cái công việc vớ vẩn, lương bổng chẳng bao nhiêu, lại cứ đi suốt, chồng con nào chịu được?” - sau lưng cô vợ sắp cưới, em trai tôi làu bàu thế. Hỏi, vậy tại sao lại quyết định kết hôn, em tôi khẳng định “mọi thứ sẽ vào nề nếp ngay ấy mà”. Tôi dễ dàng hình dung ra cái “nề nếp” mà cậu em vừa đề cập. Sẽ là lựa chọn hoặc gia đình, hoặc sự nghiệp mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng ít nhiều phải đối mặt. Rồi thì tùy theo tính khí, tùy mức độ quyết liệt của cô gái, tùy vào cái “đô” gia trưởng của chồng, những vết rạn của hạnh phúc sẽ xuất hiện trong mái nhà sắp sửa được gầy dựng.

Co gia dinh, chia tay uoc mo?

Tôi nhớ ngày mình quyết định bỏ chuyến du học nâng cao để lấy chồng. Khi đó, tôi vừa tốt nghiệp y khoa, sau hơn sáu năm khó nhọc học hành. Phụ nữ học y vất vả lắm, mau tàn lắm. Tôi quen anh khi còn là sinh viên, mối tình đẹp, nhiều kỷ niệm và tôi biết anh yêu thương tôi thật lòng. Lựa chọn đi học tiếp hay ở lại thật khó, tôi phải nhiều tháng trăn trở. Anh không tác động gì, chỉ để tôi tự suy xét. Nhưng, tôi biết anh sẽ rất đau khổ nếu tôi chọn hướng ra đi vì gia đình tôi mong muốn sau khi tôi du học, sẽ tạo điều kiện để tôi định cư và làm việc luôn tại nước ngoài. Nếu tôi đã đi, cũng đồng nghĩa với chuyện tình cảm của hai đứa sẽ kết thúc…

Có lẽ vì tôi không đủ cương quyết để chọn sự nghiệp. Có lẽ vì tôi cũng cảm động bởi mối chân tình của anh. Có lẽ, tôi chỉ là một phụ nữ không vượt qua nổi những lo lắng thường tình… Có lẽ, bao gồm tất cả những “có lẽ” trên, tôi quyết định chọn hạnh phúc gia đình, chấp nhận an phận làm bác sĩ ở một bệnh viện nhỏ gần nhà. Lập gia đình rồi tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, phụ nữ lấy chồng, dường như đều phải dần chia tay với những ước mơ của mình. Học hành nâng cao ư, chẳng thể nào có cơ hội, thời gian và tiền bạc để mà nghĩ tới. Đi công tác xa cũng phải đắn đo cân nhắc, phải xin xỏ để có thể né được những chuyến đi dài ngày hay vào những dịp gia đình có việc. Vì thế, công việc mãi rồi cũng chỉ làng nhàng.

Như nhiều cô gái khác, thuở nhỏ tôi khát khao học một vài môn nghệ thuật gì đó. Cứ nghĩ, sau khi đi làm, có thể tự lực mưu sinh thì sẽ học. Hoặc, kết hôn rồi sẽ tiếp tục những đam mê của mình. Nhưng, khi đã có gia đình, quanh đi quẩn lại vô vàn bổn phận ràng buộc, tôi tự hỏi ai sẽ ủng hộ mình đi học? Muốn tham gia công tác xã hội hay một hội nhóm nào đó, cũng phải rất vun vén mới có thể. Nhìn quanh, tôi thấy không hiếm những trường hợp phải quên nhu cầu bản thân để chồng con có cơ hội phát triển. Muốn giải trí, du lịch, tụ tập bạn bè một bữa cũng phải thu xếp nhiều ngày trước, nếu không muốn bị chê trách… Lỡ xảy ra điều gì nghiêm trọng là bao nhiêu tội lỗi, trách nhiệm sẽ do người phụ nữ gánh chịu.

Co gia dinh, chia tay uoc mo?
 

Họa hoằn lắm mới có người đàn ông hiểu cho nỗi nhọc nhằn của vợ mình. Không hiếm những người đàn ông hứa hẹn sẽ tạo điều kiện này nọ, nhưng rồi lấy được vợ sẽ nhanh chóng… quên những gì mình đã nói. Và, người phụ nữ đành chấp nhận chọn tình yêu thay vì sống cho bản thân, rơi vào cái vòng luẩn quẩn chẳng bao giờ kết thúc. Những ước mơ ngày trước cứ xa dần trong nỗi ngậm ngùi…

Phụ nữ là phải biết hy sinh, phải sống vì chồng con. Đến bao giờ cái “chân lý” đó mới ít nhiều thay đổi? Tự nguyện hoặc ở vào tình thế phải chia tay ước mơ như tôi, chắc chắn đều làm chị em đau đáu trong lòng. Chẳng lẽ, để sống như là chính mình mong muốn thì phải chọn con đường độc thân, hoặc nếu như đã ham vui, lỡ cho chân vào tròng rồi, thì đành chấp nhận số phận thôi sao?

 

HẠ YÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI