Tình thân bên ngoài cánh cửa

27/11/2017 - 15:25

PNO - Nếu tình cảm ruột thịt nằm phía sau cánh cửa một ngôi nhà, thì tình yêu bên ngoài cánh cửa chính là tình người.

Vài ngày trước, các diễn đàn của giới trẻ đồng loạt đưa tin bác chủ nhà tốt bụng ở Hà Nội đã qua đời sau cơn đột quỵ. Sự ra đi của bà khiến các sinh viên đang ở trọ nhà bà lẫn những người biết chuyện đều đau lòng.

Nhìn các bạn sinh viên ngơ ngác trước sự mất mát của một “người dưng tốt bụng”, tôi cứ nghĩ mãi về những yêu thương bên ngoài cánh cửa mà ai cũng từng chạm đến không chỉ một lần.

Tinh than ben ngoai canh cua
 

Nếu tình cảm ruột thịt nằm phía sau cánh cửa một ngôi nhà, thì tình yêu bên ngoài cánh cửa chính là tình người - một cảm xúc được vun đắp từ những người dưng xa lạ, đến với nhau vì một mối nhân duyên tình cờ nào đó.

Ngẫm từ tình cảm người dưng

Khi bước chân ra khỏi ngôi nhà của mình, ai trong chúng ta cũng sẽ có ít nhất một mối nhân duyên tình cờ, tạo nên những quan hệ cần thiết bên ngoài xã hội. Điều này không lạ. Chỉ lạ là đôi khi, dẫu nghe hơi khó chấp nhận một chút, tình yêu bên ngoài cánh cửa còn quan trọng và cần thiết hơn cả tình ruột thịt, có thể giúp ta vượt qua khó khăn trong khi người thân lại không thể.

Nhiều cô bạn gái của tôi thừa nhận, trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, khi cần tiếp sức cả về tinh thần lẫn vật chất, người họ nghĩ đến đầu tiên thường không phải là cha mẹ, anh chị hay cô dì chú bác, mà là một người bạn thân, một tri kỷ hay một ai đó đủ tin cậy để họ trải lòng, mong tìm một hướng giải quyết thỏa đáng.

Tôi nhớ mình đã từng rất buồn khi tình cờ đọc được đoạn chat của con gái với cô bạn thân của con trên Facebook. Bao nhiêu vấn đề con đang đối mặt mà tôi không hề biết - từ việc con bị bạn bè trong lớp cô lập đến chuyện bị thầy cô phân biệt đối xử. Những thắc mắc về giới tính con cũng quyết định tự tìm hiểu thay vì trao đổi với mẹ.

Khi bình tĩnh nhìn nhận mọi việc, tôi không trách con thiếu niềm tin ở mẹ, cũng không trách mình quan tâm con chưa đủ. Ngay cả tôi, với những chuyện mang tính cá nhân, tôi cũng chỉ muốn tâm sự với một ai đó hiểu mình thay vì thủ thỉ với mẹ ruột. Dù người mẹ luôn dang tay đón nhận, không phải đứa con nào cũng sẵn sàng bước qua cửa lòng để ngỏ.

Tinh than ben ngoai canh cua
 

Chuyện các sinh viên và bác chủ nhà tốt bụng cũng thế. Không chút ruột rà máu mủ, nhưng sinh thời, bác đã yêu thương và chăm sóc khách trọ như cháu con trong nhà. Những yêu thương bên ngoài cánh cửa đến từ lòng biết ơn dễ khiến người ta cảm kích hơn tình ruột thịt. Và bởi nó hiếm hoi, không ràng buộc, lại ít đòi hỏi, nên khi có được nó, người ta tự cảm thấy phải trân trọng, nâng niu, giữ gìn. Âu cũng là lẽ thường tình.

Nhìn nhận đúng về yêu thương ruột thịt 

Nhớ ngày con gái còn học mẫu giáo, tôi đã tặng con một hạt giống và dạy con cách gieo mầm. Khi chồi non vừa nhú, con bé hớn hở hỏi mẹ làm cách nào để cây mau lớn. “Cây lớn nhanh nhờ được tưới nước thường xuyên” - tôi trả lời qua loa mà không giải thích gì thêm.

Sau một tuần, con mang chậu cây héo rũ đến trước mặt tôi, mắt đẫm lệ: “Ngày nào con cũng tưới cả chục lần cho cây mau lớn, nhưng nó cứ chết dần mẹ ạ”. Nhìn bộ rễ cây ngập úng trong đất bùn nhão nhoét, tôi hiểu hậu quả tồi tệ này nào phải do con. Con đã yêu thương chồi non bằng một tình yêu rất lớn, nhưng chồi non không thể đón nhận, chỉ vì tình yêu được thể hiện không đúng cách.

Tôi nhận ra tình yêu của những người ruột thịt cũng gần giống như thế. Đó là một tình yêu không điều kiện, không đòi hỏi, lại có thêm ràng buộc huyết thống nên sẽ xuất hiện những vun đắp dư thừa, những xót xa mù quáng, những sự cho đi vô tội vạ mà không cần biết người nhận có thực sự cần nó, hay kết quả mà nó mang lại có giá trị hay không.

Yêu thương không có lỗi, nhưng yêu thương thừa mứa và sai cách thì có. Một người đủ tự trọng sẽ vẫn công nhận yêu thương bên trong cánh cửa, nhưng chỉ tiếp nhận yêu thương bên ngoài cánh cửa, bởi ở đó họ phải trải qua rất nhiều khó khăn, va vấp và thất bại mới tìm được một người sẵn lòng chìa tay về phía mình.

Một thành quả mang lại từ gian nan đương nhiên ngọt ngào và đáng trân trọng hơn những gì có sẵn và thừa mứa. Nghĩ vậy để bớt tủi thân, để mà nhẹ lòng khi mình không được chọn như một ưu tiên từ người thân. 

Lý giải việc không tìm kiếm sự trợ giúp từ người thân, bạn bè tôi cho rằng, không phải do tình yêu dành cho người thân không đủ lớn, cũng không phải vì người nhà không đáng tin cậy, mà vì họ không muốn người thân bị tổn thương hay phải nhọc lòng lo lắng, nhất là không phải lúc nào người trong gia đình cũng có điều kiện (tài chính, tri thức, kinh nghiệm…) giúp họ vượt qua gian nan.

Một tình yêu mù quáng, thừa mứa từ người thân không giúp người ta lớn lên hay tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua giông tố, mà lắm khi có thể giết chết một ý chí tiến thủ, hay tệ hơn, khiến một tâm hồn trở nên tàn phế trong tư tưởng ỷ lại và dựa dẫm suốt đời.

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI