Bình thản trên mạng?

09/06/2018 - 06:00

PNO - Tuần vừa rồi của bạn trôi qua có yên bình không? Với tôi thì không hề, cạnh những nỗi lo cơm áo gạo tiền thường trực, tôi bị trùm thêm sự bất an do… mạng.

Tuần vừa rồi của bạn trôi qua có yên bình không? Với tôi thì không hề, cạnh những nỗi lo cơm áo gạo tiền thường trực, tôi bị trùm thêm sự bất an do… mạng.

Binh than tren mang?
 

Đầu tiên cơn đau nhức tới từ các đốt sống cổ, những tê dại ở mé hai ngón cái. Tôi biết rõ vì sao mình đau. Do tay tôi bấm bấm quẹt quẹt ngày đêm, đầu tôi luôn gập xuống nhìn cái màn hình bé xíu. Mắt tôi căng ra, vết nhăn giữa hai cung mày hằn sâu. Hình ảnh cực xấu ấy lặp đi lặp lại trong phòng khách, gian bếp và cả trong phòng ngủ, ngoài đường phố, trên bàn ăn, quán cà phê... Tôi và bao phụ nữ, đàn ông khác đang bị chứng bệnh thời đại mà ai-cũng-biết-là-gì-đó: chứng nghiện mạng xã hội.

Song sự bất an đâu chỉ từ những cơn đau cổ, đau tay, nó còn lây lan từ những thông tin tiêu cực đầy rẫy mạng xã hội. Thông tin xấu hình như người ta thuộc nhanh hơn, hào hứng bàn luận hơn. Giống như khi tôi nhắc con không được hát bậy thì con bối rối: "Không hiểu sao nghe bạn hát một lần là con thuộc luôn, rồi lời hát bậy cứ quẩn quanh trong đầu con". Phải chăng điều tiêu cực có sức hút riêng?

Bạn bè tôi thừa nhận, việc đặt điện thoại xuống và ngắm nhìn cuộc sống thực sao mà khó. Dù ai cũng biết cần phải nhìn vào mắt nhau, nghe tiếng nói cười của nhau, để nghe được tiếng thở dài mà tay nắm lấy tay, mắt nhìn vào mắt thay vì những câu từ cơ học vô hồn trong những lời chúc sinh nhật, dòng chia buồn đám tang trên Facebook... 

Mấy hôm nay, những phản ứng khá gay gắt, tiêu cực tràn ngập mạng xã hội nhắm vào những ai không tô màu chính trị và phản ứng chuyện đại sự của đất nước. Tôi nghĩ, chẳng mấy ai thực tâm yêu nước có thể giữ bình thản trên mạng. Nhưng tôi cũng nghĩ, tình yêu nước, quan điểm và cách hành xử của mỗi cá nhân khác nhau mới tạo ra sự phong phú của cuộc sống.

Lịch sử luôn ghi nhớ những làn sóng đấu tranh để tạo nên sức mạnh cách mạng của cha anh, nhưng lịch sử cũng không quên những con người lặng lẽ làm tốt nhất công việc thiện lương của mình, sống tốt nhất, đẹp nhất để góp phần bình ổn và đưa xã hội tiến về phía văn minh, văn hóa. 

Tôi rất thích quan niệm trên Facebook của một nhà giáo ở TP.HCM: Singapore không tự nhiên thành quốc gia chẳng một cọng rác, Mỹ không tự nhiên có tổng thống mang màu da của những người nô lệ... Vậy, thay vì chửi bới hay tìm mọi cách dọn nhà tới xứ sở văn minh và hưởng thụ điều người ta mất hàng chục năm, trăm năm xây dựng, sao không bắt tay vào xây dựng đất nước bằng cách dọn rác ngay chính lòng mình; giỏi hơn nữa, tích cực hơn nữa thì dọn xung quanh mình, rộng hơn nữa, hãy thắp những đốm lửa nhỏ trong màn đêm tiêu cực.

Tuần qua, giữa những bất an trên mạng, tôi và hàng vạn người đã rưng rưng xúc động khi xem màn biểu diễn của hai “Hoàng tử xiếc” Quốc Cơ, Quốc Nghiệp. Các anh lựa cách tô đỏ màu cờ sắc áo Việt Nam tại một sân chơi rộn ràng. Với tôi, họ không chỉ đánh cược tính mạng, “hy sinh” một lượng fan để tỏa sáng tình yêu đất nước, tạo nên ngọn lửa như trái tim Danko giữa rừng rậm và đầm lầy (truyện ngắn Bà lão Idecghin của M.Gorky). 

Cần lắm những trái tim Danko đưa bộ tộc tới thảo nguyên, nhưng cũng cần lắm những hàng người trật tự tiến lên chứ không phải những kẻ phá phách, la hét... Và có lẽ, thay vì cai hoàn toàn điện thoại, tôi sẽ thanh lọc những tiêu cực, chỉ follow những điều tốt đẹp và tử tế. Tôi nghĩ đó là cách để vết nhăn trên trán mình giãn ra…

Còn bạn?

 T. Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI