Ăn muối cũng vui

25/01/2014 - 10:29

PNO - PN - Sau 5 năm chịu án tù vì tội môi giới mại dâm, Tết Giáp Ngọ này, chị Nguyễn Thị Q. T. (50 tuổi, ngụ P.1, Q.8, TP.HCM) được đặc xá trở về đoàn tụ gia đình. Trước đây, chị làm nghề buôn bán hàng ăn, chạy xe ôm. Có khách quen là...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ra tù, chị làm nghề bán bánh mì. Bà con thương tình mua ủng hộ nhưng lời lãi không nhiều. Mới đây, chị được giới thiệu vào một công ty tư nhân làm đầu bếp. May mắn tìm được công việc phù hợp, lại gặp người chủ tốt bụng, nhưng chị vẫn lo một ngày công ty yêu cầu chị nộp lý lịch, sẽ lộ ra quá khứ không hay của mình.

Khi tôi tìm đến nhà trọ của chị, chị và cậu con trai duy nhất đang săm soi hai bịch đường thốt nốt mới mua. Tưởng gia đình chị sẽ có một cái Tết lớn, đánh dấu một trang mới sáng sủa, nhưng… Nghe hỏi chuyện sắm Tết, chị trầm ngâm: “Những năm chưa đi tù, cuối tháng Chạp là tôi hào hứng làm củ kiệu, củ hành, dưa món, mứt cà, mứt dừa… Năm nay, cận Tết vẫn chưa chuẩn bị gì. Mới lãnh được ít lương, tôi mua đường thốt nốt nấu chè, trước cúng sau chia cho chị em cùng ăn. Chồng, con tôi vừa thất nghiệp; tôi ở trại về cuối tháng Tám, mới đi làm nên kiếm được đồng nào xào đồng đó, tiền đâu mà sắm Tết như người ta!”.

An muoi cung vui

Chị Q.T. tranh thủ lau dọn bàn thờ đón Tết

Chị bấm ngón tay tính ngày, rồi vẽ ra kế hoạch: Tiền bạc eo hẹp mấy cũng phải mua mâm trái cây cúng ông bà đêm giao thừa, ngày 30 cúng canh khổ qua, cháo vịt (để đưa cái xui xẻo, chậm chạp của năm cũ đi), ngày mùng Một cúng chay; cả nhà đi chùa hái lộc đầu năm, nguyện cầu bình an, khỏe mạnh, phát đạt. Chị bùi ngùi: “Trước đây, vì mặc cảm, vợ chồng tôi không báo cho gia đình chồng tôi ở Tiền Giang biết chuyện tôi đi tù, nói tránh là tôi đi làm ăn xa. Năm nay tôi vẫn chưa dám về quê chồng thăm viếng. Tôi định tận dụng những ngày Tết để buôn bán kiếm tiền, rảnh chút thì đến nhà bạn chơi cho khuây khỏa”.

Nằm trong số ít những phạm nhân chịu thời gian phạt tù khá dài nhưng vẫn giữ được gia đình, chị T. không giấu được sự hãnh diện khi nhắc đến người bạn đời. Thời gian chị ở trại giam Thủ Đức (tỉnh Bình Thuận), cứ hai - ba tháng, chồng chị lại lóc cóc lên thăm, mang theo thức ăn, thuốc men. Đường xa, tốn kém, chị dặn chồng đừng thăm thường xuyên nữa, nhưng anh vẫn đều đặn lên trại vì nhớ, vì lo, nhất là lần biết tin chị lên cơn suyễn phải cấp cứu trong trại. Nhiều đêm giao thừa, nghĩ đến chồng con ở nhà ăn Tết “mồ côi”, chị ứa nước mắt. Giữa bốn bức tường trại giam, chị thèm được nằm gần chồng con. “Thèm đến nao lòng! - chị thổ lộ - Giờ trở về, tôi biết quý trọng hơn tình cảm gia đình, không bỏ phí những giây phút bên nhau”.

Tôi từ giã ra về, vừa lúc chị nhận được điện thoại. Thoáng chút thẹn thùng, chị nói: “Chồng tôi gọi đó. Ông ấy đang đi thăm người bà con. Ở gần thì thôi, hễ rời nhau là gọi bốn - năm cuộc mỗi ngày để hỏi han, nhắc nhở ăn uống, thuốc men”. Tết này, chị soạn lại đồ cũ, tẩy trắng, ủi thẳng để mặc, lòng đã nhẹ nhàng hơn, không còn chênh chao, buồn tủi. “Mấy bạn tù thường nói với nhau: được trở lại đời, dù ăn muối cũng vui, không đòi hỏi gì nữa. Tết tôi không cần quần áo mới, không cần nhiều món ngon, chỉ cần được ăn Tết với gia đình là quá đủ. Tết nghèo cũng ấm, cũng vui…” - chị cười, nhìn con trai. Điều chị mong mỏi trong năm mới là chồng, con sớm tìm được việc làm. Kỳ vọng xa hơn, cả nhà tích lũy được chút tiền để cất nhà trên mảnh đất ở Đồng Nai đã mua từ lâu.

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI