Châu Phi vượt quá 1 triệu ca nhiễm, Mỹ dỡ bỏ tư vấn không đi du lịch nước ngoài

07/08/2020 - 07:18

PNO - Dù tư vấn "không nên đi du lịch nước ngoài" đã được dỡ bỏ, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục khuyến cáo công dân của mình thận trọng khi đi du lịch nước ngoài do tính chất khó lường của đại dịch.

Châu Phi vượt quá 1 triệu ca nhiễm

Sáng 7/8, tổng số người mắc COVID-19 tại châu Phi đã vượt qua con số 1 triệu. Cụ thể, châu lục ghi nhận 1.003.056 trường hợp nhiễm virus, trong đó 21.983 ca tử vong và 676.395 người đã hồi phục. 

Nam Phi - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 5 trên thế giới và chiếm hơn một nửa số ca bệnh ở vùng cận Sahara - hiện xác nhận hơn 538.000 bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2,  kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 5/3.

Theo các chuyên gia, mức độ xét nghiệm thấp ở nhiều nước trong khu vực đồng nghĩa với việc tỷ lệ lây nhiễm thực tế ở châu Phi có thể còn cao hơn so với báo cáo.

Tại Nam Phi, số ca tử vong và nhiễm mới tăng cao gây áp lực lớn lên hệ thống y tế vốn đã quá tải, thiếu giường, đồ bảo hộ và các thiết bị chống lây nhiễm thiết yếu khác. Thậm chí, bệnh nhân COVID-19 đôi khi phải nằm cùng giường điều trị với một người khác, bên cạnh đó, thi thể người chết quá nhiều buộc các nhà chức trách phải lưu trữ trong các container đông lạnh.

Số người chết tại châu Phi tiếp tục tăng nhanh vì COVID-19.
Số người chết vì COVID-19 tại châu Phi tiếp tục tăng nhanh

Mỹ dỡ bỏ cảnh báo công dân nước này không nên đi du lịch nước ngoài

Ngày 6/8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã dỡ bỏ tư vấn du lịch cấp 4 toàn cầu, sau hơn 4 tháng cảnh báo công dân nước này không nên đi du lịch nước ngoài. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang tìm cách đưa Mỹ nhanh chóng quay trở lại bình thường.

Trước đó, Mỹ đã ban hành khuyến cáo “không đi du lịch” cấp 4 - cấp cao nhất trong chương trình tư vấn du lịch - vào ngày 19/3, kêu gọi người dân không được rời khỏi đất nước do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

"Với tình hình sức khỏe và an toàn được cải thiện ở một số nước và có khả năng xấu đi ở những quốc gia khác. Chúng tội sẽ cung cấp cho người dân thông tin chi tiết để đưa ra quyết định du lịch sáng suốt."- Bộ Ngoại giao cho biết.

Dù lệnh hạn chế đã được dỡ bỏ nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục khuyến cáo công dân của mình thận trọng khi đi du lịch nước ngoài do tính chất khó lường của đại dịch.

WHO: Toàn cầu sẽ phục hồi nhanh hơn nếu vắc-xin COVID-19 được cung cấp cho tất cả mọi người

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới có thể diễn ra nhanh hơn nếu vắc xin COVID-19 được cung cấp cho tất cả mọi người như một lợi ích công cộng. 

“Chia sẻ vắc-xin hoặc các công cụ khác thực sự giúp toàn cầu cùng nhau hồi phục. Sự phục hồi kinh tế có thể nhanh hơn và thiệt hại từ COVID-19 có thể ít hơn. Chủ nghĩa dân tộc vắc-xin là không tốt" - ông Tedros nói.

Người đứng đầu WHO đang ám chỉ về sự tranh giành của các quốc gia và các nhà nghiên cứu dược phẩm để tạo ra một loại vắc-xin hiệu quả, nhanh chóng đặt hàng càng nhiều càng tốt.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước: "Chúng ta phải nắm bắt thời điểm này để đoàn kết cùng nhau kiểm soát COVID-19. Không quốc gia nào sẽ an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn."

Đồng thời, Tổng giám đốc WHO cũng bày tỏ mong muốn Mỹ xem xét lại việc rút khỏi tổ chức: "Vấn đề không phải là tiền, không phải là tài chính ... mà thực sự là mối quan hệ với Mỹ (khoảng trống mà Mỹ để lại - PV), điều đó quan trọng hơn đối với WHO. Và chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ xem xét lại lập trường của mình".

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI