Chuyên gia nước ngoài: Việt Nam đang đi đúng hướng với mục tiêu khống chế dịch bệnh

10/09/2021 - 06:20

PNO - Đó là nhận xét của các chuyên gia nước ngoài về cách mà Việt Nam đang đối phó với làn sóng thứ tư của dịch COVID-19. Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng, với quyết tâm rất cao cho mục tiêu khống chế dịch bệnh, bảo vệ người dân.

Viết trên tờ People’s World (Mỹ), nhà nghiên cứu lịch sử Amiad Horowitz nhắc lại phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hồi năm ngoái, lúc ông còn là Thủ tướng Việt Nam: “Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân”.

Và theo ông Horowitz, cam kết đó của Chính phủ Việt Nam đã cực kỳ hiệu quả. Tính đến giữa tháng 5/2021, tức trải qua một năm rưỡi đại dịch tàn phá khắp thế giới, thì tại một quốc gia có gần 100 triệu dân chỉ ghi nhận khoảng 3.600 ca nhiễm và 35 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Người dân tin Chính phủ có chính sách bảo vệ mình

Các công nhân kỹ thuật ở TP.HCM đang được tiêm vắc-xin ẢNH: ĐÔNG QUÂN
Các công nhân kỹ thuật ở TPHCM đang được tiêm vắc xin - Ảnh: Đông Quân

Kể từ khi bị biến thể Delta tấn công, đến nay Việt Nam đã có hơn 551.000 ca nhiễm và hơn 13.700 người chết, đã có một số ý kiến không đồng tình với cách chống dịch của Chính phủ. “Tuy nhiên, những phê bình chỉ xoáy vào một phần nhỏ của toàn bộ bức tranh. Nếu đi sâu vào phân tích, sẽ thấy các chính sách phòng, chống dịch đã tiếp tục giữ cho người dân an toàn nhất có thể”, Horowitz nêu.

Một số ý kiến cho rằng biện pháp giãn cách xã hội triệt để của chính phủ vẫn không ngăn được số lượng các ca nhiễm gia tăng. Theo Horowitz, dù biện pháp “phong tỏa” đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và tinh thần người dân, đặc biệt tại TPHCM, nhưng chính nhờ biện pháp này cộng với việc đẩy mạnh tiêm chủng, số ca nhiễm đã bắt đầu giảm.

Những ý kiến khác tỏ ra băn khoăn về việc người lao động nhập cư ở các đô thị mất việc làm, đồng thời cũng không thể trở về quê “tránh dịch”, hay về việc người nghèo khó tiếp cận với nhu yếu phẩm hằng ngày.

“Bên cạnh nhận thức được vấn đề, ngành chức năng Việt Nam đã và đang thực hiện các chính sách nhằm giảm bớt khó khăn cho hai đối tượng này. Động lực chính của việc ngăn người nhập cư từ các khu vực đang có dịch như TPHCM trở về lại các tỉnh cũng không ngoài mục đích hạn chế sự lây lan của virus cho các vùng nông thôn. Đây là những nơi thiếu hạ tầng y tế và nếu có sự bùng phát một cụm COVID-19 nào đó ở đây có thể dẫn đến một thảm họa”, ông Horowitz viết.

Quân đội được triển khai tại một trạm kiểm soát ở TP.HCM từ ngày 23/8 nhằm hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh ẢNH: AFP
Quân đội được triển khai tại một trạm kiểm soát ở TPHCM từ ngày 23/8 nhằm hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh - Ảnh: AFP

Chính quyền Trung ương đến địa phương đã nỗ lực trong việc giảm thiểu gánh nặng tài chính do giãn cách xã hội tạo ra. Ngoài yêu cầu các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu giảm giá cho người dân ở những khu vực bị phong tỏa, Chính phủ đã triển khai những gói hỗ trợ tài chính và hậu cần. 

Một số lập luận cho rằng quyết định nhập khẩu vắc xin đến muộn. Tuy nhiên, việc nhập vắc xin rõ ràng đang là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tất cả các cuộc họp, gặp gỡ giữa quan chức Việt Nam với các quan chức nước ngoài hay đại diện các cơ quan quốc tế.

Bộ Y tế đã phê duyệt sáu loại vắc xin và phân phối một cách có chiến lược đến các địa phương bị ảnh hưởng COVID-19 nặng nề nhất. Mọi công dân và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được tiêm chủng miễn phí. Chính phủ cũng tiếp tục tài trợ, đẩy mạnh việc phát triển các loại vắc xin trong nước.

“Tất cả nguồn lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang được huy động để đánh bại đại dịch. Sự an toàn và tính mạng của người dân tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Dù thực trạng đang thật khó khăn và đau lòng. Tuy nhiên, đại đa số người dân Việt Nam tin rằng các chính sách vốn đã bảo vệ được họ trong các giai đoạn trước của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục thành công như vậy”, ông Horowitz đánh giá.

Tất cả đều đang hướng đến sự hồi phục

Trao đổi với báo chí Việt Nam, tiến sĩ Greeni Maheshwari (Đại học RMIT) cho rằng, hơn bao giờ hết, Việt Nam đã thể hiện tính linh hoạt và tinh thần cộng đồng cao trong ứng phó với làn sóng thứ tư của COVID-19. Chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã huy động được một lực lượng đông đảo gồm nhân viên y tế, quân đội, công an hỗ trợ các “tâm dịch”.

Song song với các chính sách hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho các đối tượng thu nhập thấp, dễ bị tổn thương, Nhà nước và doanh nghiệp đang cùng triển khai những mô hình mới để duy trì sản xuất, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng và phân bổ các gói hỗ trợ hiệu quả.

Có 80% người dân (trên 18 tuổi) ở TP.HCM đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa COVID-19 - ẢNH: ĐÔNG QUÂN
Có 80% người dân (trên 18 tuổi) ở TPHCM đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: Đông Quân

“Theo tôi, truyền thông minh bạch là yếu tố then chốt giúp Việt Nam thành công trong ba đợt dịch trước và nó cũng đóng vai trò quan trọng trong đợt dịch này. Là người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, gia đình tôi cảm thấy an toàn trong đại dịch vì luôn nhận được thông tin, hướng dẫn chi tiết và cập nhật. Chính phủ cũng nỗ lực kiểm soát tình hình bằng nhiều biện pháp, từ tiêm chủng toàn dân đến hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19”, bà cho hay.

Trong dài hạn, thách thức lớn nhất đối với việc đạt mục tiêu tăng trưởng đến năm 2025 của Việt Nam, theo bà Maheshwari, là làm thế nào để lên kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau COVID-19. Để bảo vệ người dân và nền kinh tế khỏi cú sốc từ đại dịch, Chính phủ cần điều chỉnh một số hỗ trợ về tài chính, khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng, thủ tục đăng ký kinh doanh, giải quyết vấn đề dân số già và đầu tư vào nghiên cứu phát triển.

“Chính phủ cần tạo điều kiện hơn cho khởi nghiệp vì doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là nguồn tạo việc làm chính của nền kinh tế. Điều này sẽ tạo ra một hệ sinh thái đẩy mạnh sự đổi mới và tinh thần kinh doanh trong nền kinh tế đang phát triển vũ bão như Việt Nam. Đây là những yếu tố quan trọng để Việt Nam xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng chống chịu với các cú sốc trong tương lai. Trong đó, cần đưa ra các hành động cụ thể để xây dựng năng lực cho nền kinh tế - xã hội nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 hay bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác từ bên ngoài”, bà Maheshwari khuyến nghị.

Vào đầu tuần này, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã phát đi lời kêu gọi đóng góp máy thở và thiết bị y tế cần thiết cho Việt Nam, đặc biệt là TPHCM và Bình Dương, những nơi đang có nhu cầu cấp thiết nhất.

Cùng với đó, theo AmCham, tín hiệu mới đầy hy vọng là Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia xác định không thể tiêu diệt hoàn toàn COVID-19. Vì vậy, phải kiểm soát dịch bệnh trên tinh thần “sống chung với COVID-19” và “mở cửa” kinh tế - xã hội. Đây là chiến lược được mong đợi sớm thực hiện.

AmCham cho biết, cả nước đã có hơn 21 triệu người được tiêm chủng mũi một và khoảng 3,2 triệu người tiêm đủ hai mũi vắc xin. TPHCM đang chờ thêm 6,2 triệu liều vắc xin nữa để hoàn thành chương trình tiêm chủng, tương đương hơn 70% dân số được chích hai mũi. Dự kiến Việt Nam sẽ ​​có đủ nguồn cung cấp vắc xin vào cuối năm. Mong muốn sớm khai thông nhưng vẫn bảo vệ được người dân là cần thiết.

AmCham kỳ vọng nguồn cung cấp sẽ tiến triển để việc triển khai vắc xin sớm cải thiện tình hình. 

TPHCM sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường

Từ quan sát về những gì Tokyo (Nhật) đang trải qua, chuyên gia công nghệ thông tin Satoki Tsuyuri dự báo TPHCM sẽ sớm có lại cuộc sống bình thường. Theo ông, đợt dịch thứ tư do biến thể Delta ập đến thủ đô Nhật Bản hồi đầu tháng 7/2021. Và rồi từ cuối tháng Tám, mọi số liệu bắt đầu đảo chiều. Hiện số ca mắc đã giảm hoặc đi ngang, số tử vong dưới 20 người/ngày. Có vẻ Tokyo đang thoát ra khỏi đợt dịch.

Kỳ tích - theo Tsuyuri - liên quan một số yếu tố. Một, Delta cũng phải theo quy luật là nếu không biến chủng thì giảm dần độc lực và khả năng lây nhiễm. Hai, các biện pháp giãn cách được tăng cường đã hạn chế nguy cơ lây nhiễm tại các điểm công cộng, chủ yếu nguồn lây xảy ra trong hộ gia đình. Ba, Tokyo đẩy mạnh tiêm chủng, về cơ bản hoàn thành tiêm hai mũi vắc xin cho người cao tuổi và không ngừng nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin cho những người trẻ. Bốn, người dân đã hiểu biết hơn về COVID-19 và ứng xử phù hợp hơn.

Ông Tsuyuri cho rằng, TPHCM cũng có được các yếu tố một và hai. Yếu tố thứ ba có thể đạt khoảng cuối tháng Mười. Riêng yếu tố bốn thì phụ thuộc vào hiệu quả của các cơ quan truyền thông. Chỉ một còn vấn đề là yếu tố thứ năm, hệ thống y tế đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm qua các đợt dịch trước và ứng phó hiệu quả hơn như Tokyo hay không?

Việc tăng giường bệnh không khó, khó là đảm bảo đầy đủ thiết bị, thuốc men và nhất là đội ngũ chuyên môn. Họ phải là những đội đặc nhiệm, hiểu rõ về đặc tính bệnh và thành thục trong xử lý tình huống. Tỷ lệ tử vong cao tại TPHCM hiện nay phần nhiều do thiếu một đội ngũ y tế như vậy. Tình hình theo ông sẽ dần được cải thiện và kinh nghiệm có được của thành phố sẽ giúp ích nhiều cho hệ thống y tế tại các địa phương khác.

Nam Anh (theo PW, AmCham

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI