Cần có cái nhìn nhân bản hơn

02/12/2013 - 07:50

PNO - PNCN - Gần ba giờ đồng hồ vào “chat box” trên Facebook, tôi mới hiểu ra vấn đề và cảm thấy thật thương “anh”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi và “anh” cùng họ, chung ông bà cố. Tôi sống khá xa “anh” nên lâu lắm mới có dịp gặp nhau. Tôi biết “anh” khi “anh” còn là một… nữ sinh cấp III áo dài trắng, tóc xõa ngang lưng. Bẵng đi một thời gian, tôi mới gặp lại thì chị họ ngày nào giờ đã ra dáng một… chàng trai 25 tuổi - cao ráo, cứng cỏi, giọng nói hơi khàn và đầy vẻ nam tính.

Từ đó, chúng tôi hay gặp nhau trên Facebook cùng với một số anh em, con cháu khác trong gia tộc. Chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều điều, từ chuyện học hành, làm việc nhưng ngại đề cập đến chuyện giới tính của “anh”. Cho đến khi tôi đọc được những dòng status của “anh” trên Facebook: Một lần, hai lần, ba lần, rồi ngày càng nhiều những trạng thái đau khổ, bức bối của “anh” bởi người lớn cấm đoán chuyện “anh” và bạn gái yêu nhau. Tôi bắt đầu lúng túng, rối bời vì không biết chia sẻ và phải khuyên “anh” thế nào.

Vào một buổi chiều mưa buồn ảm đạm, lại đọc được những tâm sự bi đát của “anh”, tôi bỗng thấy nhói lòng. Từ đó, tôi biết mình không thể dửng dưng được nữa.

Tôi không biết bắt đầu như thế nào nên khá vụng về khi mở lời. Nhưng ngược lại với sự lo lắng của tôi, “anh” đã trò chuyện rất cởi mở, chân tình, rằng, “anh” thực chất là nam giới được sinh ra dưới thân xác của nữ giới; vì vậy tâm tư, nguyện vọng, tình cảm… và mọi thứ khác nữa thuộc về “anh” đều là nam.

Can co cai nhin nhan ban hon

"Anh" yêu một cô gái trẻ, xinh, nhỏ hơn "anh" bảy tuổi. Tình yêu của họ rất đẹp và lãng mạn, nhưng cha mẹ cô nhất quyết phản đối. Họ cho rằng như thế là bệnh hoạn, là sự nhục nhã ê chề cho dòng họ. Vì sĩ diện, họ đã nhốt con gái trong nhà, bắt phải nghỉ học, dù cô gái ấy đang học lớp 12 và học rất giỏi. Họ sợ khi ra ngoài, cô gái ấy và "anh" sẽ tìm gặp nhau. "Anh" xin phép được vào nhà để thưa chuyện với bố mẹ cô gái thì bị họ xua đuổi, xúc phạm.

"Anh" thật sự rất bế tắc, con đường tìm về chính mình xem ra quá xa vời. Vì chuyện của "anh", tôi đã mất ngủ. Dù không giúp được gì nhưng "anh" vẫn cảm ơn sự quan tâm chân thành của tôi đã cho "anh" thêm sức mạnh để kiên trì vượt qua nghịch cảnh. Tôi cảm thấy xấu hổ vì mình cũng tốt nghiệp đại học, cũng đi làm việc và hàng ngày vẫn tiếp cận với công nghệ thông tin mà lại mù tịt về vấn đề này. Tôi ray rứt vì đã từng có những suy nghĩ thiếu thiện cảm về những người thuộc giới tính thứ ba. Cuộc sống vốn dĩ đã không công bằng với họ, thì ta, những con người may mắn được sinh ra có phúc phần hợp với lẽ tự nhiên hãy cho họ cơ hội sống thật với chính mình.

Xét về mặt y học, đồng tính không phải là một loại bệnh, do vậy y học không thể can thiệp và cũng không thể chữa khỏi. Đứng ở góc độ quyền con người, người đồng tính cũng có quyền được sống, quyền được học tập, làm việc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, khai sinh, khai tử, kết hôn… có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với xã hội.

Vẫn biết vậy, nhưng xót xa thay, những người đồng tính đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Họ phải đối mặt với những định kiến và sự kỳ thị từ phía gia đình, bạn bè và dư luận xã hội. Họ còn có thể bị bạo lực thể xác, tinh thần. Trong khi chờ đợi sự “cởi trói” từ phía luật pháp thì chúng ta - giữa người và người, hãy đối xử với nhau một cách nhân bản hơn.

NGUYỄN ĐÀO (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Mời bạn đọc chia sẻ tâm sự, câu chuyện của mình qua địa chỉ toimuonsongthat@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI