Bình đẳng không phải là "nam làm được thì nữ làm được"

08/03/2023 - 06:12

PNO - Những tưởng đời sống càng hiện đại, khoảng cách giới tính giữa đàn ông và đàn bà trong xã hội sẽ càng được thu hẹp nhưng thực tế không phải vậy. Chúng tôi đã gặp gỡ cánh mày râu, cùng họ trò chuyện xung quanh vấn đề này.

Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com

Còn hỏi bình đẳng giới, thì bất bình đẳng giới vẫn còn

Phóng viên: Các anh có thể cho một định nghĩa riêng về bình đẳng giới?

Nhà báo Trần Vương Thuấn: Theo tôi, bình đẳng chính là sự ngang nhau, sự cân bằng và luôn là mục tiêu của con người bất cứ thời đại nào, trong nhu cầu được tôn trọng, được chấp nhận ở bản dạng riêng. Bình đẳng giới cũng đi từ đó ra. Vì thế, cách hiểu về bình đẳng khác nhau ở các cá nhân; sự cảm nhận về bình đẳng tùy thuộc vào trình độ văn hóa, vị trí, tầng lớp của mỗi cá nhân. Thế nên hiểu đúng về bình đẳng giới cũng tùy thuộc cảm nhận của mỗi người. 

Anh Đào Thế Hoàng - Giám đốc Học viện Đào tạo Starlight: Với tôi, bình đẳng là sự công bằng dành cho vạn vật, cho mọi điều diễn ra trong cuộc sống này. Triết lý đó đúng cho mọi quan niệm về bình đẳng dù là bình đẳng trong cuộc sống hay bình đẳng giới tính. 

Nhà sản xuất chương trình Võ Thoại: Bình đẳng là khi cùng một điều kiện, vị trí hay khả năng, người ta được đối xử như nhau. Bình đẳng giới là khi tất cả chúng ta đều như nhau trong công việc, khả năng phát triển và hưởng thụ cuộc sống dù thuộc giới tính nào. 

Nhà sản xuất chương trình Võ Thoại
Nhà sản xuất chương trình Võ Thoại

* Có câu “Khi còn nói về bình đẳng giới nghĩa là còn bất bình đẳng”. Các anh có nhìn thấy những việc bất bình đẳng giới diễn ra xung quanh?

Nhà báo Trần Vương Thuấn: Tất nhiên là tôi thấy. Chúng ta hay nhìn sự bất bình đẳng ở nghĩa bất bình đẳng nam - nữ. Thế nhưng, sự bất bình đẳng có mặt ở xuất thân, giới tính, diện mạo, cơ hội, sự tiếp cận giáo dục, năng lực, thu nhập, pháp luật… - tức là ở mọi khía cạnh của đời sống. Có trường hợp chính ta là người tạo ra bất bình đẳng, có trường hợp ta là nạn nhân của bất bình đẳng. Nỗi cảm khái về bất bình đẳng sẽ giúp ta nâng đỡ người khác nhiều hơn hoặc nỗ lực hơn để lấp bằng những hố ngăn mà ta nghĩ mình đang vấp phải.

Anh Đào Thế Hoàng: Đúng vậy, còn đòi hỏi bình đẳng giới thì bất bình đẳng giới vẫn âm thầm có mặt. Đôi khi, nhiều người không cố ý nhưng vẫn buông những lời phân biệt, thậm chí chính phụ nữ cũng yêu cầu quyền dành riêng cho họ. Có lẽ việc phân biệt đã hằn sâu trong tiềm thức mỗi người, đặc biệt là phụ nữ… 

Nhà sản xuất chương trình Võ Thoại: Tôi trưởng thành và làm việc ở một môi trường không hề có sự phân biệt việc của đàn ông hay phụ nữ, các bạn chịu trách nhiệm và phải hoàn thành công việc như nhau. Có lần, một bạn nữ không đồng ý khi được nói “Thôi, cái này để cánh đàn ông thực hiện”. Thực lòng từ lâu, tôi không để ý đến việc phân biệt giới tính; chỉ là có người giỏi điều này, có người giỏi điều kia. 

Khi chúng ta còn kêu gọi về bình đẳng giới, chắc chắn trong suy nghĩ đã có sự phân biệt. Thay vì thế, hãy để mọi người làm tốt nhất phận sự của mình ở những công việc họ có thể phát huy khả năng nhiều nhất.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Hãy đối xử với nhau bằng cách thấu cảm 

* Vậy có phải đã đến lúc chúng ta nên quên đi khái niệm bình đẳng giới?

Nhà báo Trần Vương Thuấn: Tôi không nghĩ đó là khái niệm cần phải quên. Quyền sinh mệnh, quyền khỏe mạnh, quyền có danh tiếng… - những quyền gắn liền với khái niệm bình đẳng - vẫn luôn cần được nhắc nhớ. Đó là động lực hoặc cơ chế kìm hãm cho các hành động của cá nhân trong mối quan hệ với người khác, với cộng đồng. Chúng ta sẽ quên đi khái niệm ấy khi chúng ta đã bình đẳng hoàn toàn trước mọi sự vận hành của thế giới, mà như thế thì khó, ít nhất là với riêng tôi. 

Anh Đào Thế Hoàng: Những tín hiệu thay đổi tích cực đã và đang thể hiện ở việc phương thức truyền thông, quảng cáo của các nhãn hàng tiêu dùng không còn sử dụng quá nhiều hình ảnh phụ nữ trong vai trò chỉ làm bếp, mà ngày càng thay thế bằng hình ảnh người đàn ông. Tần suất xuất hiện những đại diện cộng đồng LGBTQ+ trên các phương tiện truyền thông giải trí ngày càng nhiều và được xã hội đón nhận một cách rất bình thường.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng hiện tại vẫn chưa thể quên đi khái niệm bình đẳng giới bởi đa số người Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng, lệ thuộc quá nhiều vào ý thức hệ phong kiến; nếu không duy trì việc tuyên truyền, không nhắc nhớ thì người ta sẽ xóa nhòa khái niệm bình đẳng giới. 

Nhà sản xuất chương trình Võ Thoại: Chúng ta không quên đi nhưng cần có cái nhìn khác về điều này vì cơ bản, mỗi giới đã có bản năng, khả năng và tư duy khác nhau. Khăng khăng một cách cứng nhắc về bình đẳng sẽ gây bất bình đẳng ở một số công việc của các cá nhân có sự khác biệt nhất định. Thay vào đó, hãy có những cách đối xử công bằng, nghĩa là mỗi người sẽ được đối xử và nhìn nhận theo đúng khả năng và giá trị thực của họ. Hãy đối xử với nhau bằng cách thấu cảm thay vì áp đặt.

Nhà báo Trần Vương Thuấn
Nhà báo Trần Vương Thuấn

* Trong gia đình các anh, mọi thứ đang được vận hành như thế nào? 

Nhà báo Trần Vương Thuấn: Gia đình tôi vận hành như hầu hết các gia đình tôi biết: phân công và chia sẻ công việc, không phân biệt việc nào đàn ông, việc nào đàn bà, ai giỏi gì thì làm nấy. Tôi được miễn một số việc, chẳng hạn như nấu ăn vì tôi làm quá tệ dù rất cố gắng.

Ước mơ, mong muốn chính đáng của các thành viên gia đình luôn được ủng hộ, tạo điều kiện để thực hiện. Con cái vẫn có quyền lên tiếng, đồng ý hoặc không với một vấn đề nào đó liên quan đến bản thân; không thành viên nào có quyền áp đặt.Tôi không biết như thế có là bình đẳng nhưng cho đến nay, chưa thấy lời phàn nàn nào về chuyện bình đẳng trong gia đình tôi.

Anh Đào Thế Hoàng: Tôi có cái nhìn công tâm về cả hai phía: đàn ông và phụ nữ - những nhân vật tạo nên một gia đình. Tôi đề cao sự bình đẳng - nghĩa là công bằng cho cả hai chứ không chỉ bênh vực phụ nữ. Nếu những yếu tố yêu thương vô điều kiện không được đặt lên hàng đầu trong các mối quan hệ sẽ dẫn đến việc mất cân bằng vai trò của các thành tố trong mỗi gia đình.

Gia đình tôi là một ví dụ. Nếu cha tôi không gia trưởng, biết yêu thương, chăm sóc vợ thì có lẽ mẹ tôi không phải “gồng” lên trong vai người đàn ông lo toan mọi việc gia đình. Nếu cha tôi biết san sẻ và yêu thương mẹ tôi vô điều kiện đã không khiến mẹ tôi trở nên cực đoan áp đặt quyền hành với ông và các con. Nếu mẹ tôi hiểu, thông cảm với cha tôi, giảm cái tôi một chút, có lẽ gia đình tôi sẽ có sự cân bằng.

Anh Đào Thế Hoàng  - Giám đốc Học viện Đào tạo Starlight
Anh Đào Thế Hoàng - Giám đốc Học viện Đào tạo Starlight

Nhà sản xuất chương trình Võ Thoại: Xét về cơ bản, sự bất bình đẳng đã xuất hiện ngay từ đầu, khi 2 cá thể với thể chất, tư duy, khả năng và điều kiện khác nhau ở cạnh nhau. Nếu xét đúng về ý nghĩa của bình đẳng thì vợ chồng đều phải làm những chuyện giống nhau, trải qua những việc như nhau hay phân chia thời gian trong ngày giống nhau.

Gia đình tôi vận hành theo cách xây dựng cuộc sống cùng nhau trên cơ sở của việc tôn trọng bản sắc cá nhân người còn lại. Ở mỗi vấn đề, cách phân chia khối lượng công việc sẽ khác nhau để ai cũng có thể tối ưu được khả năng, mong muốn của mình và người còn lại.

Sự bình đẳng phải đi kèm ý thức về bản thân như một cá nhân tự do 

* Bây giờ, phụ nữ thành thị hầu như luôn biết cách để tự bình đẳng. Phải chăng đó là một tín hiệu tích cực của xã hội, sự biến chuyển về tầm nhìn?

Nhà báo Trần Vương Thuấn: Chắc chị muốn nói đến sự bình đẳng nam - nữ ở câu hỏi này? Không chỉ phụ nữ mà cả nam giới hay tất cả giới tính ngày càng có nhiều không gian và sự đồng cảm để thể hiện mình trong bản dạng giới của họ. Tôi tin rằng sự bình đẳng không phải nằm ở việc “đàn ông được làm gì thì nữ giới được làm đó” mà nằm ở điểm mỗi cá nhân được quyền vui và sống trọn vẹn với giới tính của mình, yêu việc mình làm, yêu con người mình.

Khi một phụ nữ được hạnh phúc trọn vẹn với giới tính, với đời sống của mình, một cá nhân bình đẳng đã ra đời. Mong ngày càng có nhiều cá nhân như thế.

Anh Đào Thế Hoàng: Sự phát triển của công nghệ, các nền tảng xã hội, truyền thông kiểu mới đã giúp con người tiếp nhận, cập nhật thông tin, kiến thức một cách dễ dàng. Những khóa học, diễn đàn, nội dung tư vấn… đã cho các bạn trẻ thấy quyền được sống, được yêu của con người. Ý tôi là mọi người đã nhận ra vấn đề cốt lõi là biết yêu thương, chăm sóc chính mình; nhận ra giá trị bản thân để tự tin hơn và biết đề cao, tự tôn giá trị của mình trong gia đình, ngoài xã hội.

Hiện tại, đa phần phụ nữ Việt Nam ở bất cứ vùng miền nào, không chỉ ở thành thị, cũng đã biết yêu thương bản thân, tự khẳng định giá trị bản thân để tạo ra sự bình đẳng. Tất nhiên bên cạnh đó, còn nhiều phụ nữ vẫn bị lệ thuộc, cam chịu hoặc áp đặt trong cuộc sống.

Nhà sản xuất chương trình Võ Thoại: Sự biến chuyển về tầm nhìn của phụ nữ về bình đẳng là tín hiệu rất tích cực. Mọi người đã xem chuyện bình đẳng như một mặc định. Đó không còn là một nỗi lo ngại, một vấn đề cần giải quyết. Thay vào đó, họ tập trung cho việc tạo ra giá trị cuộc sống. Chính giá trị này đã xóa nhòa những khoảng cách về bất bình đẳng. Thêm vào đó, sự thay đổi trong quan điểm về bình đẳng giới của nam giới cũng góp phần không nhỏ cho sự thay đổi trên.

Đàn ông đã biết lắng nghe, quan tâm nhiều hơn, bớt gia trưởng và tham gia vào những công việc trong gia đình để chia sẻ với người phụ nữ của mình.

* Các ông hay “than” không chỉ riêng phụ nữ mà đàn ông cũng có thể là nạn nhân của bất bình đẳng giới…

Anh Đào Thế Hoàng: Nhiều đấy! Một là bị lệ thuộc bởi sự áp đặt văn hóa phong kiến của gia đình và sự "vùng lên" của người phụ nữ trong gia đình. Hai là bị phân biệt, kỳ thị về giới tính. Đến nay, ngồi trò chuyện với anh chị, ở tuổi 47, tôi mới dám tự tin nói rằng tôi là người đồng tính nam.

Tôi đã phải trải qua cuộc sống rất cô đơn; luôn sống trong sự mặc cảm, che giấu. Tôi từng không dám sống như mình mong muốn. Tôi luôn phải lắng nghe, quan sát thái độ, quan điểm của mỗi đám đông người thân, bạn bè, người lạ mà tôi tiếp xúc. Tôi phải chỉnh sửa cả lời ăn tiếng nói, phong cách, lối sống sao cho hòa hợp với số đông. 

Nhà sản xuất chương trình Võ Thoại: Tôi cho vài ví dụ:

- Nếu một phụ nữ làm dâu thì bình thường nhưng khi đàn ông ở rể dễ bị người ngoài lời ra tiếng vào.

- Trong gia đình, vợ chồng đã thống nhất vợ đi làm kinh tế, chồng ở nhà lo gia đình nhưng vẫn bị người ngoài điều tiếng. 

- “Đi tướng như con gái”, “giọng như con gái”, “điệu như con gái”… là các câu nhận xét mang tính bất bình đẳng giới.

Nhà báo Trần Vương Thuấn: Như đã nói, sự bất bình đẳng không chừa ai hay giới tính nào. Sự bình đẳng phải đi kèm với ý thức về bản thân như một cá nhân tự do. Trong sự hiểu biết về bản thân, chúng ta biết các quan hệ bình đẳng là thế nào; chúng ta tạo ra, bảo vệ, đòi hỏi các quan hệ bình đẳng ấy.

Ta tôn trọng sự bình đẳng với người khác và có cách hành xử đúng trong các mối quan hệ mà sự bất bình đẳng dễ xuất hiện.

* Cảm ơn các anh đã chia sẻ. 

Lan Khôi (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI