Cành hoa dại tặng vợ ngày 8/3 của lão nông “thoát” án chung thân

07/03/2021 - 12:23

PNO - Ngắt vội mấy cành hoa dại ven đường, người đàn ông 59 tuổi rón rén dúi vào tay vợ đang loay hoay làm vườn cam rồi nói: “Cám ơn bà đã chờ tôi, cho tôi hy vọng để làm lại cuộc đời”.

“Trả nợ” để về với vợ con

“Chuyện không ai mong muốn, nhưng mình đã gây án thì phải đền tội” - ông Nguyễn Tấn Đức (59 tuổi, trú xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) chia sẻ khi nhớ đến câu chuyện buồn xảy ra 25 năm trước. Nắm chặt đôi bàn tay chai sạn của vợ, ông Đức đượm buồn kể, vốn mê làm ăn nên hồi đó gia đình đấu thầu 50 héc-ta đất đồi làm trang trại.

Nghĩ về quá khứ, ông Đức lại thêm quyết tâm làm lại cuộc đời để khẳng định mình
Nghĩ về quá khứ, ông Đức lại thêm quyết tâm làm lại cuộc đời để khẳng định mình

Thấy ông Đức có mảnh đất màu mỡ, một số người đã tìm cách quấy phá để đuổi ông ra khỏi vùng. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, khi phát hiện 5 người mang theo dao phát rẫy vào bắt trộm cá của mình, lão nông này ngăn cản và xảy ra mâu thuẫn, ẩu đả. Làm 1 người chết, 2 người bị thương, ông Đức bị kết án tù chung thân.

Giấc mơ, hy vọng làm giàu của đôi vợ chồng mới bắt đầu khởi nghiệp này cũng trôi theo bản án. “Lúc đó trong đầu tôi chỉ có vợ và 4 đứa con. Mình là trụ cột mà lại đi thế này, vợ ở nhà phải làm sao, 4 đứa con trai lúc đó cũng còn quá nhỏ” - ông Đức trầm ngâm.

Sự dằn vặt đó cũng chính là động lực để người đàn ông 59 tuổi này xốc lại tinh thần, quyết tâm cải tạo thật tốt nuôi hy vọng có ngày được giảm án để về đoàn tụ với vợ con. Ông nói: “Hơn 14 năm ở tù, chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn bởi luôn nghĩ về hậu phương ở nhà. Nơi đó vợ, con, anh em vẫn đang chờ đợi mình”.

Ông Đức đượm buồn khi nghe vợ kể lại những tháng ngày gian khó
Vợ ông Đức kể lại những tháng ngày gian khó

Ý nghĩ đó của ông được nuôi dưỡng và lớn mạnh thêm sau những lần thăm nuôi của vợ con. “Ngày đó đường sá đi lại rất khó khăn nhưng năm nào vợ cũng đưa con ra Thanh Hóa thăm tôi 1 đến 2 lần” - ông Đức nói và cho hay mỗi lần gặp vợ con, ông luôn cố tỏ ra mình ổn, đang nỗ lực “trả nợ” để sớm trở về, song sau cuộc trò chuyện, vợ ôm con quay lưng rời đi thì nước mắt ông ướt đẫm.

Theo ông Đức, vì được các cán bộ trại giam, quản giáo động viên nên ông luôn xung phong đi đầu trong mọi công việc. Rồi những nỗ lực cũng được đền đáp khi ông được giảm án, ra trại về đoàn tụ với gia đình năm 2010.

Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó

“14 năm, 4 tháng, 15 ngày”, bà Đoàn Thị Hiền (57 tuổi, vợ ông Đức) nhẩm tính thời gian chồng ngồi tù. Bà nói mình từng sút gần chục ký vì khóc thương chồng, khóc vì tủi thân, rồi nhiều đêm thao thức vì đắn đo: “Một thân một mình sao nuôi nổi 4 thằng con trai còn quá bé thế này. Nhưng mình mà bỏ đi thì cũng không thể”.

Phải mất mấy tháng trời sau ngày chồng đi tù, bà Hiền mới quyết tâm đứng lên, đối diện khó khăn với suy nghĩ “đã đến lúc mình là trụ cột gia đình”.

Bà Hiền cười rạng rỡ khi nhận được bó hoa bất ngờ của chồng
Bà Hiền cười rạng rỡ khi nhận được cành hoa bất ngờ chúc mừng ngày 8/3 của chồng

Chỉ vào đứa con trai thứ 3 đang cùng vợ chuẩn bị đồ để đi dựng rạp đám cưới cho hàng xóm, bà Hiền cười nói: “Ngày đó tôi phải cày như trâu. Vừa chăm con, vừa làm đủ công việc để kiếm tiền lo cho chúng học hành. Mừng là cả 4 đứa đều học hết lớp 12, ra đời kiếm việc rồi lập gia đình ổn định cả rồi”.

Thấy vợ đang miệt mài cuốc cỏ trong vườn cam, ông Đức ngoái nhìn xung quanh rồi ngắt tạm mấy cành hoa dại mọc bên đường dúi vào tay vợ nói: “Tặng bà ngày 8/3. Cám ơn bà đã chờ tôi, cho tôi hy vọng để làm lại cuộc đời”.

Cầm cành hoa chồng tặng, bà Hiền cười tươi rói: “Ông đã giữ lời hứa trở về với vợ con. Đây mới là món quà tôi mong chờ nhất”.

Mời chúng tôi thưởng thức những quả ổi, cam cuối mùa còn sót lại trên cây, lão nông 59 tuổi cho biết, ngày ra trại, ông mừng không nói nên lời, song cũng đầy âu lo. Lo khi về với cái án giết người, mình sẽ bị dân làng xa lánh, rồi phải làm gì để tiếp tục cuộc sống.

Nhưng trái ngược với âu lo đó, ông lại luôn cảm nhận được sự ấm áp của mọi người. Rồi từ những khích lệ, động viên của bà con lối xóm, chính quyền địa phương, ông Đức bàn với vợ quyết tâm gầy dựng sự nghiệp với phương châm “ngã ở đâu, đứng lên ở đó”.

Hai vợ chồng kiểm tra tỉ lệ đậu quả của giống bơ mới được nhân giống thử nghiệm trong vườn
Hai vợ chồng ông Đức kiểm tra tỉ lệ đậu quả của giống bơ mới được nhân giống thử nghiệm trong vườn
Ông Đức trò chuyện, giới thiệu
Ông Đức trò chuyện, giới thiệu về mô hình cây ăn quả với lực lượng công an xã

“Tôi luôn nghĩ phải làm lại, và thành công để mọi người thấy thằng tù về có làm được gì không” - ông Đức nói và cho hay sau nhiều năm chăm bón, nay 2 héc-ta cam Vinh của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm doanh thu trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng cỏ trong 8 héc-ta diện tích trồng cây rừng để chăm đàn bò sinh sản gần 30 con, mỗi năm xuất bán 15 con me (con bê).

Thiếu tá Phan Văn Vinh - Trưởng công an xã Giai Xuân - cho biết, sau khi về địa phương, ông Đức luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật và địa phương. Ông cũng là một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi. Hiện không chỉ những người lầm lỡ mà nhiều người dân cũng đến học hỏi kinh nghiệm từ mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng của lão nông này.

“Không những làm giỏi mà ông Đức còn nhiệt tình hỗ trợ kinh nghiệm cho những người có nhu cầu về trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều gia đình khó khăn trong xã cũng được ông Đức cho mượn một cặp bò giống về nuôi để gây giống. Khi nào bò đẻ ông mới lấy cặp bò mẹ về” - thiếu tá Vinh nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI