Tử huyệt mang tên 'con chồng'

04/04/2018 - 10:47

PNO - Ba không đánh chị, quay sang tát mẹ vì tội không quan tâm dạy dỗ chị. Chị hả hê nhìn mẹ ôm khuôn mặt hằn rõ vệt ngón tay.

Ngày dắt tôi về ở với cha dượng, mẹ dặn: “Con phải ngoan, nghe lời ba và chị, đừng để ba và chị phiền lòng”. Mới 6 tuổi, nhưng tôi hiểu rõ trong nhà này tôi và mẹ chỉ là phận ăn nhờ ở đậu. 

Tu huyet mang ten 'con chong'
Ảnh minh họa

Ba dượng mua về năm cái bánh, nói tôi nhỏ, ưu tiên ba cái. Chị vui miệng, ăn luôn phần của tôi. Hôm nào không vui, chị vứt bọc bánh vào thùng rác. Mẹ mua quần áo mới, phần chị luôn là 2 bộ, phần tôi 1 bộ. Bộ đồ của tôi, hôm sau thế nào cũng bị cắt vài lỗ hoặc dính đầy mực.

Ba mới mắng vài câu, chị đã hét lên: “Biết ngay mà, giờ ông đâu còn thương tui”. Ba dượng và mẹ cố tình xử ép con ruột để kéo đứa con kia lại gần, nôn nóng cột chúng tôi lại thành một gia đình. Nhưng kết quả thì ngược lại…

Bà nội một ngày sang mấy lượt, dòm ngó, sợ mẹ ức hiếp đứa cháu bơ vơ. Cô Tám hàng xóm, nghe tiếng rơi vỡ liền ngóng qua hàng rào, xem có phải mẹ đánh đập gì chị không... Bao nhiêu con mắt giám sát  khiến mẹ sợ hãi. Muốn nhờ chị đặt nồi cơm hay lặt rau mẹ cũng không dám.

Mẹ ruột của chị thỉnh thoảng ghé qua, xét nét nhìn tôi rồi nhìn sang chị. Bà xem quần áo, sách vở của chị rồi trách móc: “Cặp của nó cũ xì, cục gôm chỉ còn phân nửa, áo thì đầy vết mực… Cô ăn ở tệ với con chồng không sợ thiên hạ nguyền rủa à?”. Bà hả hê bỏ đi khi thấy mẹ không dám ngẩng lên…

Năm chị học lớp Tám, phải thi lại hai môn. Ba gầm lên, mắng chị không lo học hành. Chị trả treo: “Lần nào đóng tiền học thêm cũng trễ nên mới bị đì. Có người muốn tui chết nữa kìa”. Tay ba vung lên. Chị nghênh mặt thách thức: “Ông đánh đi, dù gì ông cũng không coi tôi là con mà”.

Ba không đánh chị, quay sang tát mẹ vì tội không quan tâm dạy dỗ chị. Chị hả hê nhìn mẹ ôm khuôn mặt hằn rõ vệt ngón tay. Giây phút đó, tôi chết lặng trong lòng, tự nhủ sẽ có một ngày đưa mẹ thoát khỏi tù ngục này.

Tu huyet mang ten 'con chong'
Ảnh minh họa

Mới lớp Mười, chị bỏ học đi phụ bán cà phê. Mẹ xin cho chị học may. Được ba tháng, chị than cả ngày ngồi một chỗ chán chết. Ba chỉ vàng dành dụm của mẹ thành công cốc. Mẹ trầy trật xin cho chị làm công nhân. Được vài tháng, chị lại nghỉ. Chiều lòng chị, ba dốc hết vốn liếng để chị bán trà sữa. Lời lãi thế nào không biết, chỉ biết tháng nào chị cũng về nhà xúc gạo, xin tiền nhập hàng.

Dạo sau này ba thất nghiệp, mọi chi tiêu trông vào quầy tạp hóa và nghề may vá của mẹ. Mẹ không sẵn tiền cũng cố vay mượn để chị vui lòng. Con dốc mang tên “con riêng”, mẹ trèo hoài vẫn không tới đỉnh. Đường thì càng gập ghềnh xa tít. Tôi nói chị lớn rồi, để chị tự bươn chải cho biết cực với người ta. Mẹ thở dài, tắc nghẹn: “Làm vậy, người ta rủa mẹ ở ác”.

Trong mắt chị và nhà nội, mẹ đích thị không công bằng vì tôi học đại học, có công việc tốt. Cũng vì vậy, mẹ luôn thấy mắc nợ chị, bù đắp bao nhiêu cũng không đủ… Ba biết nỗi khổ của mẹ, nhưng ba chọn cách im lặng. Mẹ bơ vơ trong cuộc chiến lấp cái bể mang tên “con chồng”.

Rồi chị cũng lấy chồng. Thăng trầm đời làm vợ làm dâu chị cũng nhận được nhiều bài học đắng. Chị không còn hằn học với mẹ, nhưng yêu thương chắc không thể. Mỗi lần về nhà, chị mở tủ lạnh gom hết thức ăn. Sữa và thuốc bổ tôi mua cho ba mẹ, chị cũng lấy về biếu mẹ chồng để lấy lòng. Hết tiền xài, chị lại hỏi xin. Mẹ thì lúc nào cũng sẵn lòng. Mẹ vắt kiệt sức để đời chị ấm êm, mặc kệ bản thân chịu bao uất ức. 

Tôi muốn tung hê mọi thứ để mẹ được sống nhẹ nhàng. Nhưng động tới chị cứ như chạm vào tử huyệt của mẹ. Mẹ đã tự nguyện trói chặt mình trong mớ định kiến. Tôi xót, mà không còn cách nào… 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI