Vươn tới những ước mơ

12/08/2013 - 11:07

PNO - PN - Niềm vui lẫn xúc động khiến không khí buổi lễ trao học bổng Vì nữ sinh hiếu học, vượt khó sáng 10/8 thêm ấm áp bởi nghĩa tình của những tấm lòng chung tay vì một tương lai tươi sáng.

Đối với hàng trăm nữ sinh đang có mặt - chung nhau cái nghèo nhưng cũng chung nhau khát vọng học tập - thì mỗi năm học trôi qua là một cuộc vượt dốc gian nan. Như lời hẹn thường niên, Báo Phụ Nữ lại tiếp tục động viên, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho các em. 647 triệu 500 ngàn đồng chia thành 428 suất học bổng (mỗi suất từ 1,2 - 2 triệu đồng) cùng nhiều phần quà gồm xe đạp, áo dài, bút tập… đã được trao cho 428 nữ sinh các cấp đến từ 24 quận/ huyện TP.HCM và một số tỉnh thành.

Vuon toi nhung uoc mo

Bà Đinh Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM tặng quà cho các nữ sinh. Ảnh: PH

Nghèo khó cũng là động lực

“Ba năm nhận học bổng cũng là chừng ấy lần mẹ không thể đưa em đi vì bận bán vé số. Mẹ nghỉ một buổi là cả nhà phải nhịn ăn một ngày”, thổ lộ của cô học trò Lê Thị Tuyết Nhung (lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Phú, Q.11) khiến khán phòng lặng đi. Đâu riêng mẹ, để có mặt tại buổi lễ hôm nay, Nhung phải gửi xấp vé số của mình nhờ mẹ bán giúp. Ba bỏ đi khi em mới một tuổi, mình mẹ bươn chải nuôi bốn đứa con nheo nhóc. Ý thức được hoàn cảnh gia đình, Nhung quyết tâm phải học thật giỏi. Học mới thoát nghèo! Để có thể đóng tiền học, ngoài việc xin phụ bán quán, làm áo phao, cô bé còn theo mẹ bán vé số. Hỏi có ngại không nếu bị bạn bè bắt gặp, Nhung khẳng định: “Em không mắc cỡ. Em còn thấy hãnh diện vì có thêm tiền giúp mẹ mua gạo và lo học phí cho mình”. Tận dụng mọi lúc rảnh để học nên khi đi bán, Nhung mang theo cả sách bút để những lúc mỏi chân mượn vỉa hè làm bàn ngồi giải bài tập… Đó chính là “bí quyết” để suốt tám năm qua, dù phải lo mưu sinh, Nhung vẫn luôn học giỏi.

Vuon toi nhung uoc mo

Ảnh: PH

Cái nghèo khiến con đường học vấn chông chênh hơn nhưng cái nghèo cũng trở thành động lực để các em phấn đấu. Nguyễn Kim Anh (lớp 9 Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ, Q.12) đã bật khóc khi mẹ đang nằm trên giường bệnh gượng dậy nắm tay em, bắt hứa phải gắng học. Nhìn lại là nỗi đau bị cha bỏ rơi; ngó phía trước, thấy lối đi mờ hẹp, Kim Anh nén lòng động viên mẹ: “Con sẽ ráng”. Giữ lời hứa, cô trò nhỏ phụ mẹ kiếm học phí bằng nghề khâu vải, may thảm chùi, khẩu trang. Nhớ năm 2008, theo mẹ đi đăng ký lớp học hè mà trên tay chỉ có 150.000đ, trong khi học phí gấp bốn lần, Kim Anh níu tay mẹ đòi về, hứa sẽ tự ôn tập. Từ đó đến nay, chưa bao giờ Kim Anh nghĩ đến chuyện học thêm. Em tìm mượn sách vở của các anh chị lớp trên để học. Tám năm giữ danh hiệu học sinh giỏi, bảy năm em được Báo Phụ Nữ trao học bổng, san sẻ rất nhiều gánh nặng của gia đình.

Với Lư Minh Thành (lớp 9 Trường THCS Khánh Hội A, Q.4), con đường học hành gập ghềnh càng khiến em nỗ lực nhiều hơn. Ba chạy xe ôm, mẹ bán hủ tíu, tạm gói ghém cho các con ăn học nhưng bất ngờ, năm rồi, mẹ đổ bệnh tăng huyết áp, nhiều lần ngất xỉu, không thể tiếp tục buôn bán. Cha chạy ăn từng bữa, lo thuốc thang cho mẹ đã khó huống gì nuôi các con ăn học. Dù lo lắng nhưng Thành không từ bỏ mong muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, cho người nghèo. Chăm sóc mẹ nhưng lúc nào quyển tập cũng mở sẵn để Thành có thể… liếc xem. Thành học rất giỏi, năm rồi, chẳng những đứng nhất lớp, em còn đoạt giải Nhất cuộc thi Học sinh giỏi cấp quận môn vật lý. Mỗi khi gặp khó khăn, trắc trở, em vẫn tưởng tượng hình ảnh mình mặc áo blouse trắng để không buông xuôi mà gắng chí hơn. Đây là lần thứ sáu Thành được nhận học bổng của Báo Phụ Nữ.

Vuon toi nhung uoc mo

Nữ sinh Tuyết Nhung và Thiên Hương (phải) xúc động trong lúc giao lưu với khán giả - Ảnh: PH

Đến gần hơn với những mơ ước

Bao nữ sinh có mặt là chừng ấy mơ ước được mang theo nên Nhà hát Thành phố như bỗng lung linh trước muôn ngàn “vì sao” mơ ước. Nguyễn Thị Mỹ Duyên (lớp 11 Trường THPT Tân Phong, Q.7) nhờ chín năm liền nhận học bổng mà không lâu nữa em sẽ chạm đến ước mơ: làm cô giáo. Chín năm trước, tưởng chừng Duyên đã nghỉ học vì gia cảnh quá khó khăn. Niềm vui đến khi Duyên có tên trong danh sách được nhận học bổng của Báo Phụ Nữ. “Bữa cơm nào, ba cũng nói học bổng cứu em không nghỉ học. Muốn đi học thì phải có học bổng mà muốn có học bổng thì phải học cho giỏi. Thương ba mẹ, ngồi ăn cơm mà nước mắt em lưng tròng. Nhiều hôm, em thức học, ngủ gục rồi thức dậy học tiếp”.

Học bổng không chỉ là nguồn động viên, góp thêm sức mạnh cho các nữ sinh nghèo vượt khó vươn lên, mà còn là sự gửi gắm tin yêu, kỳ vọng của bao người đã âm thầm xây cho các em những bậc thang để bước đến ước mơ. Họ - các nhà hảo tâm, những cán bộ Hội... luôn dõi theo bước chân các em trên hành trình nhọc nhằn. Thông tin cô trò nghèo Võ Thị Anh Thư (huyện Nhà Bè) bật khóc trong lần nhận học bổng năm nào giờ đã thành sinh viên năm hai, Trường ĐH Tài nguyên môi trường đã làm ấm lòng nhiều người. Năm ấy, bà nội Thư mất do bị bệnh ung thư. Chạy chữa cho nội khiến ba mẹ em nợ nần chồng chất, phải bỏ con ở lại để đi xa làm ăn, kiếm tiền trả nợ. Trước nguy cơ thất học, cô bé được tiếp sức bởi học bổng của Báo, nhưng phần tiền ấy lại trở thành nguồn vốn để ông nội mở một quầy tạp hóa nhỏ, giao cho em trông coi với niềm tin: lợi nhuận có thể vừa đóng học phí vừa… nuôi chính bản thân em. Từ đó Thư phải “ôm” nhiều việc: bán hàng, chăm em và học bài, làm bài ngay quầy hàng chật chội ấy.

Lần lại chặng đường với con số 5.261 suất học bổng đã được trao cho các em suốt 23 năm qua mới thấy, trong đó có muôn vạn điều không thể thống kê: nhiều học trò nghèo không dang dở sự học; thành công gặt hái… Cùng với đó là một điều luôn được những người thực hiện mong mỏi, như bà Nguyễn Thị Khánh Tâm - Tổng biên tập Báo Phụ nữ khẳng định: “Những người thực hiện chương trình luôn mong mỏi các nữ sinh nhận học bổng hôm nay phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với tình cảm yêu thương của cộng đồng, xã hội”.

Vuon toi nhung uoc mo

Lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM và Ban biên tập Báo Phụ Nữ tặng hoa cho các nhà tài trợ. Ảnh: PH

Ban Biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM gửi lời cảm ơn chân thành đến các doanh nghiệp, đơn vị và nhà hảo tâm đã đồng hành cùng Báo Phụ Nữ trong Chương trình học bổng “Vì nữ sinh hiếu học, vượt khó” lần thứ 23, diễn ra vào sáng thứ Bảy, 10/8 tại Nhà hát TP.HCM: Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3; Công ty TNHH Kim cương Kita; Công ty Ajinomoto Việt Nam; Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi; Công ty CP Đầu tư & dịch vụ TP.HCM (Invesco); Công ty CP Kinh Đô; Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk); ông Lâm Xuân Thi - Giám đốc Công ty TNHH Thời trang & xe đạp Martin 107; bà Diệp Thị Hai - Giám đốc Công ty TNHH SX mực in và TM Toàn Trẻ; bà Lê Chu Thùy Quyên - Giám đốc Công ty AIC Management, bà Kiều Oanh (Nhà may Kiều Oanh, Q.3); Gia đình ba bé Phillips - Paul - Peter (Q.7); Gia đình bé Thành Long (Q.7); gia đình Út Thủy (Q.Tân Bình); gia đình Bảo Trân Quan; bà Lê Thị Minh Huệ (Q.Tân Bình), bà Diệu Phương; bà Dương Thị Bích Ngọc (Q.1); ông Quang Tuấn, ông Nguyễn Văn Mừng, ông Hoàng Kim Chiến.

Chúc các nhà hảo tâm dồi dào sức khỏe, chúc các quý đơn vị, công ty không ngừng phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa vào các hoạt động vì cộng đồng và an sinh xã hội, trong đó có các chương trình xã hội - từ thiện của Báo Phụ Nữ.

BAN BIÊN TẬP BÁO PHỤ NỮ

 Ban Hôn nhân Gia đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI