Cuối con đường có cha mẹ đứng chờ

10/11/2022 - 10:04

PNO - Muốn về nhà với bố mẹ thì chỉ có cách tìm về cánh cổng xanh đó thôi. Có lẽ đó cũng là cách để tôi không lạc lối, cả với đôi bàn chân và trái tim mình giữa muôn ngàn ngã rẽ của cuộc đời.

Trước cửa nhà tôi có một con đường quốc lộ. Sau nhiều lần sửa chữa, làm mới, đường đã rộng, đẹp hơn trước rất nhiều. Luôn có một chuyến xe khách đi ngang qua nhà vào lúc 6g sáng và 12g30. Cách đây 10 năm, tôi đã làm quen rồi trở nên thân thuộc với chuyến xe đó.

Khi ấy, tôi là cô sinh viên năm nhất, nhút nhát leo lên xe, trả 20.000 đồng cho quãng đường từ Hà Nam đến bến xe Giáp Bát (Hà Nội). Giờ đây, giá vé một lượt đã lên 70.000 đồng, tôi vẫn thấy rẻ. 

Trong 10 năm ấy, tiễn tôi luôn có bố, mẹ và em tôi ra đứng trước cổng nhà. 10 năm với bao nhiêu gạo, rau, cá, thịt… mẹ gói ghém cho tôi; không nhớ được hết nữa. Có lần mẹ đi dạy về muộn, lẽ ra ở trường đến chiều và không nhất thiết phải về nhà, nhưng để kịp tiễn tôi đi, mẹ đã phóng xe từ trường về. Mệt nhọc hết sức, mẹ vẫn mỉm cười và nói không sao cả, chẳng lẽ lại để con đi trong lặng lẽ.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Những lần đi đầu, bố lên xe đi cùng tôi đến tận bến xe Giáp Bát. Tôi đứng ở bến xe đông đúc, tần ngần không nỡ xa rời ông, nhưng bố phải lên xe về nhà ngay. Những lần đi sau, mặc dù đã quen song chưa khi nào tôi vui vẻ bước chân lên chiếc xe khách.

Trong đầu tôi chỉ toàn là những câu thơ hết sức rầu rĩ, kiểu: “Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” hay: “Đùng đùng gió giục mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay”. 

Bố tôi hay cười và bảo: “Rõ hay cái con bé này. Đến phố thị phồn hoa náo nhiệt mà nó cứ như đi đày”. Ừ, không phải đi đày, cũng không phải sang sông lạc bến hay dấn thân vô cõi hồng trần nào cả… Chỉ là, tôi chưa thể nào quen nổi sự chia xa với người thân, thế thôi. 

Có lần trên xe có ông chú say rượu, cứ hát lè nhè làm cả xe gập người lại mà cười. Có lần một bác xách theo cả bầy gà vịt lên xe làm ai cũng lo lắng rủi mà bị dính vi-rút cúm gia cầm H5N1. Vui nhất là những lần tôi lên xe về quê ăn tết. Tay đùm tay xách, tôi mang về quê hộp mứt hạt sen thơm dịu, màu vàng nhạt nằm e ấp; mứt gừng ngọt hơn, nồng nàn; ô mai đủ vị…

Tôi mua quà từ tiền dành dụm. Này là năm đầu tiên đi làm thêm thuở sinh viên, này là năm đầu tiên có công việc chính thức, này là năm đầu tiên được là trưởng nhóm… Cứ thế, sau mỗi cái năm đầu tiên ấy, quà tết mang về lại đủ đầy hơn và chuyến xe ngày tết cũng có cảm giác vui hơn. 

Trên con đường này, cũng có những chuyện buồn. Lần chia tay người yêu đầu tiên, lần bị công ty cắt giảm nhân sự vì khủng hoảng kinh tế, ngày trộm lẻn vào nhà trọ khoắng sạch tài sản… Đó là những sự kiện mà một người lớn bình thường nào cũng phải đối diện. Nhưng may sao, ai cũng khôn lớn và cứng cáp để đến lúc nỗi buồn to cũng hóa thành nhỏ.

Tôi đã đi thêm được nhiều con đường nữa kể từ ngày thân thuộc với con đường ấy. Những đoạn đường sau này, khi nhọc nhằn mệt mỏi, khi vui sướng hân hoan, khi gần lẫn khi xa. Đón tôi là bạn bè, là người thương, kẻ lạ… 

Có những đoạn đường mà tự trong giấc mơ tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bước đến trong đời; vậy mà vẫn đến được. Nhưng tôi không thể nào nguôi quên cánh cổng xanh của ngôi nhà hướng đông trông ra đồng lúa và những người mình thương yêu đứng dàn hàng ngang cùng tụi chó, mèo, âu yếm trông theo cho đến khi cái xe khách dần khuất bóng.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa 

 

Tôi hay tự hỏi, làm thế nào để xứng đáng với những người đợi mình ở cuối con đường đó? Chừng nào tôi mới hiểu hết công lao của bố mẹ, những người đã luôn dõi theo từng chặng đường ngắn ngủi của mình mà không thôi lo lắng.

Cuộc đời dài rộng lắm, tôi muốn đi đâu, làm gì thế nào cũng tìm ra cách. Nhưng muốn về nhà với bố mẹ thì chỉ có cách tìm về cánh cổng xanh đó thôi.

Có lẽ đó cũng là cách để tôi không lạc lối, cả với đôi bàn chân và trái tim mình giữa muôn ngàn ngã rẽ của cuộc đời. 

Uyên Mai

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI