Trang sức của phụ nữ

20/04/2016 - 00:00

PNO - “Đứng trước tan vỡ hôn nhân, tôi bị mất phương hướng. Tôi ngại suy nghĩ, ngại yêu, thậm chí là ngại sống và không muốn tiếp xúc với đám đông."

Chị Nguyễn Thúy Phương, Trưởng phòng Hỗ trợ của Ngân hàng Bảo Việt, luôn lan tỏa sang người đối diện sự tươi vui, năng động, sức sống đầy tràn. “Chức vụ” bà ngoại, hoàn toàn không tương thích với phong cách trẻ, khỏe, đẹp của chị.

Khi vui, Phương nhìn lại quá khứ khốn khổ bằng đôi mắt hài hước, bao dung: “Thời đi lấy chồng, mặt mũi mình cũng xinh tươi, cũng đảm đang, sinh con, chăm con. Chồng đi công tác nước ngoài về, con đã được bốn tuổi. Nhưng không gì khổ bằng sống với đàn ông mê của lạ”.

Sau nhiều năm chịu đựng, chị quyết tâm “bẻ ghi” để giải phóng cho nhau. 15 năm chồng vợ, kết thúc tình nghĩa tại tòa án, nhưng nỗi đau lại bắt đầu sang một hình thái khác: hụt hẫng, chênh vênh. Nhiều người muốn giới thiệu cho chị một tấm chồng, chị cười buồn mà giọng vẫn hài hước: “Tưởng gì chứ lấy chồng thì em biết rồi”.

Chị kể: “Đứng trước tan vỡ hôn nhân, tôi bị mất phương hướng. Tôi ngại suy nghĩ, ngại yêu, thậm chí là ngại sống và không muốn tiếp xúc với đám đông. Các bạn cùng cảnh ngộ như tôi thì lao vào yêu tiếp, một trong số họ đã xây dựng “tập hai” và cũng có nhiều trong số đó không hạnh phúc. Tôi không chọn cách đó, cách duy nhất tôi nghĩ ra để “biến đau thương thành hành động” là tìm đến tennis để quên sự cô đơn.

Trang suc cua phu nu
Chị Nguyễn Thúy Phương trong một chuyến đi phượt

Niềm an ủi của tôi lúc bấy giờ là con gái bé nhỏ và sân bóng sau giờ làm việc. Con tôi lớn lên và trưởng thành, cũng là lúc đường banh của tôi sắc nét hơn, mạnh mẽ hơn. Sau những trận thi đấu có thứ hạng, tôi phấn chấn và lấy lại sự bình ổn trong lòng lúc nào không hay. Tâm trạng đó khiến tôi thành công cả khi đấu trên sân lạ, đấu với người lạ và ngay cả khi không có sự động viên, cổ vũ của khán giả. Khi trở về với công việc, gia đình, tôi vẫn duy trì được tâm trạng đó".

Tennis đã làm Phương vui trở lại, biết yêu mình hơn. "Môn thể thao này đã tạo cho tôi tính kiên nhẫn, bền bỉ, tư duy phán đoán, phản xạ nhanh, phân tích và quyết định vấn đề chính xác, không chỉ trên sân bóng, mà đặc biệt là biết cách hoàn thiện trong công việc ở mức độ cao. Tôi vừa đi làm nhà nước vừa đi làm thêm để kiếm tiền nuôi con, vừa chăm con, vừa sắp xếp thời gian để rèn luyện tennis. Tôi như một con thoi giữa cuộc đời, chẳng có thời gian để suy nghĩ lãng phí mà chỉ vừa đủ thời gian để làm việc, nhờ đó mà tôi vượt qua được nỗi đau của mình".

Thời gian hỗ trợ người đàn bà mạnh mẽ ấy, nhưng cũng thật là khắc nghiệt, sau gần 20 năm chơi tennis hăng say, các khớp gối của Phương bị mòn và thêm chứng “bệnh văn phòng”: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ. Những cơn đau đầu gối và vai gáy triền miên khiến chị không thể đi lại nhiều và chơi thể thao tiếp.

"Con gái lập gia đình, một lần nữa tôi rơi vào cảnh cô đơn. Là người ít chia sẻ cảm xúc với ai nên tôi tự tìm thầy tìm thuốc, chữa chạy khắp nơi. Trong một lần cấp cứu ở bệnh viện, sau khi ngủ dậy hai tay bị liệt, không giơ lên được, bác sĩ tuyên bố tôi phải mổ đốt sống cổ vì bị thoát vị nặng, chèn vào rễ thần kinh…

Nằm viện điều trị một thời gian, tôi dần hồi phục chức năng hai tay nhưng cổ vẫn không quay được. Trong lúc “chán chả buồn chết” tôi lên mạng xem còn cách nào chữa bệnh không. Vô tình tôi đọc được câu: “Bơi lội cũng là một cách chữa tim mạch và khớp”. Tôi không tin lắm vì chả biết tí gì và cũng chẳng thích gì môn bơi, nhưng trong lúc tuyệt vọng, đó là một cái phao. Tôi lập tức lên kế hoạch, sắp xếp thời gian, tìm hồ sạch và tìm thầy dạy bơi. Ba tháng sau, cơn đau thưa dần. Mọi người có chuyên môn bơi lội khuyên tôi không nên tập bơi bướm vì tôi lớn tuổi, lại bị bệnh đốt sống cổ, nhưng tôi không chịu đầu hàng, mà học cho bằng được môn bơi khó này".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI