Vì đâu nên nỗi?

06/09/2013 - 22:48

PNO - PN - Cưới bà về hai năm mà vẫn không có con, ông buồn tình bỏ xứ đi xa, tạo dựng mái ấm khác. Người vợ mới của ông sớm qua đời trong một cơn bạo bệnh, để lại hai đứa con thơ, Tuấn và Lan.

edf40wrjww2tblPage:Content

Năm Tuấn lên mười, Lan lên chín, ông đưa hai con trở lại quê nhà, sống với cha mẹ ông. Phần bà lâu nay vẫn ở vậy chờ chồng. Một ngày, cái tin bà hiến một phần ba miếng đất trên huyện để địa phương nâng cấp, mở rộng chợ, khiến ông giật mình, suy nghĩ. Ông quyết định quay về sống với bà. Xóm làng mừng cho họ. Thế nhưng, sau gần một năm sum họp, ông bất ngờ… gửi đơn ly hôn, yêu cầu chia một nửa tài sản do mình bà tạo dựng suốt những năm ông biền biệt, nhưng trên danh nghĩa vẫn là tài sản chung trong giai đoạn vợ chồng. Bà nói, mười mấy năm chung thủy đợi chờ, quãng thời gian sum họp dẫu ngắn ngủi bà chưa làm gì phật lòng ông, vẫn yêu thương các con ông như cốt nhục của mình, vậy mà... Tòa bác đơn của ông.

Tiếp diễn cuộc sống vợ chồng, ông luôn toan tính cốt để bà chấp nhận ly hôn; ngược lại, bà nhẫn nhịn, chịu đựng, cố tròn vai làm vợ, làm người mẹ tốt của các con ông. Xóm làng bao phen chứng kiến bà hứng chịu những trận đòn của ông; hoặc bị quát đuổi ra đường sau một ngày ông thua bạc… Tuấn và Lan cũng hùa theo cha bắt nạt, hỗn xược với bà. Không ít lần, cả hai phân nhau một đứa canh chừng, đứa còn lại cạy tủ, cuỗm sạch tiền bạc, vòng vàng bà cất giữ. Đau khổ, song bà vẫn gắng gượng, tìm bình yên trong ý nghĩ đang có một gia đình, được chăm sóc người đàn ông thương yêu và khát khao làm mẹ ít nhiều được khỏa lấp. Cho đến ngày, ông công khai có nhân tình trên huyện, đưa cả về nhà bày chuyện ái ân. Bà quyết định ly hôn, chấm dứt bốn năm đau khổ. Bà chia cho ông mảnh đất nằm kế bên chợ huyện.

Vi dau nen noi?

Thời gian trôi, Tuấn và Lan lần lượt lập gia đình. Ông chia mảnh đất làm đôi cho các con xây nhà, ổn định chỗ ở riêng. Phần ông, như thỏa thuận ban đầu, sẽ sống với Tuấn. Quan hệ giữa ba cha con từ dạo đó bắt đầu gợn lên những mâu thuẫn. Tuấn nghĩ mình là nam, lại phải chăm sóc cha nên đem lòng hằn học, giận hờn chuyện chia đều đất. Rồi ông đổ bệnh nặng, đi đứng khó khăn. Nghĩ đến việc “chia đều”, Tuấn gọi Lan sang bàn tính chuyện luân phiên chăm cha. Để rồi, cứ ở bên con trai dăm hôm, ông lại được con gái sang dìu về phụng dưỡng vài ngày. Một chiều, ngồi ăn cơm, nghe giọng Tuấn quát Lan đã… trễ một ngày sao chưa thấy sang, nước mắt ông chảy dài. Nát lòng, ông chống gậy ra sân. Những bước chân khập khiễng, nặng nề trong nỗi tủi thân và như vô thức, đưa ông vượt gần ba cây số trở về làng, đứng trước căn nhà cũ. Bà đang vo gạo, bất giác ngẩng lên, ngỡ ngàng chạm phải ánh mắt ông rưng rưng. Ông xin được ở luôn bên bà từ đó.

Bà và ông đang ngồi uống trà thì con gái xuất hiện, hớt hải: “Ba về làm chứng cho con. Anh Tuấn cạn tình cạn nghĩa thì con chẳng nương tay!”. Ông theo con gái về huyện. Trước mặt ông, vợ chồng Tuấn xỉ vả vợ chồng Lan là những người không biết lẽ phải, trong khi vợ chồng Lan khẳng định đất cha chia đều, sao anh chị tham lam đổ hàng rào bê-tông lấn sang nửa mét. Chính quyền địa phương mời hai bên lên làm việc, ông cũng được mời theo. Suốt cuộc hòa giải, Lan tuyên bố sẽ khởi kiện nếu Tuấn không dẹp bỏ hàng rào. Trước cuộc tranh giành, những cơn đau thắt lòng khiến ông không nói nên lời. Tuấn hùng hổ dắt xe ra về, Lan nổ máy theo sau, tiếng qua lại chưa dứt nên không ai nhớ chuyện phải đưa cha về.

Ông đón xe ôm về với bà, nước mắt rơi suốt chặng đường. Thấy bà đứng đợi từ cổng, ông không cầm lòng, chợt bật khóc như đứa trẻ: “Tôi có tội với bà nên Trời phạt tôi đây mà, phải không bà ơi?”. Bà im lặng.

 NGÂN DU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI