Trở chứng?

17/08/2013 - 09:15

PNO - PN - Cô Sáu xách cái giỏ đựng cơm qua, để xuống cái phịch, rồi vùng vằng lấy từng cái chén ra, để lên bàn, trách: “Con nói hoài, mẹ cứ vầy rồi người ta cũng cười lên đầu tụi con hết chứ ai?”. Bà nội ngồi bó gối trên...

Chuyện chẳng có gì mà trong nhà ngoài ngõ cứ xì xào. Người không biết chuyện thì trách con trách cháu, người biết thì trách nội… trở chứng, phiền hà cháu con. Nhà cô Sáu cách nhà nội một cánh đồng, ngày nào cô Sáu cũng qua thăm. Gần đây, cứ đến trưa mà không thấy cô qua, nội lại chống gậy ra trước ngõ, đợi có người đi về hướng nhà cô Sáu, nội liền với theo, “nhắn con Sáu qua chơi”. Bữa đầu tiên nghe hàng xóm nhắn tin, cô Sáu bỏ luôn bữa trưa đang nấu dở, tức tốc chạy qua, rồi thở phào khi thấy nội vẫn khỏe mạnh ngồi trên giường. Bà nội thấy con gái qua, mừng: “Mẹ nhắn mày qua chơi cho vui thôi mà!”.

Vài lần rồi quen, cô Sáu không còn phát hoảng lên khi nghe nội nhắn qua chơi nữa. Nhưng, ngày nào cũng có một người hàng xóm ghé nhà để… nhắc qua thăm mẹ, cô thấy mình tự dưng biến thành đứa con bất hiếu. Mấy chú, bác tôi nghe chuyện đều không vừa lòng. Chú Út nói: “Mẹ làm vậy người ta lại tưởng tụi con bỏ rơi mẹ”. Mỗi lần như vậy, thím tôi lại chậc lưỡi: “Bà nội con già rồi, lại ra… con nít!”. Cụ già hàng xóm biết chuyện, nhắc khéo: “Làm gì mà bà kêu nó qua hoài, để nó còn lo chồng lo con nữa chớ”. Ai nói gì nội cũng làm thinh, lặng lẽ ngoáy trầu. Nhưng từ đó, nội thôi không chống gậy ra đầu ngõ nữa.

Tro chung?

Nội ở một mình, căn nhà nằm sâu trong một vườn trái cây mùa nào cũng sai quả. Có đợt, trong xóm dấy lên nạn ăn trộm, bác Hai bèn rào cái cổng trước nhà nội lại, trổ một lối đi nhỏ ở bên hông nhà để nội tiện quan sát người ra vào. Buổi chiều bác rào cổng, nội cứ đi ra đi vào, trông chừng. Thấy bác Hai rào xong, nội lắc đầu, thở dài ngao ngán. Hỏi ra, nội mếu máo: “Nhà có cái cổng, bây rào mất, mỗi lần vô nhà phải đi vòng đi vèo, ai còn vô thăm mẹ?”. Bác Hai dở khóc dở cười, đành cất công mở cái cổng ra lại cho nội vui lòng. Cái cổng mở lại như cũ, nội háo hức chưa xong, lại quay qua chậc lưỡi: “Bà Hoa sướng con hen, nhà cửa lúc nào cũng có con cháu quây quần, vầy có ăn muối cũng mát cái ruột”.

Nội “ham vui” vậy, mà vừa rồi nhà bác Hai có giỗ, cúng kính, ăn uống xong, mọi người xúm lại chuyện trò, lại chẳng thấy nội đâu. Trở qua căn nhà nhỏ xíu, tôi thấy nội đang ngoáy trầu. Hỏi chuyện, nội cười bẽn lẽn: “Ở bên đó đông vui thiệt, nhưng vui quá rồi quen, nội sợ đến chiều người ta về hết lại buồn hiu, buồn hơn ngày thường nữa”. Tôi lặng lẽ nhìn ra mọi điều. Lâu nay ai cũng nói nội ham vui. Ham vui nên cứ muốn con cháu đến chuyện trò, ham vui nên mới đòi cửa ngõ đàng hoàng để khách khứa đến thăm chơi. Nhưng đâu ai biết, nội sợ buồn còn hơn cả ham vui, sợ đến mức từ chối niềm vui để… đỡ buồn.

 MINH TRÂM

Từ khóa Trở chứng
 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh