Chồng có vợ bé, con riêng, còn tiếc làm gì!

31/12/2017 - 13:49

PNO - Bạn bè chị, mỗi khi gặp mặt, thường khuyên nhau rằng đàn bà nhất định phải thủ thân, phải biết thương lấy mình, vì gái có công nhưng chồng phụ vẫn phụ.

Lúc ra riêng, vợ chồng Cúc được mẹ chồng chia cho một chiếc nồi cao cổ và hai thúng thóc. Mẹ chồng chia tài sản, nhưng cũng chia nợ cho hai người: nợ tiền chè tiền thuốc, tiền thịt tiền xôi đám cưới.

Thôi thì cha mẹ đã cho hình hài khỏe mạnh, vợ chồng nai lưng làm lụng, nợ nần dần trả hết. Nhưng con cái lần lượt chào đời, chẳng lẽ cả đời cày thuê cuốc mướn. Chồng Cúc dứt áo vào Sài Gòn lập nghiệp. Lúc anh đi, Cúc bán hết tài sản, bao nhiêu tiền đưa cả cho chồng lận lưng.

Chồng Cúc vào Sài Gòn, ban đầu đi chở sắt thuê cho mấy cửa hàng vật liệu, hôm có việc hôm không. Số tiền mang theo dần dà hết sạch. Mẹ con Cúc ở nhà trông vào mấy sào ruộng. Việc đồng áng nặng nhọc, Cúc vẫn gánh vác. Mùa vụ rảnh rang thì đi đan cói thuê, lượm ve chai. Một tay nuôi ba đứa con ăn học, chị còn dành dụm được chút tiền dư gửi cho chồng để “kiếm cái gì mà bán buôn”.

Chong co vo be, con rieng, con tiec lam gi!
Ảnh minh họa

Anh đến chợ đầu mối, lấy ít rau củ về buôn bán lề đường. Đàn ông vốn không quen mời mọc, kỳ kèo, vốn liếng cứ cụt dần. Anh muốn bỏ cuộc, về quê cày cấy thì Cúc quyết định vào Nam theo chồng.

Cúc bắt xe vào Sài Gòn đúng lúc công nhân tan tầm - người ngược xuôi nườm nượp. Cúc quyết định mở cửa hàng bán giày dép, túi xách, va-li bình dân. Cúc về quê, mang sổ đỏ đi vay vốn ngân hàng rồi lại vào Nam thuê mặt bằng, làm kệ, lấy hàng rồi trưng bày. Cửa hàng mới rất đông khách. Sau vài năm, vợ chồng Cúc mở thêm cửa hàng, mua được đất, xây nhà lầu.

Ngỡ mọi chuyện mãi bình yên như thế, ai ngờ chồng Cúc bị tai biến liệt nửa người. Anh ở bệnh viện suốt mấy tháng, Cúc phải sang bớt cửa hàng, của cải trong nhà cũng dần đội nón ra đi. Khi bệnh viện cho về, hằng ngày, Cúc chở chồng đi châm cứu. Anh ngồi không vững, Cúc phải cột chồng vào mình bằng đai địu. Một tay chị vừa lo cho các con, vừa xoay xở cửa hàng, vừa chăm chồng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Rồi bệnh tình của chồng Cúc cũng thuyên giảm, anh đi lại được, ăn uống được. Bất ngờ, khi anh vừa khỏe lại, có người đàn bà tìm đến, dắt theo đứa con gái chừng hai tuổi, tuyên bố mình là vợ bé của anh. Chồng Cúc thừa nhận, còn mong “hai chị em” sẽ chung sống hòa bình. Cúc ngậm bồ hòn làm ngọt vì sợ nếu làm ầm lên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chồng.

Mấy tuần trôi qua, Cúc đi chợ, nấu nướng thì mẹ con nhà ấy cũng ngồi xuống ăn điềm nhiên. Rồi anh chuyển hẳn xuống tầng dưới sinh sống với mẹ con nhà kia. Như giọt nước tràn ly, Cúc đưa đơn ly hôn. Anh chồng ký ngay, không cần suy nghĩ. Thì ra trước đây, khi chị nai lưng kiếm tiền thì anh ta bồ bịch bên ngoài. Người như vậy có gì mà tiếc.

Một hôm, Cúc đi bán hàng về, thấy cầu thang bị chặn bằng mấy tấm ván gỗ. Chị phải bắc thang leo lên. Được năm ngày như thế, con bé nhỏ bị ngã, tay chân bầm tím. Chị không nhịn được nữa, bèn gọi điện cho mấy người bạn hàng. Họ kéo đến, người tay rìu, người tay búa đập tan mấy tấm gỗ kia. Họ cũng chửi bới anh và ả kia không ra gì, khuyên chị đi báo công an. Cô ả kia phải ra khỏi nhà.

Ngày rời khỏi tòa án, Cúc cảm thấy lòng thanh thản, như trút được gánh nặng trên vai. Bạn bè chị, mỗi khi gặp mặt, thường khuyên nhau rằng đàn bà nhất định phải thủ thân, phải biết thương lấy mình, vì gái có công nhưng chồng phụ vẫn phụ. 

Hoàng Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI