Có con với người đàn bà nước ngoài chưa từng gặp mặt, chuyện lạ có thật!

05/01/2018 - 13:58

PNO - Hóa ra, anh đã có một “con trai” được hai năm mà không hề hay biết. Hai năm nay, anh đã không hoàn thành trách nhiệm với “con”, không đưa tiền cho “vợ” nuôi “con”.

Có những người đàn ông Việt ra nước ngoài sinh sống, tự đạo diễn một kịch bản đời mình để có giấy tờ nhập cư. Rồi tự nhiên một ngày đẹp trời, anh ta được biết mình có con với người phụ nữ chưa từng gặp mặt - đứa con ngoại hờ mà anh phải chịu trách nhiệm nuôi.

Co con voi nguoi dan ba nuoc ngoai chua tung gap mat, chuyen la co that!
Ảnh minh họa

Trong một lần đến Hamburg (Đức) năm 2017, gặp bạn Đỗ Ngọc Tùng - một Việt kiều định cư tại Đức đã gần ba thập niên, tôi hỏi về “giá chợ” cho một suất định cư tại Đức; Tùng cho biết, với đàn ông thì tròm trèm một tỷ đồng, với phụ nữ thì giá thấp hơn - từ 500 triệu đến 700 triệu đồng. 

Năm 1990, vì không hài lòng với công việc của một nhân viên trong xí nghiệp vận tải, anh Trần Hùng tìm cách đi sang Czech. Anh gom góp được gần 5.000 USD, làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Czech. Chờ đợi nửa năm, có giấy kết hôn do Cộng hòa Czech cấp. Anh Hùng đàng hoàng mua vé máy bay sang Czech. Theo người quen, anh bắt tay vào kinh doanh trong ngành vải vóc, quần áo, đồng hồ; tiền kiếm được rất khá. Anh mải mê làm ăn, gửi tiền về Việt Nam tậu đất, xây nhà.

Không được ai chỉ lối, nhắc nhở, anh Hùng quên bẵng chuyện mình từng kết hôn giả với một phụ nữ Czech để có giấy tờ hợp pháp cư trú tại quốc gia này. Cho đến một ngày, anh nhận được giấy mời của ủy ban nơi người phụ nữ Czech cư trú. Theo giấy mời, anh phải đến ủy ban này để giải quyết vấn đề trách nhiệm gia đình.

Hóa ra, anh đã có một “con trai” được hai năm mà không hề hay biết. Hai năm nay, anh đã không hoàn thành trách nhiệm với “con”, không đưa tiền cho “vợ” nuôi “con”, do đó ủy ban gọi anh lên để thương thuyết. Nếu anh chịu nộp toàn bộ số tiền đóng góp nuôi “con” anh đã thiếu trong hai năm ấy và tiếp tục đóng góp hằng tháng cho đến khi “con” anh 18 tuổi, anh sẽ được yên ổn. Nếu không, anh sẽ bị kiện ra tòa.

Đang làm ăn được, không muốn lằng nhằng với pháp luật, anh Hùng đành chấp nhận đóng tiền nuôi “con” cho xong việc. Sau đó, nhờ luật sư, anh làm thủ tục ly hôn với cô vợ hờ, phòng trường hợp cô ấy sinh thêm con với ai đó và lại “bắt đền” anh. Tuy nhiên, cho dù ly hôn, hàng tháng anh Hùng vẫn phải gửi tiền nuôi “con” thêm 16 năm nữa, xem như đó là khoản phụ phí mà mình phải trả để có thể định cư tại đất nước pha lê xinh đẹp.

Anh Nguyễn Văn Đức, hiện đang kinh doanh ở Praha (Czech), cũng phải đóng tiền nuôi một đứa con ngoại hờ gần chục năm nay. Anh cho biết, để có thể sở hữu thẻ định cư ở Czech, anh phải thuê dịch vụ, chi phí hơn 6.000 USD, kết hôn giả với một cô gái Czech. Khi nhận giấy kết hôn, thậm chí anh còn không biết mặt “vợ”. Sống tại Czech đủ 5 năm, có được thẻ vĩnh trú, anh lại tiếp tục thuê dịch vụ làm thủ tục ly hôn cô vợ hờ để yên tâm làm ăn.

Anh trở về Việt Nam, lấy vợ Việt và đưa sang Czech. Vợ chồng anh kinh doanh hàng thời trang trẻ em tại chợ Sapa - khu chợ bán buôn của người Việt tại thủ đô Praha. Bỗng một ngày, anh nhận được giấy gọi của ủy ban nơi anh từng đăng ký kết hôn với cô vợ người Czech. Họ cũng yêu cầu anh phải gửi tiền trợ cấp nuôi con do cô vợ cũ mới sinh một đứa con. Anh Đức lý luận rằng anh và cô vợ cũ đã ly hôn, đứa con do cô ấy mới sinh không phải là con của anh nên anh không có trách nhiệm chu cấp.

Ủy ban trả lời, dù tòa án đã phán quyết cho hai bên ly hôn, lỗi tại anh không gửi giấy thông báo đã ly hôn cô vợ cũ về ủy ban nơi cô này cư trú, nên mặc nhiên khi cô ấy có con và đệ đơn xin trợ cấp nuôi con lên ủy ban, thì ủy ban phải gọi anh lên. Anh Đức đương nhiên có quyền từ chối chu cấp cho đứa trẻ, vì đó không phải con anh; nhưng theo ủy ban gợi ý, vì lý do nhân đạo, anh nên thỏa thuận với cô vợ cũ về vấn đề này.

Anh Đức được sắp xếp thương thuyết với cô vợ cũ về chuyện chu cấp. Đó là lần đầu tiên anh gặp người phụ nữ phương Tây mà anh đã “cưới” qua dịch vụ. Đến lúc đó, anh mới biết nàng là một cô gái Di-gan. Anh cũng hiểu thêm rằng phụ nữ Di-gan thường sống phóng túng, không thích làm việc. Hầu hết những người Di-gan tại Czech đều sống nhờ trợ cấp xã hội.

Anh Đức đồng ý chu cấp mỗi tháng 300 Kuron (tiền Czech, tương đương 300.000 đồng) cho đứa con hờ. Tuy nhiên, không muốn để người phụ nữ Di-gan từng là “vợ” anh lợi dụng, anh thường phải giả vờ túng thiếu, gửi tiền chu cấp chậm hơn so với thời gian quy định. Nếu anh tỏ ra rộng rãi, rất có thể cô ta sẽ đến tận nơi anh kinh doanh để làm phiền. 

Chuyện những đứa con ngoại hờ của đàn ông Việt tại châu Âu không thiếu. Tuy nhiên, hầu hết họ chấp nhận việc nuôi con như một cái giá phải trả, như một khoản phí phải đổi để có cuộc sống mình mơ ước.

Kiều Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI