“Thị ơi, thị rụng bị bà”

09/09/2014 - 15:08

PNO - PNO - Cây thị nằm phía góc vườn được Ngoại trồng khi tôi lên ba tuổi và Út lên một. Nó là giống thị cơm, trái nhỏ, hình quả trám, hạt bé xíu, có mùi thơm rất dễ chịu. Thị chín, Ngoại nhờ chú Tư khều quả vào sọt rồi mang...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tháng chín vàng ươm nắng ngoài ngõ. Hương hoa sữa dìu dịu. Vào kì học chính được hai tuần thì nhận được tin nhắn của Út: "Thị nhà mình đã bắt đầu vàng hươm rồi đấy, Hai ơi". Tôi mang tâm trạng háo hức như ngày bé con. Thứ bảy, chủ nhật tôi lại xách ba lô về quê.

“Thi oi, thi rung bi ba”
 

Cây thị nằm phía góc vườn được Ngoại trồng khi tôi lên ba tuổi và Út lên một. Nó là giống thị cơm, trái nhỏ, hình quả trám, hạt bé xíu, có mùi thơm rất dễ chịu. Thị chín, Ngoại nhờ chú Tư khều quả vào sọt rồi mang chợ bán. Tôi vẫn không quên được cảnh đám con nít vây kín quanh gốc thị ngếch cao cái cổ lên vòm lá xanh men theo chiếc vợt của chú Tư nhìn từng quả thị rơi tuột vào giỏ một cách thèm thuồng, rồi lại cười giòn tan mỗi khi thị không nằm trong giỏ mà lại rơi bộp vào đầu một đứa nào đó. Lúc đấy giá một thúng thị tầm vài chục tiền. Thế nhưng, mỗi phiên chợ về Ngoại đều có quà cho cả hai anh em. Lúc là chiếc kẹo bột, khi thì kẹo chanh hiệu Thanh Hoa giòn tan.

Chiều chiều, tôi với thằng Út trèo lên cái chạng to nhất của cây thị mà vắt vẻo nằm, không quên niệm câu thần chú trong truyện Tấm cám: "Thị ơi, thị rơi bị bà. Bà không ăn, bà chỉ để ngửi thôi". Ngoại đi ngang, lắc đầu cười. Hai anh em lại cười khanh khách. Tôi và Út thường hay tưởng tượng kể chuyện sự tích cây thị, rồi tại sao trái thị khi chín lại có màu vàng…Út bảo nó màu vàng vì nó mang hương sắc nắng thu. Kể cũng có lý.

Mỗi lần tụi bạn trong ấp đến, chúng lân la đến xin Ngoại tôi những trái thị nám, vẹo vọ về ngửi chơi. Thằng Út nó cứ hếch cái mũi lên, khư khư ôm lấy thúng thị không cho chúng sờ. Đến lúc Ngoại bảo, con muốn mang biệt danh Út tham vào người hả? Nó mới chịu san sẻ thị cho bạn. Nhìn cái răng sún lộ ra dưới làn môi cong ngoắt của nó khiến tôi bật cười.

Ba tôi không muốn có cây thị trong vườn. Ba bảo, nó thơm thật nhưng thu hút nhiều côn trùng, muỗi bọ. Mỗi lần thấy tay chân ai nổi hạt mẩn đỏ là ba lại xin Ngoại đốn thị. Ngoại chẳng nói, chẳng rằng. Má hiểu Ngoại, thuyết phục ba không đả động tới đốn thị nữa. Từ độ đó, Ngoại vui lắm. Ngoại quét dọn mảnh vườn sau nhà, dẹp rác cỏ. Tôi biết ngoại làm vậy để chứng minh cho ba thấy, cây thị không phải là nguyên nhân khiến muỗi bọ nhiều.

“Thi oi, thi rung bi ba”

Cứ thế tuổi thơ hai anh em tôi yên bình lớn lên bên Ngoại, bên cây thị thân thuộc. Ngày Ngoại tôi lâm bệnh nặng, ngoại gọi con cháu lại gần và dặn dò. Thật bất ngờ khi hai anh em tôi tới, Ngoại dúi vào tay một túi vải. Ngoại bảo đấy là số tiền mà Ngoại dành dụm được trong các mùa bán thị. Ngoại muốn chúng tôi lớn lên, sống thật có ích với số tiền của Ngoại. Tôi xúc động không nói nên lời. Trút hơi thở cuối cùng, Ngoại cũng chỉ có một mong ước nhỏ nhoi, mỗi lần giỗ Ngoại hãy đặt lên bàn thờ một vài trái thị.

Tiễn ngoại đi, phía sau vườn hương thị cứ thoảng đưa, thoảng đưa…
 


QUYỀN VĂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI