Thống đốc Osaka hứng chỉ trích vì nói dung dịch súc miệng có thể ngăn COVID-19

07/08/2020 - 12:30

PNO - Thống đốc Osaka của Nhật Bản, ông Hirofumi Yoshimura đã hứng nhiều chỉ trích khi cho rằng các loại thuốc súc họng không kê đơn phổ biến chứa chất khử trùng có tác dụng ngăn chặn sự lây lan virus gây dịch COVID-19.

Theo hãng thông tấn Kyodo News, phát biểu của ông Yoshimura khiến các sản phẩm nói trên biến mất khỏi các kệ hàng.

Một số chuyên gia y tế chỉ trích khuyến nghị của ông Yoshimura về một dung dịch súc miệng chứa povidone-iodine là “không khoa học”, cho rằng có rất ít dữ liệu bổ trợ cho khuyến nghị này.

Tỉnh trưởng Osaka của Nhật Bản, ông Hirofumi Yoshimura. Ảnh: Kyodo
Thống đốc Osaka của Nhật Bản, ông Hirofumi Yoshimura - Ảnh: Kyodo

Trước đó vào ngày 4/8, ông Yoshimura nói rằng súc miệng với dung dịch trên giảm số lượng người xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng nước bọt, viện dẫn một cuộc nghiên cứu do một bệnh viện trong tỉnh Osaka thực hiện với 41 bệnh nhân có những triệu chứng nhẹ.

Tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở những bệnh nhân súc miệng bằng dung dịch chứa povidone-iodine 4 lần một ngày giảm từ 56% trong ngày đầu tiên xuống còn 9,5% vào ngày thứ tư, so với các tỷ lệ tương ứng 68,8% và 40% ở những bệnh nhân không súc miệng, theo kết quả nghiên cứu.

Hôm 5/8, ông Yoshimura cho biết dung dịch này sẽ “không ngăn ngừa hoặc chữa khỏi” bệnh COVID-19, nhưng nói rằng nó có thể giúp hạn chế sự lây lan của nhiễm trùng giọt bắn bằng cách giảm số lượng virus trong nước bọt.

Thống đốc Osaka đặc biệt khuyến cáo những người có các triệu chứng giống cảm lạnh và gia đình của họ, cũng như những người làm việc trong các cơ sở có nguy cơ cao như quán bar, nhà hàng và các cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe sử dụng dung dịch này.

Ông Akifumi Matsuyama thuộc Trung tâm Y tế Osaka Habikino - người chủ trì cuộc nghiên cứu - cho biết cuộc nghiên cứu đã không chứng minh được chất khử trùng có thể ngăn ngừa các triệu chứng xấu đi thêm hoặc ngăn chặn sự lây truyền virus giữa người với người, và nó không có tác dụng đối với virus đã xâm nhập vào các cơ quan như phổi.

Ông nói rằng cần thu thập thêm nhiều mẫu để nghiên cứu và nói với các phóng viên rằng khuyến nghị của Thống đốc Yoshimura dựa trên “phán đoán chính trị”.

Không lâu sau cuộc họp báo hôm 4/8, nhiều người tiêu dùng đã đổ xô đi mua các loại thuốc súc miệng và một số bắt đầu bán lại chúng với giá cực đắt trên mạng, bất chấp khuyến cáo của ông Yoshimura rằng không nên làm như vậy.

Về khuyến nghị của Thống đốc Yoshimura, ông Toshio Nakagawa - Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nhật Bản - nói trong một cuộc họp báo hôm 5/8: “Tôi tin rằng không có đủ bằng chứng vào thời điểm này”.

Một số chuyên gia y tế và người dùng Twitter cũng cảnh báo về những tác dụng phụ có thể xảy ra, cho rằng uống quá nhiều povidone-iodine có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe ở phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh tuyến giáp, trong khi những người khác phàn nàn rằng chất khử trùng sẽ không đến tay những người thực sự cần chúng.

Một người dùng Twitter ở Osaka, tự xưng là bác sĩ chuyên khoa phổi, thậm chí nói rằng động thái này có thể làm tăng số lượng bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính giả, vì các xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase) sẽ không phát hiện được virus trong nước bọt của họ do súc miệng với dung dịch nói trên.

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI