Tính dục - xu hướng tính dục, tình dục: Sai một ly, đi một dặm

30/11/2020 - 09:17

PNO - Tại Việt Nam, không khó bắt gặp những thông tin sai lệch về cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới và các nhóm thiểu số khác (LGBT+). Thay vì lên tiếng ủng hộ và bảo vệ cộng đồng trước bất công, thì nhiều bài báo vẫn vô tư viết và coi LGBT+ là “bệnh”, “bị lây”, “bắt chước”...

Những nhầm lẫn độc hại

Trong bài viết gây bão mạng mới đây về chủ đề “đồng tính có bị lây không?”, tác giả sử dụng cụm từ “đồng tính dự bị” để chỉ những người “bình thường về thể chất lẫn tâm hồn nhưng luôn cưỡng lại giới tính hiện tại, cho rằng mình thuộc giới tính khác và tìm mọi cách đi chuyển giới, và trường hợp này có khả năng trở thành đồng tính thật rất cao”.

Sự nhập nhằng về khái niệm khiến người đọc cảm thấy “rối não”, vì sự nhầm lẫn trong nhận thức của người viết. Nhầm lẫn này không lạ, chỉ lạ là nó xuất hiện trên một kênh truyền thông chính thống. Thực tế thì ngược lại, người có xu hướng tính dục đồng tính khác với người chuyển giới. Người có xu hướng tính dục đồng tính không hề mong muốn thay đổi ngoại hình hay phẫu thuật chuyển giới. Họ hài lòng với cơ thể hiện tại, và mong muốn gắn bó, hấp dẫn bởi người cùng giới tính.

Bài viết được nhắc đến trên đây còn phạm phải một sai lầm trong kiến thức khi cho rằng “nếu bạn đang hoang mang không biết cập bến giới tính nào thì đừng vội chốt sớm mà hãy cố gắng chỉnh, làm tất cả để đưa giới tính về đúng hướng”. Trong khi đó, tổ chức Y tế thế giới năm 1990 chính thức không còn xem đồng tính là bệnh, và tất cả phương pháp chữa trị hay ép buộc thay đổi xu hướng tính dục một ai đó đều không đạt hiệu quả và phản khoa học.

Người đồng tính, song tính, chuyển giới không phải là người bệnh, không cần phải chữa trị. Họ không dị biệt, hay đáng thương hại, chính suy nghĩ sai lệch của xã hội mới khiến họ bị cô lập, kỳ thị trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc của chính mình.

Những thông tin sai trái và phản khoa học về cộng đồng LGBT+ khá nguy hại. Người LGBT+ vốn đã chịu nhiều định kiến. Vì những nhầm lẫn trong dân gian, cộng đồng LGBT+ đã phải chịu vô số hành xử sai trái của gia đình và xã hội, khiến việc được sống thật trở nên rất khó khăn. Một trong những từ ngữ độc hại như vậy là từ “chuyển hệ”, những người nhầm lẫn dùng từ này để nói về việc ai đó nhận ra xu hướng tính dục của mình.

Chính vì không hiểu tính bản chất của giới tính ở mỗi cá nhân, người ta dễ đẩy người có giới tính thiểu số vào cảnh ngộ phải chạy chữa, chối bỏ giới tính của mình. Nhiều người bị đưa đi chữa trị bằng thầy bà, bằng phương thức tâm linh, bằng thuốc tâm thần, hay bằng một cuộc hôn nhân, một vụ cưỡng hiếp có sắp đặt… chỉ với một mục đích duy nhất đó là làm họ hết đồng tính. Xin đừng cố gieo một mầm hy vọng “chữa trị” nào vào người thân của cộng đồng LGBT+, bởi kết quả đổi lại chỉ là máu và nước mắt.

Hãy dừng nhầm lẫn

Một khi đề cập đến tính dục, là nói về toàn bộ con người từ khi còn là bào thai cho đến khi ra đời, trưởng thành và mất đi. Hay đúng hơn, tính dục là cả một hành trình phát triển thể chất, tâm lý, nhân cách, hành vi và sinh dục của mỗi người trong cả vòng đời. Nó bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng về giới tính sinh học, và cả giới tính xã hội. Là cách chúng ta nhận thức về cơ thể; là vai trò và thể hiện giới trong xã hội; là cảm xúc, suy nghĩ, nhu cầu gần gũi về tình cảm với một ai đó; là cảm giác bị hấp dẫn tình dục với người cùng giới, hay khác giới…

Tính dục thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời, cũng giống như câu chuyện tình yêu của chúng ta ở tuổi đôi mươi sẽ khác với tình yêu khi chúng ta 30 hay 40. Bởi con người được học rất nhiều trong suốt quá trình trưởng thành, chúng ta thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh và phù hợp hơn với sự phát triển văn hóa, xã hội.

Còn xu hướng hay thiên hướng tính dục của mỗi người là cố định và không thay đổi, bao gồm xu hướng tình cảm và xu hướng tình dục. Thiên hướng này được lập trình từ trong bào thai và khẳng định khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì, qua những rung động và trải nghiệm tình dục của bản thân. Vậy nên, có người biết rất rõ mình thích ai, mong muốn gắn bó và bị hấp dẫn bởi ai từ rất sớm, nhưng có người cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về bản thân cả về tình cảm lẫn tình dục.

Điều đó hoàn toàn tự nhiên, xu hướng tính dục cần thời gian để khẳng định, tình dục và tình yêu không phải lúc nào cũng song hành. Có khi ta yêu một người, nhưng lại bị hấp dẫn tình dục với một người thuộc giới tính khác. Những lúc như vậy, bạn có thể tìm hiểu thêm về nhu cầu gắn bó, cảm xúc của bản thân để định hình cho mình một bản dạng tính dục mà không phải chịu sự tác động từ định kiến hay lăng kính bên ngoài. Bởi chỉ có bạn mới biết bạn là ai, bị hấp dẫn bởi ai, mong muốn điều gì trong cõi đời mênh mông này.

Từ hai định nghĩa trên, chúng ta sẽ thấy khái niệm về tình dục cũng sẽ được hiểu theo nghĩa rộng hơn là hành vi “giao hợp”. Tình dục - bên cạnh những hành vi tạo ra khoái cảm - còn là cách một người tìm kiếm sự hài hòa tinh thần giữa mình với người còn lại.

Việc không tìm thấy tình yêu khác giới và rung động chỉ với người đồng giới đã được quy định từ trong.... bào thai (Ảnh minh họa: freepik)
Việc không tìm thấy tình yêu khác giới và rung động chỉ với người đồng giới được quy định từ trong.... bào thai (Ảnh minh họa: freepik)

Hành vi tình dục không thể bắt chước hay lây, vì nó phụ thuộc vào mong muốn, nhận thức của mỗi cá nhân. Chỉ duy nhất một hành vi tình dục cùng giới sẽ không thể gán ghép cho người nào đó là thuộc xu hướng tính dục đồng tính, bởi có thể đó chỉ là những trải nghiệm tìm kiếm khoái cảm của bản thân một cách riêng biệt. Để trở thành một thiên hướng, chúng ta cần phải xét xem tình cảm và sự hấp dẫn tình dục đó có lâu dài, cố định hay không.

Khi tìm hiểu về các nhóm thiểu số tính dục, người ta sẽ ngỡ ngàng vì sự đa dạng về xu hướng tính dục của con người. Hóa ra không chỉ có người thích người cùng giới, khác giới hay cả hai, mà còn tồn tại cả những người không thấy hấp dẫn tình dục với bất kỳ ai (xu hướng tính dục vô tính).

Chính sự định chuẩn hóa về tình dục và chuẩn hóa tình yêu nam, nữ mà một bộ phận không nhỏ trong xã hội đã không thừa nhận, thậm chí cố tình lề hóa người LGBT+ ra khỏi hệ thống pháp luật, xã hội.

Quan hệ tình dục ngoài duy trì nòi giống, còn là tạo ra sự kết nối và thỏa mãn khoái cảm của bản thân. Vì vậy, không nên trói buộc cảm xúc một ai đó vào những định khuôn hạn hẹp, hay ép buộc chúng ta phải chạy theo số đông, mà quên rằng cảm xúc và trải nghiệm của bản thân là một, là duy nhất. 

Chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI