Trong nhà vắng, mẹ ngồi với thênh thang

26/11/2022 - 17:05

PNO - Trong căn nhà rộng, các con đều ra ngoài với cuộc mưu sinh vất vả, chỉ có mẹ với thênh thang. Nếu không hướng về những đứa con, mẹ biết làm gì?

Gió mùa về. Con gió hanh hao khiến trời se lạnh. Giữa chừng buổi làm việc tôi nhận được cuộc gọi từ mẹ. Rời màn hình máy tính, tôi hơi căng thẳng: “Có việc gì vậy mẹ?”. “Không có việc gì đâu, con ăn sáng chưa?”. “Con ăn rồi!”. “Này, trời chuyển gió, sáng đi làm con có mặc ấm không? Mẹ sợ con với mấy đứa nhỏ lại ho…”. “Trời ơi, sao mẹ cứ lo mấy chuyện đâu đâu vậy? Mẹ lo mặc ấm vào kìa”. “Mẹ ở nhà có đi đâu mà phải lo…”

Tôi buông máy, tâm trạng chùng xuống. Mẹ tôi vẫn hay nhắc nhở những chuyện lặt vặt như vậy. Mà nhiều khi nó nhỏ đến mức mấy anh em tôi phát bực. Chuyện mang theo áo mưa ra ngoài vì trời trở gió, chuyện phải quàng cái khăn vào cổ cho tụi nhỏ lúc sáng sớm. Chuyện món này đứa kia ăn sẽ dị ứng. Chuyện ăn uống sao cho có sức khỏe để làm việc. Mẹ cứ vậy, tỉ mẩn với những lời căn dặn cho đứa con đều đã gần 40 tuổi đời.

Hồi đầu khi mẹ trở tính như thế, tôi khó chịu lắm. Có những lúc công việc bận rộn, nhận một lời nhắc nhở tôi bỗng nổi quạu. Tính tôi vẫn vậy, tôi không thích nói nhiều và ít tình cảm với mẹ. Tâm lý của người con trưởng thành luôn luôn bị coi như một đứa trẻ khiến tôi không hề thoải mái.

Hình minh họa
Hình minh họa

Những chuyện cỏn con, lặt vặt như tôi lo lắng cho hai đứa con tôi ra sao, thì mẹ cũng đang lo cho tôi y như vậy. Và rồi một lần giữa nhịp công việc đang căng, tôi lớn tiếng với mẹ về chuyện ấy. Hôm ấy đột nhiên mẹ khóc…

Tôi lặng người. Sau phút giây đó tôi mới nhận ra: mẹ thực sự đã già. Chỉ có tôi là đứa con vô tâm hàng ngày nhìn thấy mẹ, nghe mẹ nhưng chưa một lần chấp nhận điều đó.

Trong căn nhà rộng, những đứa con đều lao ra ngoài với cuộc mưu sinh vất vả, chỉ có mẹ ngồi đó với thênh thang. Nếu không hướng về những đứa con, mẹ biết làm gì? Những hồi ức bật ra, những kỉ niệm đã cất giữ từ rất lâu trong kí ức chợt tươi nguyên như vừa mới. Và với mẹ, những đứa con mãi mãi vẫn bé bỏng, vẫn mãi cần được chằm bặp lo lắng như thuở nào.

Chị bạn tôi cũng đã từng cằn nhằn về bà mẹ chồng càng ngày càng lẫn. Có nhiều thứ chị nói chị “chịu” được, nhưng có một việc chị dứt khoát không chịu vì nó liên quan tới danh dự. Đó là việc bà cụ hay kêu ca chuyện mất tiền rồi lục đồ của con dâu để tìm lại.

Chị nói chị thấy bị tổn thương. Nửa đời người, đâu có ai đối xử với chị như vậy… Nhà họp lên họp xuống mấy lần cũng không ai làm nhẹ đi tư tưởng cho chị được. Cuối cùng hàng ngày chứng kiến mẹ chồng loay hoay trong mớ kí ức, lẫn với những lo âu hoài nghi, chị tự nhận ra, tự cười mình sao lại cố chấp với một bà cụ 80 tuổi đã lẫn.

Lần đó chị nói với tôi trong nụ cười nhẹ nhõm hẳn: “Tự nhiên chị thấy chị sao sao đó, chị đang tỉnh táo như thế này lại cứ phân bua chuyện sai đúng với người già…”.

Hình minh họa
Hình minh họa

Điều mà anh em nhà chồng nói mãi rốt cuộc chị cũng nhận ra: Với người già làm sao có chuyện hiểu ra được, chỉ có những nhầm lẫn và hồn nhiên như trẻ thơ tăng lên nhiều hơn mà thôi.

Sếp tôi có lần nói: “Ở tuổi này anh sợ nhất về nhà không thấy mẹ ngồi đó chờ mình về”. Lời chia sẻ chân thành và thấm thía. Mẹ anh đã yếu nhiều năm nay. Những câu chuyện cười ra nước mắt về người già anh cũng thành thực chia sẻ. Nhưng ẩn sâu sau đó là tình cảm hiếu kính của người con trai với đấng sinh thành. Anh nói mẹ anh đã quá vất vả để anh trưởng thành, và với anh ngôi nhà luôn ấm áp khi có mẹ. Thật may, vợ anh rất hiểu và trân trọng điều đó.

Những người bên tôi, ai cũng có cha mẹ già để thể hiện lòng hiếu thuận. Ai cũng có lúc căng thẳng mà nói một vài câu khiến cha mẹ mủi lòng. Mẹ tôi cũng phải chịu những vô tâm của con gái mình như thế. Và biết đâu, trong cơn gió bấc đầu mùa, mẹ đang chờ một lời quan tâm ngược lại từ các con?

Đinh Hương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI