“Mẹ ơi, con yêu mẹ!”

03/04/2014 - 08:40

PNO - PN - “Bạn ơi, nhận lấy trái bóng này nhé!”; “Bạn ơi, nhìn tôi và mỉm cười nào”... Mồ hôi đầm đìa, người mệt lả bởi đây là “ca” thứ hai phải… chơi cùng con, chị Trần Thanh Hương (P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM) vẫn kiên trì...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Me oi, con yeu me!”

Chị Hương đang chơi cùng con

 “Có thật không? Có chắc không?”, ngỡ ngàng, hụt hẫng, đôi chân như không còn đứng vững khi chị Hương được bác sĩ trao tay kết quả Jason (năm tuổi) mắc chứng tự kỷ. Liên tục lặp câu hỏi, chị đều nhận lại cái gật đầu. Chị thảng thốt: “Cháu rất bình thường, hay ôm mẹ, đi theo mẹ và cười đùa như bao đứa trẻ”. Bác sĩ giải thích: “Có phải hành động ôm, đi theo ấy của Jason chỉ đối với riêng mẹ và được lặp đi lặp lại? Đó là biểu hiện của chứng tự kỷ”. Bật khóc, chị Hương quay nhìn chồng. Anh cũng chung cảm giác sửng sốt. “Không thể nào tin được Jason cùng căn bệnh với anh trai vì biểu hiện của Jason hoàn toàn khác với Jordan” - chị Hương khẳng định.

Trước đó, để đưa được Jordan (bảy tuổi) đến bác sĩ, với chị Hương là quá trình khó nhọc. Năm Jordan ba tuổi rưỡi, bé có biểu hiện không bao giờ nhìn vào người đối diện; luôn tự cô lập mình và rất khó chịu, bực tức khi ai đó lại gần. Bấy giờ, chị Hương đang sống cùng gia đình chồng ở Canada. Từng nghe đến các triệu chứng tự kỷ, ý nghĩ Jordan mắc phải hội chứng này và mong muốn thử đưa con đi khám của chị vấp ngay sự phản đối quyết liệt. Mẹ chồng chị gay gắt: “Mẹ không muốn nghe hai từ “tự kỷ” trong nhà này. Cháu mẹ không có bệnh gì hết, không được đưa đi khám”. Chồng chị còn khẳng định: “Em… hoang tưởng thái quá”. Tất cả chung mối hoài nghi phải chăng do chị Hương sống trong cảnh xa xứ, nỗi buồn nhớ quê là nguyên nhân khiến chị lo lắng, bất an nên tự “áp” lên con một chứng bệnh. Âm thầm đưa con đi khám, trở về với kết quả Jordan mắc chứng tự kỷ, chị vẫn không nhận được sự đồng thuận của gia đình. Thế nên, không lâu sau tới lượt Jason chung căn bệnh với Jordan, với chị là một cú sốc lớn.

Buồn, hụt hẫng, thi nhau đổ lỗi tạo nên sự căng thẳng bao trùm lên cuộc sống của gia đình chị Hương. Mẹ chồng trước sau vẫn không tin hai cháu mình mắc bệnh, trong khi chồng chị thì trách vợ chỉ mỗi việc nuôi con vẫn không làm tốt. Cuộc hôn nhân của chị Hương tiếp diễn trong ngột ngạt, tưởng có thể đổ vỡ. Chị đề nghị một cuộc nói chuyện thẳng thắn với chồng, cả hai đi đến thống nhất: thay vì trách móc nhau thì dành thời gian học cách chấp nhận và tìm hướng chữa bệnh cho con. Khởi đầu, vợ chồng chị xin ra ngoài sống riêng để có nhiều thời gian, tâm sức hơn cho con. Lên mạng đọc tài liệu, chị Hương tìm thấy ở Canada có một số tổ chức dành cho trẻ mắc chứng tự kỷ. Nhưng những tổ chức ấy đặt ra điều kiện về thời gian nhập học, chị không chờ đợi được. Tiếp tục tìm các tổ chức nước ngoài, cuối cùng, chị tìm thấy chương trình Son-Rise ở Mỹ với những khóa học dành cho phụ huynh có con em mắc bệnh.

“Me oi, con yeu me!”

Chị Hương chơi cùng Jason - bài học về sự vận động và chú ý

Vội vã bắt chuyến bay sang Mỹ, tại đây, vợ chồng chị vỡ ra nhiều điều về thế giới trẻ tự kỷ. Ngoài dạy cách chăm con, khóa học còn tiếp thêm sức mạnh: yêu con, nghĩa là phải biết… yêu cả căn bệnh của bé, từ đó mới có thể đồng hành cùng con chiến thắng bệnh. Mỗi khóa học diễn ra năm ngày, bay tới bay lui từ Canada sang Mỹ tổng cộng thêm ba lần nữa, vợ chồng chị quyết định dừng tất cả công việc ở Canada, đưa hai con về Việt Nam sinh sống. “Về Việt Nam, chúng tôi có nhiều thời gian hơn cho con. Ở đây, mọi người đón nhận Jordan và Jason như những đứa trẻ bình thường, các con không bị kỳ thị” - chị Hương kể.

Trong nhà, vợ chồng chị Hương sử dụng một gian phòng rộng làm sân chơi cho các con. Cùng rất nhiều đồ chơi từ ván trượt, quả bóng đến xích đu; mỗi ngày, chị Hương dành bốn giờ đồng hồ, chia thành hai ca để “hóa thân” thành người bạn nhỏ cùng chơi với Jordan và Jason theo đúng chương trình dạy con vận động, giao tiếp tại nhà mà Son-Rise hướng dẫn. Chị chùng lòng: “Càng hòa mình đồng hành với con, tôi càng hối hận, nhiều lúc muốn bật khóc; sự tiến triển của con khiến tôi nhớ đến khoảng thời gian trước kia, do không hiểu con, không hiểu đó là triệu chứng tự kỷ, không biết các con đang trải qua điều gì, chúng tôi cứ trách mắng, cho rằng con hư đốn mỗi lần con ngang bướng, gào khóc hoặc không nghe lời cha mẹ...”. Chị Hương đúc kết, có con bệnh tự kỷ, người làm cha mẹ đầu tiên phải vượt qua chính mình để chấp nhận. Tiếp đó, chữa bệnh cho con là một quá trình đòi hỏi sự bền bỉ, kiên tâm, không được nóng vội.

Hơn một năm vợ chồng về Việt Nam dành tâm sức cho con, bây giờ, cả Jordan lẫn Jason đã biết cười, không còn sợ người lạ, biết nhìn thẳng người đối diện và đánh vần tốt bảng chữ cái. "Cảm động nhất là khi lần đầu con ôm tôi, thốt lên “Mẹ ơi, con yêu mẹ”, bỗng nhiên tôi trào nước mắt, vậy là tốt rồi, con khá hơn rồi” - chị Hương khoe.

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI