Biến thể Delta hoành hành, đại dịch khó kết thúc sớm

06/07/2021 - 06:12

PNO - Biến thể Delta ngày càng báo động khi đã lan ra gần 100 nước, khiến nhiều nước tưởng như đã thoát khỏi ám ảnh chết chóc nay phải quay lại đề phòng, mở ra cuộc chiến mới. Riêng những nước dễ bị tổn thương lại đối mặt với thảm cảnh tồi tệ vì sự siêu lây lan của nó.

Quay lại thời đầu chống dịch

Hơn mười ngày trước, Ấn Độ tuyên bố Delta Plus là biến thể đáng lo ngại nhất khi nước này phát hiện nhiều ca nhiễm. Ngay trong thời điểm đó, Ấn Độ cho biết trên thế giới có chín nước bị chủng này tấn công nhưng hôm 4/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chủng Delta đã có mặt ở 98 nước.

Sau gần 20 tháng bùng phát, thế giới vẫn đang oằn mình chống đại dịch COVID-19
Sau gần 20 tháng bùng phát, thế giới vẫn đang oằn mình chống đại dịch COVID-19

Delta Plus là một dạng đột biến của biến thể Delta. Biến thể này về mặt kỹ thuật được gọi là Delta Plus, B.1.617.2.1 hoặc AY.1 và có tốc độ lây nhanh khủng khiếp. Chính vì sự siêu lây nhiễm của nó đã khiến Mỹ, Anh, Úc, châu Âu chỉ mới vừa nới lỏng các giãn cách, cố gắng đưa cuộc sống trở về bình thường thì lại phải quay trở lại với những biện pháp phòng, chống COVID-19.

Ở các nước phương Tây, vắc xin vẫn là màn chắn bảo vệ mạnh mẽ trước biến thể Delta, nhưng WHO cảnh báo với những người không được tiêm chủng đầy đủ và việc giảm sử dụng khẩu trang cùng các biện pháp y tế công cộng khác sẽ “trì hoãn sự kết thúc của đại dịch”.

“Biến thể Delta sẽ tận dụng hết những điểm yếu đó để tấn công chúng ta. Với vắc xin có sẵn trên khắp đất nước, những đau khổ và mất mát mà chúng ta đang thấy gần như hoàn toàn có thể tránh được”, tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, kêu gọi nhiều người Mỹ xắn tay áo trước sự lây lan của các biến thể.

Tại Anh, các trường hợp của biến thể Delta đã tăng gấp bốn lần trong vòng chưa đầy một tháng. Các cơ quan y tế Bồ Đào Nha trong tuần này đã báo cáo sự gia tăng chóng mặt tỷ lệ hiện mắc của biến thể. Tại Nga, các ca nhiễm mới và tử vong tăng kỷ lục trong tháng Sáu, lên đến 20.000 ca mỗi ngày và số người chết hằng ngày gần 700. Ở một số quốc gia, virus đang lây lan nhanh hơn nhiều ở những người trẻ. Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ nhóm tuổi nhiễm nhiều nhất từ 20-29.

“Ở Mỹ, chúng ta vẫn dễ bị tổn thương bởi những đợt bùng phát mới này. Các biến thể có thể tìm thấy bất kỳ lỗ hổng nào trong sự lơ là của chúng ta”, tiến sĩ Hilary Babcock thuộc Đại học Washington tại St. Louis nói. Các bệnh nhân nặng chủ yếu là những người lớn dưới 40 tuổi không chịu tiêm chủng.

Trong bối cảnh lo ngại về biến thể này, các khu vực ở châu Âu đã khôi phục hệ thống cách ly du lịch. Một số thành phố của Úc đang trong tình trạng đóng cửa do bùng phát dịch bệnh. Nhật Bản cũng đang căng mình chống dịch khi một số vận động viên đến tham dự Thế vận hội có kết quả xét nghiệm dương tính.

Tiêm chủng là yêu nước

Luôn cảnh báo sự lây lan của biến thể Delta, WHO nhiều lần kêu gọi các nước đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đồng thời chia sẻ vắc xin cho nước nghèo. Tổng giám đốc WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới phải đảm bảo rằng đến tháng 7/2022, có 70% người dân của họ phải được tiêm vắc xin . “Đây là cách tốt nhất để làm chậm đại dịch, cứu sống và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời ngăn chặn các biến thể nguy hiểm hơn nữa chiếm thế thượng phong”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

WHO nhiều lần kêu gọi các nước đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đồng thời chia sẻ vắc xin cho nước nghèo
WHO nhiều lần kêu gọi các nước đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đồng thời chia sẻ vắc xin cho nước nghèo

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), cơ quan giám sát 30 quốc gia trên lục địa, nguy cơ lây nhiễm từ biến thể Delta là cao đến rất cao. ECDC cảnh báo: có thể cuối tháng Tám, biến thể này sẽ chiếm 90% các trường hợp ở châu Âu. Việc triển khai vắc xin với tốc độ khẩn cấp là rất quan trọng.

Những ngày này, các quốc gia trên khắp châu Âu đã đẩy nhanh tiêm chủng nhằm ngăn chặn các ca nhiễm mới và hạn chế tử vong. Chính phủ Hà Lan mở rộng chương trình tiêm chủng cho những người từ 12-17 tuổi để đối phó đợt bùng phát mới đáng sợ. Hy Lạp đang cấp cho thanh niên khoản tín dụng 150 EUR sau mũi tiêm đầu tiên. Chính quyền Rome đang cân nhắc việc sử dụng xe tải để tiêm phòng cho những người ở bãi biển. Tuần trước, Ba Lan đã tung ra một cuộc xổ số cho những người đã tiêm chủng đầy đủ, với giải thưởng là những chiếc ô tô mới. Thậm chí, Tổng thống Síp còn kêu gọi tinh thần yêu nước để mọi người tiêm vắc xin.

Các nhà chức trách Bồ Đào Nha đã lập thêm các trung tâm tiêm chủng mới, gọi lực lượng vũ trang đến hỗ trợ điều hành để tiêm chủng nhanh và giảm khoảng thời gian giữa hai liều vắc xin AstraZeneca từ 12 tuần xuống còn tám tuần. “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian. Bây giờ, tiêm chủng trở thành bắt buộc bởi chúng ta đều hiểu rằng, làn sóng thứ ba của đại dịch đã ở đây”, Bộ trưởng Mariana Vieira da Silva nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lo ngại trước biến thể này, đồng thời tiếp tục kêu gọi người dân tiêm chủng: “Tôi lo ngại những người chưa tiêm vắc xin có thể nhiễm biến chủng mới và lây cho những người chưa tiêm khác. Tôi không lo về những đợt bùng phát lớn sẽ xảy ra trên toàn quốc. Nhưng tôi sợ rằng sẽ có thêm những ca tử vong”. 

Khánh Anh (theo AP, The Guardian, India Today)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI