Bị đuổi khỏi nhà còn gánh nợ thay chồng

09/09/2019 - 16:11

PNO - Thu nhập hằng ngày của gia đình chị D. ( huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) sau khi trừ hết chi phí vẫn còn dư hơn triệu đồng, thế nhưng gia cảnh của chị vẫn không khá lên được vì tay chồng lầy lội.

Chị Đ.T.M.D. lấy anh V.C.K. (ngụ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) năm 1998, và liên tục sinh ba đứa con. Anh K. làm công nhân xưởng tôn, chị buôn bán lặt vặt. Nhưng từ năm 2010, một công ty may mặc mọc lên gần nhà, thì anh chị chuyển sang mua bán thức ăn và nước giải khát cho công nhân. 

Các con dần lớn cũng đã phụ giúp cha mẹ, nên thu nhập hằng ngày của gia đình chị D. sau khi trừ hết chi phí vẫn còn dư hơn triệu đồng. Thế nhưng gia cảnh của chị vẫn không khá lên được, bởi anh K. lâm vào bài bạc, cá độ đá banh, gây nợ nần tứ phía. Rồi năm 2013, chị D. lại “vỡ kế hoạch” và sinh đứa con út tên V.T.Y.N.

“Nỗi ám ảnh của em hằng ngày là sau năm giờ chiều, chủ nợ tiền góp, tiền đứng tới vây đầy quán. Anh K. vay mượn khắp nơi, nhưng đều bảo chủ nợ đến gặp vợ anh để giải quyết. Em không thể nói không biết, vì nợ anh K. mượn toàn từ người thân họ hàng hoặc bà con chòm xóm. Tiền lời hằng ngày từ quán cơm, giải khát gia đình chỉ trên dưới một triệu đồng, nhưng có khi phải trả nợ cho chồng tới năm, ba triệu… Em cứ giật gấu vá vai mãi như vậy cho đến ngày hôm ấy…”.

Bi duoi khoi nha con ganh no thay chong
Chị D. được ôm con gái út trong phút giây ngắn ngủi

Ngày hôm ấy mà chị D. nhắc đến, là một buổi chiều tháng 5/2019, chủ nợ lại đến quán và số nợ lên đến hai mươi triệu đồng “tiền đứng”, chị D. hẹn trả sau nhưng chủ nợ không đồng ý. Rồi bất ngờ anh K. đi đâu đó về, chỉ vào mặt vợ: “Mày giấu tiền đem về cho cha mẹ mày thì mới không có tiền, chứ tiền đi đâu hết mà không trả nợ cho tao? Nhà này của tao, quán này của tao, tao có ăn chơi cũng là quyền của tao. Tại sao mày không lo trả nợ?”. 

Uất ức cùng cực, chị D. đã cãi lại, rằng quán nhà chỉ thu nhập như thế, mẹ con đều “chạy có cờ” để làm, anh đã không làm phụ thì thôi, hôm nay còn bảo tôi trả nợ đến hai mươi triệu đồng thì tiền đâu tôi trả? Thế là nắm đấm vung lên, khi trời đang chạng vạng, anh đã dùng cây để đánh đuổi vợ ra khỏi nhà vì “dám cãi tay đôi với tao”.

Để bảo toàn tính mạng, chị D. đã bỏ chạy khi trên tay chỉ cầm mỗi cái bóp cá nhân, trong đó có hơn ba trăm ngàn đồng cùng tờ giấy chứng minh nhân dân. Sau đó anh K. đã phao tin khắp họ hàng bên nội bên ngoại rằng vợ anh “theo trai”. Với chủ nợ thì anh bảo vợ đã bỏ nhà đi, mang theo hết tiền của nên anh phải khất nợ.

“Điều đáng buồn nhất là suốt ba tháng qua, các con tôi, những đứa con sinh năm 1999, 2001, 2003 đã đủ hiểu biết nhưng không hề gọi một cuộc điện thoại xem mẹ ở đâu, sống ra sao. Bé út Y.N. thì quá nhỏ nên không thể gọi cho mẹ.

Đau đớn cho tôi hơn nữa là anh K. luôn nhắn tin thóa mạ chửi bới tôi bằng những lời lẽ hết sức thô tục, lại còn hăm dọa sẽ làm cha mẹ tôi tan nhà nát cửa để phải bán nhà trả nợ giùm tôi, vì nợ trong thời kỳ hôn nhân sẽ là nợ chung”, chị D. buồn bã cho biết. Tuy bị chồng đánh đuổi ra khỏi nhà nhưng chị D. hoàn toàn không có ý định ly hôn, mà cho rằng cứ lánh nạn lâu lâu, chờ sự việc “nguội nguội” sẽ về, bởi bốn đứa con đang chờ mẹ. Trong thời gian bị chồng đánh đuổi đi, chị đã về Bình Phước tá túc nhà cha mẹ ruột. 

Bi duoi khoi nha con ganh no thay chong

Ảnh minh họa

Một ngày Tòa án nhân dân huyện Dương Minh Châu gọi chị về, bởi chị là bị đơn trong vụ án ly hôn. Tại tòa, có mặt cả bốn đứa con, nhưng ba đứa lớn đều nhìn mẹ như người xa lạ, chỉ có đứa con gái út lén cha và các anh chị mới dám chạy tới ôm mẹ một chút.

Trong phiên hòa giải lần thứ nhất vào cuối tháng 8/2019, anh K. trình bày với thẩm phán rằng, anh muốn ly hôn vì chị D. “bỏ nhà treo trai”. Anh sẽ nuôi hết bốn đứa con nên không thể chia 8 công đất (8.000m2) vườn cao su và nhà đất đang ở cho chị D. Nhưng số nợ 1,2 tỷ đồng trong thời kỳ hôn nhân thì anh K. yêu cầu chia đôi.

Chị D. trình bày rằng, chị chỉ biết 400 triệu tiền nợ khi chị còn ở nhà. Còn 3 tháng nay, con số đó đã tăng thêm 800 triệu nữa thì chị không hề biết. Vì thế nên chị không chấp nhận số nợ này. Huống chi hơn hai mươi năm làm vợ, chị đã cùng tạo ra bao nhiêu của cải, giờ chị bị ly hôn “ra đi tay trắng”, không có tài sản cũng được, nhưng tại sao phải trả số nợ oan khuất này? Thẩm phán cho biết, nguyên đơn muốn khai bao nhiêu nợ là quyền của nguyên đơn. Nhưng tòa án sẽ mời chủ nợ tới để xác minh, nếu giấy tờ hợp lệ thì tòa mới công nhận nên chị D. hãy yên tâm.

Thế nhưng, điều làm chị D. nát cả cõi lòng là ba đứa con lớn của chị đều cùng ý kiến với cha, rằng mẹ chúng đã “bỏ nhà theo trai”, nên yêu cầu tòa không chia tài sản, còn nợ thì phải chia đôi.

Buổi hòa giải lần thứ nhất không thành, chị D. ra về mà nước mắt chảy ngược vào lòng, bởi những đứa con mình rứt ruột sinh ra, chăm bẵm nuôi lớn đã ăn nói thiếu suy nghĩ như thế. Trong khi bao lâu nay cùng sống chung nhà, cha đối xử với mẹ thế nào, chúng đều hiểu rõ. Vậy mà… 

Trang Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI