Bài học cho "dâu thành phố"

10/05/2021 - 19:29

PNO - Nhà anh chỉ còn mẹ, về thăm bà là chuyện tốt, nhưng thấy anh cứ vơ quào chổi cùn rế rách chất lên xe mang về quê, chị thấy khó chịu.

Chồng dự tính mua ô tô, chị không mấy vui, vì chi phí cho cái xe khác nào nuôi thêm một người, nhưng rồi chị cũng đồng ý vì anh là dân công trường, nắng ưa mưa chịu. Giờ bước chân ra khỏi nhà là nơm nớp bất an, thôi thì “lấy thép bọc thịt còn hơn lấy thịt bọc thép”. 

Anh hứa, khi mua xe, anh sẽ nhận việc đưa đón hai con những khi anh tiện đường. Chị nghe vậy thì “ừ” cho anh vui, chứ chị biết, anh đi sớm về khuya, có trùng giờ với con cái đâu.

Có ô tô, sáng sáng anh không phải lật đật tìm kiếm hồ sơ hay quên thứ nọ thiếu món kia. Tất tần tật đồ của anh được bỏ lên đó, còn có cả một bộ quần áo và đồ dùng cá nhân. 

Từ ngày có xe, anh siêng về quê hơn. Nhà anh chỉ còn mẹ, về thăm bà là chuyện tốt, nhưng thấy anh cứ vơ quào chổi cùn rế rách chất lên xe mang về quê, chị thấy khó chịu. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị có việc làm và thu nhập ổn định nên thi thoảng sẽ sắm một vài món đồ tiện nghi cho nhà, cho bếp. Những món cũ chị sẽ bán rẻ hoặc tặng chị em đồng nghiệp. Nhưng nay anh lại nói đồ còn xài tốt, để mang về cho mẹ. Cái chảo này còn tốt lắm, mấy cái tô này còn dùng tốt, cái hũ này mẹ sẽ đựng đường…

Chị khó chịu bởi anh nâng niu bỏ công cọ rửa và đùm gói mang về, nhưng mẹ chồng đâu có dùng. Bà chỉ giữ lại cái nồi áp suất, bà mang cho hàng xóm mấy món nho nhỏ, còn lại bà mang… bán.

Nghe bà nói mà chị xấu hổ. Cái nồi cơm điện chị dùng hai năm, bị trầy sơ sơ nhưng còn tốt, bà bán một trăm ngàn đồng. Cái máy xay sinh tố chị bỏ xó bốn năm nay, bà bán tám chục ngàn. Cái nồi chống dính chưa bị tróc xíu nào nhưng đáy nồi bị đổi màu, bà bán bốn chục ngàn. Mấy cái hũ chị được tặng, bộ ấm chén, mấy cái ly, đồ để bàn chải đánh răng, bà bán từ năm chục đến năm ngàn đồng cũng có.

Chị càu nhàu với anh, nhà có khó khăn gì mà mẹ đi nhặt nhạnh kiểu đó, mà người mua đa phần là bà con lối xóm chứ phải xa lạ gì, ai cần thì tặng người ta chứ.

Anh nghe chị cằn nhằn thì chỉ cười, chê chị dân thành phố nên ít hiểu thế nào là “tình làng nghĩa xóm”. Anh nói chính vì bà con lối xóm nên người ta mới ngại nhận không. Nếu có nhận thì nhận một hai món nho nhỏ, chỉ dám nhận một lần, chứ mấy thứ đẹp đẽ thế này họ sẽ không dám nhận. Mẹ chuyển thành bán, đắt rẻ gì người ta cũng đỡ ngại hơn là lấy không. 

Hơn nữa khi đi bán, mẹ sẽ có việc để làm, có chuyện để thăm lối xóm. Người ta còn mang ơn vì mẹ đã giúp nhà người ta có đồ dùng tốt với giá rẻ. 

Chị nghe thấy có lý, khi anh chị về, bà con lối xóm hay ghé chơi, người cho nải chuối, chục trứng, người tặng rổ rau vườn xanh non. Mấy món đồ anh chị đem về, vẫn còn dùng được, tốt hơn những món rẻ tiền kém chất lượng ngoài chợ.

Sau này, đến cơ quan, chị… lê la xin đồ, trước giờ chị chỉ giao thiệp trong phòng, nay chị ngoại giao sang cả những phòng khác. Có lúc chị bật cười vì thấy mình thật giống mẹ chồng.

Đồng nghiệp thấy xưa kia chị hay cho, nay quay qua xin thì ngạc nhiên. Chị chẳng giấu chuyện mẹ chồng mình làm, nhiều đồng nghiệp hứa về coi nhà có gì thanh lý sẽ nhớ đến chị. Đổi lại, họ nhắc chị mỗi lần chị về quê lên sẽ chia cho họ ít rau vườn, ít quà quê. Có đồng nghiệp thì… thực tế hơn, họ nói từ nay cũng sẽ mang về quê cho ba mẹ hoặc cho bà con lối xóm.

Cuối tuần, anh chị háo hức chất đồ lên xe về quê. Trong đám “hầm bà lằng” còn có cả cái xe lăn. Mẹ chồng chị thấy cái xe thì thích lắm, rủ chị đi đến nhà bác Tám để bán với giá bốn mươi lăm ngàn đồng, tặng thêm cái nệm lót, cái gối tựa lưng và cái dù.

Bác Tám già yếu mấy năm nay không đi lại được, cứ nằm một chỗ. Có cái xe lăn, anh con trai nhấc bổng bác lên xe, quên cả chào mẹ chồng và chị, anh một mạch đẩy bác ra đường đi chơi. Chị nghe bác Tám hể hả: “Phen này cha có chân đi khắp xóm rồi”.

Lúc chuẩn bị về thành phố, chị thấy mẹ chồng đùm đùm gói gói to nhỏ, nói bịch nếp này chú Chín gửi, mấy trái bí này cô Hai cho, nhìn vậy chứ ngon lắm, trứng gà này thím Tám đưa, mấy bịch này là bịch cua cô Tư làm sạch sẽ rồi, về bỏ tủ lạnh nấu canh với đám dền cơm chị Bảy đưa…

Rồi mẹ kéo chị ra một góc, lấy trong túi áo ra cuộn tiền nói: “Tiền mẹ bán đồ được, cho con hết nè, coi như phụ tiền xăng cho vợ chồng con về thăm mẹ!”.

Chị từ chối thế nào cũng không được, đành nhận. Lúc ngồi trên xe, chồng hỏi chị có chuyện gì mà cười suốt. Chị lắc đầu, chị sẽ giấu riêng số tiền này, mai mốt mua cho mẹ món gì đó. Nhìn cái thùng đầy rau củ, chị mỉm cười tự nhủ, mấy ai được như mình, buôn một lãi trăm. 

Thái Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI