Sức hấp dẫn của đề tài chiến sĩ công an trên sân khấu

07/07/2025 - 11:48

PNO - Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” năm 2025 - lần V diễn ra tại Hà Nội (từ 24/6 đến 7/7) đã khẳng định sức hút của đề tài này trên sân khấu.

Tiếng vọng từ đoàn cải lương Trung Hiếu

Nhắc đến đề tài chiến sĩ công an trên sân khấu, đoàn cải lương Trung Hiếu là một trong những cái tên được nhớ đến đầu tiên. Được Sở Công an TPHCM thành lập năm 1981, đoàn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả mộ điệu với những vở diễn: Trận tuyến thầm lặng, Sóng gió cuộc đời, Lệnh truy nã, Mối tình ngang trái, Lời thú tội muộn màng, Tình không biên giới… Đặc biệt, vở Vụ án Mã Ngưu đã làm nên tên tuổi đôi nghệ sĩ Châu Thanh - Phượng Hằng và đưa thương hiệu cải lương Trung Hiếu đến đỉnh cao.

Sân khấu kịch Hồng Vân dự liên hoan với vở kịch Một cuộc chiến khác - ẢNH: NGỌC TUYẾT
Sân khấu kịch Hồng Vân dự liên hoan với vở kịch Một cuộc chiến khác - ẢNH: NGỌC TUYẾT

Theo soạn giả Đăng Minh - người gắn bó sự nghiệp với đoàn Trung Hiếu, tác giả kịch bản cải lương Vụ án Mã Ngưu - sức hút lớn nhất của đoàn đến từ các vở diễn khai thác những vụ án có thật. Điển hình như Vụ án Mã Ngưu là từ vụ án triệt phá băng đảng giang hồ khét tiếng Tín Mã Nàm, được tác giả Võ Duy Linh viết thành tiểu thuyết Đằng sau một số phận.

Đến nay, Vụ án Mã Ngưu vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất của đoàn Trung Hiếu với hàng ngàn suất diễn từ Nam đến Bắc. Nhiều đoàn khác cũng dựng lại vở, trong đó bản của đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang với các ngôi sao Trọng Hữu và Thanh Nam cũng được khán giả rất yêu thích.

Lý giải sự ăn khách của đoàn cải lương Trung Hiếu, soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng đó là do các vở diễn của đoàn đậm tính giải trí với cốt truyện hấp dẫn từ vụ án có thật. “Các vở diễn đi sâu vào thân phận con người, khắc họa sinh động cuộc đời tội phạm lẫn nạn nhân. Người chiến sĩ công an không cần phải là nhân vật chính, hình ảnh của họ cũng không đậm tính hình tượng trang nghiêm nhưng đó lại là những tác phẩm làm người xem xúc động, cảm phục chiến công của lực lượng công an” - soạn giả Hoàng Song Việt phân tích.

Đừng quá đặt nặng “hình tượng”

Cùng với đoàn cải lương Trung Hiếu, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc lực lượng công an trên cả nước đã hình thành dòng vở diễn sân khấu khai thác đề tài công an rất đặc trưng. Về sau, đề tài này mở rộng ra cho các nội dung trinh thám, điều tra phá án. Từ khi đoàn Trung Hiếu ngừng hoạt động (năm 1994), tác phẩm cải lương đề tài công an cũng thưa dần. Các vở diễn có yếu tố trinh thám, điều tra xuất hiện nhiều hơn trên sân khấu kịch nhưng thường phục vụ cho đề tài kinh dị. Gần đây có vở kịch Đêm vượn hú của nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ và vở cải lương Nước mắt thâm tình của đạo diễn trẻ Nhã Thy là 2 tác phẩm có yếu tố điều tra phá án hấp dẫn.

Nước mắt thâm tình là vở cải lương có yếu tố điều tra phá án hấp dẫn thời gian gần đây.
Nước mắt thâm tình là vở cải lương có yếu tố điều tra phá án hấp dẫn thời gian gần đây. ẢNH: NGỌC TUYẾT

“Cũng như phim trinh thám, kịch điều tra muốn thu hút khán giả thì tình tiết vụ án phải lôi cuốn và hợp lý với bối cảnh Việt Nam. Dĩ nhiên không thể đưa toàn bộ đời thật lên sân khấu nhưng có những quy định, quy trình, nguyên tắc nghiệp vụ của các cơ quan chức năng cần phải nắm và thể hiện đúng mới thuyết phục được người xem. Hiện nay, vẫn có kịch bản về vụ án nhưng không dễ để đạo diễn tìm ra “chìa khóa” mở tác phẩm đúng cách” - đạo diễn Chánh Trực của vở Đêm vượn hú cho biết.

Từ năm 2005, Bộ Công an phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức liên hoan sâu khấu về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” định kỳ 5 năm/lần, mở ra cơ hội và tạo động lực cho nhiều đơn vị nghệ thuật thực hiện các vở diễn đề tài công an. Tuy nhiên, các tác phẩm này không còn sức sống như trước, rất ít vở tiếp cận được công chúng sau khi rời liên hoan. Ngoài tình hình khó khăn chung của sân khấu, có một thực tế là tinh thần các vở diễn đề tài này đã ít nhiều đổi khác.

Theo soạn giả Đăng Minh, các vở diễn đề tài công an ngày trước “rất chính trị nhưng lại gắn với số phận con người, có nội dung phong phú, giàu tính triết lý, vì thế mới chạm được cảm xúc so với những vở diễn chỉ thuần túy ngợi ca và nhằm mục đích thi thố”.

Qua 3 lần tham gia liên hoan, Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Lê Nguyên Đạt nhận định chữ “hình tượng” đã vô tình “đóng khung” tư duy người làm nghề. “Các đơn vị e ngại, không dám khai thác nhiều góc độ về người công an, nhất là những góc khuất trong ngành để đảm bảo “hình tượng”, nghệ sĩ cũng vì chữ “hình tượng” mà gò mình đến mất tự nhiên. Các nghệ sĩ cứ bận trang phục công an vào là căng thẳng, đi đứng nói năng gồng cứng người, bước ra sân khấu là nghiêm nghị trong mọi hành động, cử chỉ. Thành ra cảm xúc bị giả, bị hụt…” - Nghệ sĩ ưu tú Nguyên Đạt nhận xét.

“Người làm nghề lẫn làm công tác quản lý cần có cái nhìn cởi mở hơn về đề tài công an và hiểu rộng hơn về hình tượng người chiến sĩ công an. Để hạn chế sai sót về nghiệp vụ, tác phong có thể phá hỏng tác phẩm, rất cần sự cố vấn chuyên môn từ người trong ngành công an” - đạo diễn Chánh Trực chia sẻ.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI