Vì mình là của nhau

04/01/2022 - 10:30

PNO - Năm anh 30 tuổi, chị mới sinh ra đời. Suốt 16 năm đợi chờ, nhung nhớ, họ mới thật sự nên vợ chồng.

 

Vì đi lạc nên cả hai cùng đến muộn 

Anh Nguyễn Việt (sinh năm 1954) quê ở Huế, sinh sống tại Sài Gòn. Thời điểm gặp chị Thanh Trúc, anh đã có gia đình nhưng cuộc hôn nhân ấy không hạnh phúc. Anh luôn cảm thấy cô đơn. 

Chị Bùi Thị Thanh Trúc (sinh năm 1983) cũng từng trải qua một cuộc hôn nhân kéo dài… bốn tháng với người chồng vũ phu. Ngày từ Khánh Hòa vào Sài Gòn, thân thể chị như cây lúa cuối mùa bị rút cạn sinh lực, bầm dập, tơi tả. Thân cô thế cô, trình độ học vấn không cao, chị vui mừng khi được nhận vào phục vụ trong một nhà hàng. 

Chị nhớ lại lần đầu gặp anh Việt: “Cũng như với bao vị khách khác, tôi nhẹ nhàng chào đón anh, lấy bia, mời chọn món. Anh Việt ngồi đó trầm lặng, mặt buồn xo. Tôi nghĩ thầm: “Ông này chắc bị vợ bỏ đói, trưa nắng không ở nhà ngủ nghỉ lại đi nhậu một mình”. Thế nhưng khi nhìn thấy dĩa sườn nướng vẫn còn nguyên, tôi lại buột miệng: “Thức ăn không ngon hay sao mà anh không đụng đũa?”. Anh cười hiền: “Anh chỉ kiếm chỗ trốn thôi chứ có đói gì đâu”. 

Sau đó, anh liên tục đến nhà hàng, thu mình vào một góc. Đôi khi chị Trúc đi ngang, hai người nhìn nhau, cười chào rồi thôi, chẳng ai nói với ai lời nào. Suốt một tháng, anh ngồi một mình, cả nhà hàng lúc đó ai cũng quen mặt, trêu “chắc anh đang trồng cây si cô nào”. Chính chị Trúc cũng thắc mắc. 

Chị kể tiếp: “Một hôm, anh đến lúc tóc tai tôi xơ xác, mặt mũi đỏ lừ vì phải chạy tới chạy lui bưng đồ ăn liên tục. Anh tưởng tôi uống nhiều bia nên nghiêm mặt căn dặn: “Uống ít thôi, tối còn chạy xe về”.

Tôi đùa: “Em đã có tài xế riêng”. Anh hỏi: “Chồng à? Hay bạn trai?”. “Chỉ là xe ôm” - tôi đáp. Tới giờ về, tôi bất ngờ khi thấy anh đứng trước quán bảo: “Anh chờ em nãy giờ, lên xe anh chở về nhà, trả tiền xe ôm cho anh là được”.

Những hạnh phúc, đau khổ bắt đầu từ đó. Họ là hai con người vì lạc đường nên muộn màng đến với nhau. 

Tình yêu không phân biệt tuổi tác
Tình yêu không phân biệt tuổi tác

 

Anh ra đi vì sợ làm khổ em 

Thời gian trôi qua, hai con người “đi lạc” dần cởi mở với nhau hơn. Chị Trúc kể cho anh Việt nghe về những biến cố đã qua, về ước mơ được về quê rút học bạ, lên phố tiếp tục học hành để trở thành cô giáo.

Anh Việt hầu như luôn có mặt bên cạnh giúp đỡ khi chị Trúc cần. Thế nhưng anh lại kín tiếng, luôn mang vẻ trầm buồn. Suốt thời gian quen chị Trúc, anh hiếm khi hé lời nào về chuyện gia đình. Anh cũng không hề chê trách về vợ mình dẫu chị Trúc thầm biết được những uẩn khúc.

Chị nhớ lại: “Tôi luôn tự đấu tranh, dằn vặt khi phát hiện ra mình đã trót yêu và mong chờ hình bóng người đàn ông đáng tuổi cha chú ấy.

Anh đã có gia đình. Mình không thể làm người thứ ba - tôi suy nghĩ rồi nhắn tin cho anh: “Anh đừng gặp em nữa. Em không muốn mình vượt quá giới hạn, không muốn có lỗi với chị ở nhà”.

Bao nhiêu lập luận của lý trí vẫn không ngăn được hai con tim cô đơn tìm đến với nhau. Anh gọi điện cho Trúc mỗi ngày. Như một người bạn, người anh, anh quan tâm đến chị bằng tất cả tấm chân tình. 

Chị dằn vặt nhưng không ngăn nổi hạnh phúc. Ngàn lần chị tự nhủ: “Mình không cần danh phận, chỉ cần tình yêu” và rồi khi có tình yêu, nhiều điều tốt đẹp khác cũng xuất hiện. Thời gian quen chị, anh vui vẻ, năng động hẳn. Anh động viên và chăm lo cho chị tiếp tục theo đuổi ước mơ, giúp chị toại nguyện khát khao ngày bé. 

Hai năm sau, đúng ngày chị cầm trên tay tấm bằng hoàn thành khóa học Cao đẳng Sư phạm thì anh lặng lẽ rời đi. Anh đi Mỹ. Con gái anh bảo lãnh cho cha sang sống và chữa bệnh. Trước ngày ra đi, anh trả sẵn cho chị sáu tháng tiền thuê nhà, sắm một chiếc xe máy mới để chị tiện mưu sinh.

Chị Trúc đau đớn khi đọc bức thư anh Việt để lại: “Anh sắp hết một đời người, có những sai lầm anh nghĩ mình sẽ không bao giờ phạm phải nhưng chỉ vì quá yêu thương em mà anh đã phạm. Anh chọn ra đi vì sợ làm khổ em. Anh không ôm ấp, dìu dắt em được. Anh già rồi, em còn cả tương lai phía trước. Nếu gặp người nào phù hợp và đủ yêu thương, em hãy đồng ý để người ta che chở”. Anh không hề biết rằng giữa họ, yêu thương đã tượng hình thành ràng buộc. Cái thai trong bụng chị đã gần tám tuần tuổi.

Dẫu đêm tối em vẫn đợi bình minh 

Gần một tháng sau khi đặt chân lên đất Mỹ, vì nhớ thương, anh tìm cách kết nối lại với chị. Khi biết mình đã có con, anh bỗng trở nên mạnh mẽ. Anh tích cực chữa bệnh (anh bị viêm gan giai đoạn đầu) và tìm việc làm. Anh thường xuyên gọi điện về trấn an chị. Với chị Trúc, đứa con trở thành động lực giúp chị tiếp tục cố gắng vươn lên trong công việc và cuộc sống. 

Chị kể: “Thời gian anh Việt ra nước ngoài, nhiều người nói tôi ham Việt kiều có tiền nên cố giữ liên lạc nhưng sự thật đằng sau mấy ai hiểu được. Anh không phải đại gia, tôi cũng không phải chân dài. Chưa kể, chúng tôi xác định, chỉ đến với nhau khi cả hai không còn bị ràng buộc với người cũ về mặt pháp luật.Tôi ở nhà phải bươn chải, sắp xếp lại cuộc sống.

Sau gần 10 năm, bé Thỏ lớn lên cứng cáp, giống cha như đúc. Chị Trúc cũng dần khấm khá hơn từ khi quyết tâm khởi nghiệp kinh doanh.

Đặc biệt, chị ngày càng xinh đẹp. 

Anh Việt thường khuyên chị nên lập gia đình mới. Anh từ lâu đã chấp nhận việc giữa hai người có duyên mà không có phận. Anh nào biết được trong lòng chị, tình yêu dành cho anh vẫn trọn vẹn như ngày đầu.

Nhớ anh, chị viết những dòng chữ mượt như thơ:
“Em vẫn như thuở nào
Vỡ òa xúc cảm mỗi khi nhớ về anh
Yêu lắm nụ cười rất nhẹ,
Bàn tay gầy, vầng trán những nếp nhăn.
Đời anh đâu thiếu những khó khăn,
Tuổi xế chiều tha hương nơi đất khách.
Miếng cơm xứ người
Mặn đắng giọt mồ hôi
Đêm đêm về trong lạnh lẽo.
Nhớ quê hương, tay vàng khói thuốc.
Em vẫn như thuở nào
Yêu anh không điều gì ràng buộc.
Đại dương kia sao có thể ngăn cách tình?
Dẫu đêm tối, em vẫn đợi bình minh…”.

Mái ấm nhỏ của anh Việt - chị Trúc
Mái ấm nhỏ của anh Việt - chị Trúc

 

Cùng sinh ra ở cung đợi mạng chờ 

Một đêm đầu mùa hè năm 2018, chị Trúc nhận cuộc gọi từ bên kia bờ đại dương. Giọng anh Việt trầm trầm: “Anh ly hôn rồi”. Hóa ra suốt 10 năm nay, dù không còn tình yêu, nhưng đợi sau khi hoàn thành lời hứa với bố vợ, khi con cái đã trưởng thành, vợ chồng anh mới nhẹ nhàng chia tay. “Thế bây giờ anh còn yêu em không?”. Lặng vài giây, anh đáp: “Anh sẽ về” rồi cúp máy.

Tháng 8/2018, sau 13 năm đằng đẵng đợi chờ, nhớ mong, đuổi hình bắt bóng, Nguyễn Việt và Thanh Trúc tổ chức đám cưới, trở thành vợ chồng hợp pháp của nhau.

Chị Trúc trải lòng: “Anh hiền lành, luôn nhường nhịn. Dù lớn tuổi nhưng anh có thể làm bất cứ việc gì để giúp vợ; từ quét dọn, cơm nước, giặt đồ. Có việc đi đâu anh đều tay xách nách mang để chị đi tay không. Anh hay nói vì anh đã lớn tuổi, thời gian bên vợ không còn nhiều nên nếu làm được gì anh sẽ làm hết. Đến bây giờ, vợ chồng tôi vẫn nói lời yêu thương nhau mỗi ngày”.

Chị Trúc vẫn thường đùa rằng người ta sinh ra thuộc cung này mạng nọ còn anh chị thuộc cung đợi mạng chờ. Tính từ lúc quen nhau đến giờ cũng đã gần hai thập niên nhưng họ không có được mấy thời gian bên nhau. Ngay sau khi cưới, vì công việc, anh quay về Mỹ, chị và con gái chưa lo được thủ tục đành phải chịu xa cách. “Nhiều lúc nhìn nhau qua điện thoại, nhớ nhau, hai vợ chồng chỉ biết khóc. Cả hai thường mở điện thoại suốt đêm, để người này chợt thức giấc nhìn người kia đang ngủ cho đỡ nhớ. Tháng Mười vừa rồi, gia đình tôi được đoàn tụ. Anh đi làm cả ngày nhưng hễ rảnh là nhắn tin cho vợ ngay. Vợ chồng tôi không có thời gian để giận nhau”, chị Trúc kể.

Một năm mới đang đến. Sáng nay, bầu trời Florida giăng đầy mây trắng, vài giọt sương vẫn còn đọng trên lá. Ngoài phố, người và xe tấp nập. Trời trở rét nhưng chị Trúc thấy ấm áp dâng ngập lòng. Vợ chồng họ tay trong tay, để cùng băng qua mọi nẻo đường đời.

Trên đời này, lý trí có thể đúng với người này, sai với người kia nhưng tình yêu luôn đúng… 

Diệu Thông

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI