Cây xăng cục gạch

25/03/2021 - 20:27

PNO - Sau này, chia tay chồng, chị Thơm phụ mẹ bán phở, chồng của chị theo bạn bè tìm vàng. Chị từng nói với chúng tôi: “Nếu trở lại quá khứ, chị sẽ an phận bán xăng đong để đủ ăn hằng ngày và kiếm một đứa con”.

Hồi ấy, các anh chị tôi đều thất nghiệp. Để có tiền nuôi đàn con, chị Hai và chị Tư tôi ra đường bán xăng lẻ. 

Nghề bán xăng thuở đó cũng lắm những rủi ro. Thí dụ khách tấp vào lề mua xăng rồi rồ ga phóng xe chạy mất. Nên đôi khi có người tấp xe vào, vẫn để xe nổ máy, anh rể tôi tắt máy xe, giữ chìa khóa, nói khi nào đổ xăng xong, trả tiền, anh sẽ trả chìa khóa.

Người bán xăng và người mua xăng có một giao ước ngầm.  Lề đường nào đặt một viên gạch 4 lỗ và cái chai 1 lít  là tín hiệu nơi đó bán xăng.
Người bán xăng và người mua xăng có một giao ước ngầm. Lề đường nào đặt một viên gạch 4 lỗ và cái chai 1 lít là tín hiệu nơi đó bán xăng.

Xăng lẻ hồi ấy thường được pha thêm dầu để giảm giá bán. Cũng có những người chủ xe máy vui vẻ trở lại nơi bán xăng quen với câu nói nhẹ nhàng thông cảm: “Đổ xăng nha. Mà pha ít dầu thôi để xe chạy tốt hơn”.

Người bán xăng và người mua xăng có một giao ước ngầm. Lề đường nào đặt một viên gạch 4 lỗ và cái chai 1 lít là tín hiệu nơi đó bán xăng. Có khi, từ viên gạch nhỏ xuống thành cục gạch, đặt trên một mẩu giấy nhỏ hoặc để cục gạch nhỏ ngay ngắn, người ta cũng biết đó là nơi bán xăng lẻ.

Có thời gian tôi phải công tác xa nhà, lên Tây nguyên, ra duyên hải, còn anh chị tôi đi kinh tế mới. Những chuyến về Sài Gòn thiếu thốn mọi mặt từ chuyện ăn uống đến tình cảm gia đình, lại thêm khó khăn trong công việc, tôi rất buồn.

Một lần ra nhà thờ Đức Bà tìm chút thảnh thơi, ngồi ở cửa hông nhà thờ, nơi một cô bán xăng trung niên cũng ngồi nghỉ trưa. Trời ạ, tôi nhìn mà thèm cuộc sống của cô.

Thấy tôi ngồi giữa trưa, cô rót cho tôi ly nước lọc, ly nước của cô mát làm sao! Cô lấy trong bọc vải có vài miếng bánh mì phơi khô, đưa tôi một miếng. Miếng bánh mì phơi khô thơm mùi nắng Sài Gòn khiến tôi ao ước cuộc sống bình dị: bán xăng ngoài đường, ăn bánh mì khô, uống nước lọc…

Nhiều người kinh doanh xăng lẻ có vốn lớn đầu tư một “trụ” xăng vài chục lít nối với ống thủy tinh định lượng phía trên. Ai mua xăng, họ bơm xăng lên trụ định lượng rồi mở van cho xăng chảy vào bình. Cách này chính xác hơn đong bằng chai lít.

Ai sở hữu “trụ” xăng này thuộc hàng “đẳng cấp” trong giới bán xăng lẻ. Người chị họ của nhỏ bạn thân tôi, tên Thơm, có “trụ” xăng bán lẻ. Vợ chồng Thơm trước kia còng lưng đong từng lít xăng vào xe máy, trải qua một thời gian không ngắn, họ may mắn đủ vốn mua trụ xăng bơm bằng tay. Xăng bơm bán nhanh hơn, do uy tín hơn

Sau này, chia tay chồng, chị Thơm phụ mẹ bán phở, chồng của chị theo bạn bè tìm vàng. Chị từng nói với chúng tôi: “Nếu trở lại quá khứ, chị sẽ an phận bán xăng đong để đủ ăn hằng ngày và kiếm một đứa con”.

Bây giờ, xăng bán lẻ vẫn có chỗ đứng ở những con đường không có cây xăng. Xăng cũng không còn pha dầu hôi nữa. Ở vài tiệm tạp hóa, người ta cũng bán xăng đong theo chai. Xăng bán lẻ lề đường vẫn được gọi là “cây xăng cục gạch”. Chỉ một cục gạch hoặc có khi thêm tờ giấy cuộn tròn là người ta biết nơi đó có bán xăng. Là tín hiệu cho niềm vui không thể tả của người đang khổ sở dắt chiếc xe hết xăng.

Sau này, tôi về Sài Gòn dạy học. Nhiều lần ngang qua nhà thờ Đức Bà buổi trưa, tôi ao ước gặp lại người phụ nữ bán xăng ngày trước. Tôi muốn cám ơn cô về miếng bánh mì khô và ly nước lọc nhỏ. Với cô đó là điều bình thường, nhưng với tôi đó là niềm an ủi vô bờ trong buổi trưa nắng gắt. 

Nguyễn Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI