Ước mong một bữa cơm chung

08/12/2014 - 19:50

PNO - PN - “Hắn ngó vậy mà chảnh, khinh người lắm! Ưng thì hiền khô, không ưng liền nổi quạu, đưa cơm cho ăn là ngoảnh mặt chỗ khác, không thèm nhìn tui”, ông Nguyễn Văn Phương (84 tuổi, ngụ TP. Biên Hòa, Đồng Nai) nở nụ cười hiền,...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Hắn” là anh Nguyễn Thứ Hải - 39 tuổi, hơn hai mươi năm bị xiềng chân trước hiên nhà. Tình cảnh đau lòng này được ông Phương gói trong một chữ: “khổ”. Khổ nếu thả ra sợ con quấy phá, gây phiền lụy xóm làng; khổ do không tiền đưa con đi chữa trị. Năm lên ba tuổi, Hải có nhiều biểu hiện lạ: thích chui vào bụi rậm hoặc đâm đầu vào tường. Người thân tưởng đó chỉ là trò trẻ con tinh nghịch, hiếu động. Nào ngờ, càng lớn Hải càng “lạ”, thích đi lang thang, nhưng khi đi thì quần áo tươm tất, lúc về lại mặc áo quần của người khác; rồi nói những điều không ai hiểu, nhặt được gì cũng ướm, cột lên người… Đưa đi khám, bác sĩ khẳng định Hải mắc bệnh tâm thần. Đến năm Hải mười tuổi, lại thêm tính hung hăng hay đánh người vô cớ nên gia đình quyết định “giam lỏng” anh.

Tự trách mình phần phúc kém nên gây khổ cho con, ông Phương và vợ - bà Phạm Thị Than - 63 tuổi, chỉ biết bù đắp cho anh Hải bằng tình yêu thương. Cả hai thống nhất sẽ phải có một người luôn ở bên cạnh con. Do tuổi cao, nhiều bệnh tật, ông Phương được vợ “phân công” nhiệm vụ này. Ngoài làm bạn với con, ông kiêm luôn vai trò nội trợ, quán xuyến cơm nước gia đình. “Nói là làm bạn chớ hai cha con tui cứ ngồi với nhau câm lặng.

Rồi, lắm khi nổi cơn hay không ưng chuyện gì, hắn lại la hét, đánh đập người bạn già này”, ông Phương kể. Dẫu vậy, sự im lặng cũng có… lý lẽ riêng. Anh Hải nằm ngoài hiên, thường tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng, không thấy dáng cha già lui cui nhóm bếp củi bắc ấm nước gần đó là đập tay lên tường, cằn nhằn: “Đâu? Đâu?”. Ngược lại, thức dậy đã thấy bóng ông Phương quẩn quanh, anh ngoan ngoãn, hiền lành như đứa trẻ. “Mà hắn như đứa trẻ chớ còn gì. Ngàn ngày như một, 10 giờ sáng là đòi cởi xích đưa đi tắm, 3 giờ chiều lại bắt tôi giăng mùng cho ngủ. Làm vừa lòng thì hắn im, không hắn sẽ nổi cơn hung hăng, lầm bầm”, ông Phương lại nở nụ cười hiền.
 

Uoc mong mot bua com chung

Bà Than thay chồng gồng gánh cuộc mưu sinh

Uoc mong mot bua com chung

Vợ chồng ông - bà Than mắc mùng lúc 3 giờ chiều cho anh Hải ngủ

Theo bà Than, từ độ giao cho chồng chuyện chăm sóc con trai, có lẽ quen quấn quýt bên cha mà bệnh tình của anh thuyên giảm; khách lạ đến nhà, anh cũng thôi hoảng sợ hoặc “xù” lên hăm dọa. Nhớ lại những lần ấy, ông Phương cười… méo xệch: “Tui phải ôm hắn, vỗ vỗ trên lưng, bảo “không sao, khách là người quen” hắn mới bình tĩnh. Giờ ai vô nhà, hắn chỉ… nguýt một cái rồi thôi”. Cũng bởi quen hơi cha - hình bóng gần gũi in hằn trong tiềm thức mà mấy năm gần đây, anh Hải có lúc tỉnh táo, bật gọi những tiếng “ba” khiến ông Phương bật khóc. “Đó là một bữa đến giờ cơm của mấy năm trước, hắn gọi: “Ba, cơm”, tui nghe mà nước mắt chảy. Từ đó tui hy vọng nhiều lắm. Nhưng thời gian cứ trôi, tui già đi mà hắn vẫn dại, vẫn chỉ có tiếng “ba” đứt gãy, không hơn!”, người cha rưng rưng nhớ.

…Ông Phương và bà Than có bảy người con, năm trong số họ đã lập gia đình, sống gần đó nhưng đều khó khăn, không giúp đỡ được gì nhiều cho cha mẹ. Ngoài anh Hải, ở với vợ chồng ông bà còn có hai người con là chị Nguyễn Ngọc Thanh và anh Nguyễn Ngọc Sơn cùng với đứa cháu ngoại ba tuổi - con của chị Thanh. Năm chị Thanh lên hai, trải qua một cơn sốt bại liệt, chị trở thành người tật nguyền với một bên tay, một bên chân teo tóp, cử động khó khăn.

Chị kết hôn với người chung cảnh ngộ. Sau khi có với nhau cậu con trai kháu khỉnh, người chồng trở về TP.HCM làm việc cho Hội Người mù TP; chị ở lại bán vé số nuôi con. Gánh nặng áo cơm của những người còn lại dồn hết lên vai bà Than và anh Sơn. Làm công nhân, mỗi tháng anh Sơn gửi cho cha mẹ khoản tiền đủ đong gạo. Còn bà Than, tự nhận mình khỏe hơn chồng nên hàng ngày đi thu mua ve chai, thu nhập khoảng vài mươi ngàn đồng dành mua rau củ, mắm cá. Lắm khi ế ẩm, thương cả nhà không được bữa ngon, bà cố đẩy xe hàng đi xa hơn để rồi giữa nắng trưa đói bụng, thèm ổ bánh mì không dám ăn, bà thường xuyên ngất xỉu.

Giơ những ngón tay già nua, nhăn nheo lên đếm, ông Phương thở dài: “Nhà còn tổng cộng sáu thành viên, nhưng hiếm khi cùng ngồi chung bữa cơm bởi ai nấy lo làm lụng, mưu sinh”. Quay sang anh Hải đang ngủ say, ông tâm sự rằng ở tuổi này, lòng cứ nặng mang một ước mong, ngày nào đó Hải tỉnh táo, có thể chung bữa cơm với gia đình. Ước mơ giản dị mà quá đỗi xa vời.

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI