"Bửu bối" của nghệ sĩ Tú Trinh: Thương thì thương nhưng ở thì không

14/04/2016 - 10:20

PNO - “Sống sao cho thoải mái là được. Mấy mươi năm sống cho người ta, đến lúc chịu hết nổi rồi, giờ sống cho mình thôi!”.

Dạo này, tôi hay gặp nghệ sĩ Tú Trinh ra đường với quần soóc, áo thùng thình, tóc bạc từng nhúm không nhuộm, mặt mộc không phấn son, chạy chiếc xe máy cũ. Hỏi chị, nghệ sĩ nổi tiếng mà sao lè phè quá vậy, chị cười thản nhiên: “Sống sao cho thoải mái là được. Mấy mươi năm sống cho người ta, đến lúc chịu hết nổi rồi, giờ sống cho mình thôi!”.

Quen chị đã lâu nên tôi hiểu chữ “sống cho người ta” ở Tú Trinh, không hoàn toàn mang ý nghĩa “đóng kịch” hoặc tốt khoe, xấu che vì sĩ diện như thường thấy trong giới nghệ sĩ, nó còn có ý nói đến gánh nặng cuộc đời mà phần số đã dành cho chị, để rồi trách nhiệm “mang, vác” đó đã biến Tú Trinh từ một bé gái còi cọc, yếu đuối trở thành một phụ nữ mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tuy là con thứ hai trong gia đình có đến chín anh chị em, nhưng là chị lớn nên mới hơn chục tuổi đầu, Tú Trinh đã phải tập tành buôn bán để phụ giúp cha mẹ nuôi em. Nhờ hưởng gen của cha là nhạc công đờn cò Chín Trích - từng đờn cho nghệ sĩ lừng danh Năm Phỉ, nên dù chưa đủ tuổi, mới 13 nhưng Tú Trinh đã được nhận vào học môn nghệ thuật dân tộc (cải lương) tại Trường quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn.

Nghệ sĩ Tú Trinh

Được học bài bản, lại sở hữu chất giọng hiếm có, vừa chuẩn xác, vừa diễn cảm nên 14 tuổi, Tú Trinh đã đắt sô với nghề lồng tiếng. Ngày nào cũng vậy, cứ bước ra khỏi trường là cô lại nhào lên chiếc xe đạp, chạy hộc tốc đến phòng thu, khi thì lồng tiếng cho phim Hồng Kông, Đài Loan, lúc chuyển âm cho phim Việt Nam, có bữa còn làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh.

Lớn chút nữa, Tú Trinh cộng tác thêm với các ban kịch nổi tiếng trên truyền hình lúc bấy giờ như Vũ Đức Duy, Sống, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Dân Nam… Sau năm 1975, những biến chuyển của thời cuộc khiến việc mưu sinh gặp nhiều khó khăn, kiếm cái ăn, cái mặc cho bản thân đã rất nhọc nhằn, còn phải thay cha mẹ lo cho cả gia đình, trách nhiệm làm chị của Tú Trinh càng thêm trĩu nặng.

Để đủ sức chống chọi với đời, làm chỗ dựa cho đàn em đông đúc, từ nhỏ Tú Trinh đã không thể sống yếu ớt như một nữ nhi thường tình mà phải cố gồng lên, mạnh mẽ như đàn ông. Phong thái nhanh nhẹn, tính tình thẳng thắn, nói năng bộc trực, thỉnh thoảng còn phì phèo điếu thuốc trên môi… chị luôn khoác lên mình một vẻ bề ngoài rất nam tính. Chị cũng không ngại tỏ thái độ “ghét lắm” những người sống không thật lòng, vì cho rằng “diễn viên sống giả một ngày mấy tiếng đồng hồ trên sân khấu, còn giả chi nữa cho mệt”, nên trong quan hệ công việc chị dễ đụng chạm, dễ làm người ta mất lòng.

Chị tâm sự: “Nhiều khi tui nghĩ, nếu mình sống giả một chút, mềm mỏng hơn một chút, sẽ được sung sướng hơn. Nhưng tui làm không được, vì mình phải là mình mới cảm thấy thoải mái”. Chị không ngạc nhiên với việc mình ít bạn vì “đàn bà luôn ưa nghe lời ngọt ngào, còn đàn ông chỉ thích phụ nữ dưới cơ” mà chị thì cương quyết: “Tại sao mình phải dưới cơ trong khi cái gì họ làm mình cũng làm được, có khi còn giỏi hơn?”. Với chị, nữ tính không phải là tỏ ra mềm yếu, mà là thể hiện thái độ biết lo cho người khác. Chị cho biết, những bạn trai hiếm hoi chị có trong đời là những người chịu chơi “ngang ngửa” với chị, không ai ăn hiếp ai.

Có lần vui miệng, tôi hỏi thuở nhỏ chị mơ ước sau này sẽ có một người chồng như thế nào? Câu trả lời của chị nghe dễ chạnh lòng: “Chơi với bạn trai nhưng tui không thích tính tới với ai, đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến việc phải làm sao kiếm tiền giúp cha mẹ nuôi em chứ không nghĩ tới bản thân”. Nhưng rồi vì cớ gì “con đò” Tú Trinh cũng đã có lần chịu “sang ngang”?

Đến nay, hẳn nhiều người còn nhớ, đám cưới của nghệ sĩ Tú Trinh và nhạc công kèn Cao Phi Long ngày ấy là một sự kiện được giới văn nghệ và công chúng mến mộ chú ý - bởi đó là một cặp trai tài, gái sắc. Cao Phi Long không chỉ nổi tiếng điệu nghệ ở “hơi” kèn mà còn rất giỏi trong việc viết hòa âm phối khí cho nhiều vở kịch trên sân khấu Kim Cương.

Tôi tò mò muốn biết, ngoài sự tài hoa, còn điều gì nữa ở người đàn ông đó khiến chị mạnh dạn buông bỏ những vướng bận, vốn được coi như bổn phận với những người ruột thịt để đi tìm hạnh phúc riêng? Thật bất ngờ và khác xa với sự lãng mạn trong suy nghĩ của tôi, chuyện lấy chồng của chị lại quá đỗi đơn giản: “Tụi này tính giống nhau nên nghĩ có thể làm bạn được. Lúc đầu tui không định lấy nhưng hoàn cảnh xô đẩy, thôi lấy cho rồi”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI