“Thủ” tài sản cho con

09/05/2023 - 11:15

PNO - Chồng chị có máu đỏ đen, lâm nợ triền miên. Nhưng khi ly hôn, chị H. không bị vướng trong đống nợ của chồng và vẫn giữ được căn nhà cho con.

Rất nhiều phụ nữ, sau khi thoát khỏi cuộc hôn nhân với người chồng cờ bạc, thường phải ra đi tay trắng và mang theo một đống nợ. Thế nhưng, với chị N.T.H. - người phụ nữ tôi đã gặp tại Tòa án nhân dân quận 4 gần đây - là trường hợp đặc biệt. Chồng chị có máu đỏ đen, lâm nợ triền miên. Nhưng khi ly hôn, chị H. không bị vướng trong đống nợ của chồng và vẫn giữ được căn nhà cho con. 

Chồng chị H. vốn là một quân nhân, hiền lành và có trách nhiệm với vợ con. Cách đây gần 10 năm, anh Lê H.T. - chồng chị - vỡ nợ hơn 600 triệu đồng với lý do “vay của người này cho người khác vay lại, nhưng bị giật nên mất trắng”.

Là công chức nhà nước, số tiền này là cả tài sản của vợ chồng chị H., chị sốc và buồn đến mức đổ bệnh. Khi chủ nợ vây quanh, chị không còn cách nào, chị đành gom hết tiền tích lũy của vợ chồng và vay mượn thêm bạn bè để trả nợ cho chồng. 

Ảnh mang tính minh họa - YuliiaKa
Ảnh mang tính minh họa - YuliiaKa

Dù rất đau lòng và xót tiền, chị H. nghĩ đó là “năm xui tháng hạn” của chồng nên bỏ qua và vợ chồng quyết tâm làm lại từ đầu. Những ngày nghỉ, chị H. hay dẫn con lên doanh trại để thăm chồng và động viên anh đừng buồn. Từ những lần thăm đó, chị H. cảm nhận được có gì đó mờ ám về số nợ của chồng. Chị H. gọi điện cho vài đồng đội thân thiết với chồng, vẫn là thông tin “anh bị giật nợ”.

Nhưng 7 tháng sau, chị H. được một trong những chủ nợ cũ tìm đến đòi với biên nhận chồng chị vay 150 triệu đồng, hứa 2 tháng trả, nhưng đòi hoài không trả. Đợi chồng về phép, chị H. dò hỏi “chồng còn mắc nợ ai nữa không?”. Anh T. khẳng định “không”. Từ sự không thành thật của chồng, lại thêm biểu hiện lo lắng, cáu gắt bất thường của anh, chị nghi ngờ lý do “bị giật nợ” của chồng. 

Lần đầu tiên sau 4 năm yêu nhau và 7 năm kết hôn, chị H. lục điện thoại của chồng, phát hiện nhiều tin nhắn đòi nợ của nhiều chủ nợ khác nhau, cùng những tin nhắn chồng chơi đề và cá độ đá banh. Chị lại gặng hỏi chồng: “Anh có thiếu nợ hay chơi cờ bạc không?”.

Anh T. chối, còn nạt: “Em khùng hả, anh làm gì dính vô mấy thứ đó”. Chị H. đưa chứng cớ là những tin nhắn, chồng chối “anh với mấy đứa bạn nhắn giỡn nhau”. Chị H. tiếp tục đưa ra giấy nợ với chữ viết của chồng và ghi âm chủ nợ đến nhà đòi. Lúc này, anh T. mới hết cãi và thú nhận còn nợ 500 triệu đồng. Anh xin lỗi vợ và năn nỉ: “Em giúp anh đi, lần này anh sẽ nghỉ cờ bạc thiệt luôn”. 

Chị H. lại sốc, nhưng sau 1 đêm suy nghĩ, chị đưa ra phương án: “Anh nợ lần trước và lần này trị giá đã hơn căn nhà của mình. Phần tài sản của anh và em đã hết, chỉ còn mảnh đất ở quê ông ngoại cho em. Em sẽ bán mảnh đất đó trả nợ cho anh. Nhưng anh sẽ sang tên căn nhà này cho 2 con, là tài sản của 2 con”. Anh T. đồng ý. Ngay sau đó, vợ chồng chị H. làm thủ tục sang tên nhà. Chị H. hy vọng một khi đã hết tài sản, chồng chị sẽ thay đổi. 

Nhưng rồi hơn 1 năm sau, anh T. lại “bể” ra mấy trăm triệu đồng tiền nợ. Anh T. phải ra quân, lãnh được một số tiền, anh trả hết nợ và còn một ít làm vốn, tính mở hàng ăn. Chị H. ủng hộ chồng khởi nghiệp lại ở tuổi U50. Vậy mà, mua bán chưa được 2 tháng, anh T. bỏ ngang vì “cực và không lời bao nhiêu”. Anh lại chuyển qua bán cà phê cóc. Làm được non 1 tháng, anh lại nghỉ và nuôi mộng “kiếm cái gì làm giàu nhanh, không lượm bạc cắc nữa”.

Trong lúc chồng nằm nhà chờ thời, chị H. phát hiện anh lại cờ bạc và số vốn 200 triệu đồng đã thua sạch. Dù đã quá quen với việc bị đòi nợ của chồng, chị H. vẫn bất ngờ và đau khổ như lần đầu. Chị cảm thấy rất uất ức khi mấy năm nay làm lụng vất vả chỉ để trả nợ cho chồng; chị và các con luôn phải tiện tặn. Mỗi sáng, chị toàn ăn cơm nguội đi làm; các con cũng không có được bữa ăn hàng quán vào dịp sinh nhật hay được đi chơi, du lịch như bạn bè trang lứa.

Trong khi đó, chồng chị trung bình 9 tháng - 1 năm lại làm ra một đống nợ. Chị đã từng nộp đơn ly hôn, nhưng chồng xin lỗi, năn nỉ và hứa “đoạn tuyệt cá độ, đề đóm” nên chị lại rút đơn. Lần này, chị nhận ra: chồng vẫn còn ỷ vào “hậu phương trả nợ” và căn nhà, dù anh không còn đứng tên chủ quyền, chủ nợ vẫn cho anh vay, nên anh vẫn lún vào cờ bạc. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cuối năm 2022, chị H. quyết định ly hôn. Ngày ra tòa, anh T. vẫn mang số nợ hơn 500 triệu đồng. Nhưng cuộc ly hôn của anh chị rất nhẹ nhàng, không có bất kỳ xung đột nào về quyền nuôi con, nợ; bởi đó là nợ riêng của anh T. và anh cũng giao 2 con cho vợ nuôi, vì anh biết bản thân anh còn không thể tự lo cho mình.

Đến lúc này, ba mẹ chồng và các anh chị chồng mới hết giận chị H. và cảm ơn chị đã giữ được căn nhà, 2 đứa trẻ không bị ra đường khi ba chúng nợ triền miên. Chị H. kể: “Ngày trước, khi tôi yêu cầu chồng sang tên nhà, bên chồng giận tôi lắm, nói tôi tính toán, thủ đoạn. Ngay cả người thân của tôi cũng nói tôi quá lạnh lùng.

Nhưng tôi biết, nếu tôi không có cách giữ căn nhà cho con thì trước sau chồng tôi cũng sẽ bán nhà trả nợ hoặc bị chủ nợ xiết nhà; bởi với một người cờ bạc, một khi không thay đổi được thì họ sẽ bán đến không còn thứ gì và khi đó các con tôi biết sống ở đâu. Còn nếu chồng thay đổi, quá tốt, đó vẫn là tổ ấm của gia đình tôi.

Khi sống với một người cờ bạc, chúng ta phải biết “thủ” để giữ tài sản cho con”. 

Giang Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI