Thoát bóng cha

03/08/2013 - 17:20

PNO - PN - Đối với nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên - Giáo sư (GS) Đặng Vũ Cảnh Khanh, có một người cha uyên bác như GS Vũ Khiêu là một may mắn nhưng cũng đầy thách thức. Người cha ấy mở ra cho ông cánh cửa nghiên cứu khoa...

 Thoat bong cha

GS Vũ Khiêu (giữa) cùng gia đình GS Đặng Vũ Cảnh Khanh

Người “đặt viên gạch đầu tiên” cho xã hội học Việt Nam

Bước vào cánh cửa đại học chưa đầy một năm, khi chiến tranh phá hoại miền Bắc ập đến, chàng sinh viên báo chí Đặng Vũ Cảnh Khanh lập tức tham gia vào đội ngũ phóng viên chiến trường. Suốt gần 10 năm thường trú tại Hải Phòng, lăn lộn theo từng tiếng bom rơi, đạn nổ, GS Đặng Vũ Cảnh Khanh nói, đó là thời kỳ đem lại cho ông những trải nghiệm quý báu mà không phải nhà lý luận nào cũng có cơ hội được trải nghiệm. Năm 1975, Đặng Vũ Cảnh Khanh đã gác lại sự nghiệp báo chí để theo cha - GS Vũ Khiêu vào miền Nam xây dựng Viện Khoa học xã hội TP.HCM theo chủ trương của Nhà nước. Trước những vấn đề cấp bách của miền Nam sau ngày thống nhất đất nước, bộ môn xã hội học lần đầu tiên được đưa vào nghiên cứu. Đặng Vũ Cảnh Khanh thừa nhận, ông khá liều lĩnh lựa chọn bộ môn này, bởi ông và những người đồng nghiệp phải bắt đầu từ con số không. Phải gần ba năm sau đó, năm 1978, cuốn sách xã hội học đầu tiên của Việt Nam do Đặng Vũ Cảnh Khanh và các đồng nghiệp thực hiện mới được xuất bản.

Nói về những khó khăn đầu tiên khi bước vào con đường nghiên cứu, GS Đặng Vũ Cảnh Khanh chia sẻ: “Kiến thức của con người luôn hạn hẹp. Đôi khi có những vấn đề mình tưởng đã biết rất rõ nhưng lại không phải. Khi đặt vào chiều sâu của khoa học, mới biết mình bị hổng rất nhiều. Không có cách nào khắc phục được điều đó ngoài việc phải học và đọc, đọc thật nhiều để lấp dần sự thiếu hụt ấy”. Một trong những cơ hội để phát triển sự nghiệp của Đặng Vũ Cảnh Khanh là việc nhận được học bổng của Viện Hàn lâm Khoa học Bungari năm 1981. Sáu năm học tập ở nước ngoài, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ông không chút ngần ngại bỏ ngoài tai nhiều lời đề nghị làm việc ở xứ người để trở về cống hiến cho đất nước. Ông là lớp nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được đào tạo bài bản về bộ môn xã hội học và cũng là một trong những người “đặt gạch”, đưa bộ môn này vào nghiên cứu và giảng dạy rộng rãi.

Năm 1986, bộ môn xã hội học chính thức được giảng dạy tại trường Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền). Dù bận rộn với vai trò Trưởng phòng Lý luận và lịch sử xã hội học của Viện Xã hội học, nhưng Đặng Vũ Cảnh Khanh vẫn góp phần không nhỏ trong việc đào tạo lứa học trò đầu tiên cho bộ môn còn mới lạ này. Trải qua gần 30 năm, kể cả khi nhận nhiệm vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, GS Đặng Vũ Cảnh Khanh vẫn tiếp tục công tác giảng dạy cho hàng chục trường đại học Việt Nam.

Dù đã nghỉ hưu nhưng hiện GS Đặng Vũ Cảnh Khanh vẫn tiếp tục giảng dạy bộ môn Gia đình học và đảm nhận vị trí Chủ nhiệm Khoa Khoa học xã hội và nhân văn của Trường ĐH dân lập Thăng Long (Hà Nội). Ở ông, khao khát làm việc và cống hiến chưa bao giờ nguội tắt. Ông bộc bạch, ước mơ cả đời mình là có thể đào tạo ra thế hệ mới trẻ trung, năng động, nhìn nhận xã hội học theo nhu cầu thực tiễn chứ không phải là những lý thuyết xa xôi như người ta vẫn lầm tưởng.

 Thoat bong cha

Vợ chồng GS Đặng Vũ Cảnh Khanh và GS Lê Thị Quý

Bầu không khí học thuật

Là con trai cả của GS Vũ Khiêu - Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, GS Đặng Vũ Cảnh Khanh thừa nhận, mình được “hưởng lợi” không ít từ cha. Tuy nhiên, cái “hưởng lợi” ấy không phải là sự nâng đỡ, bao bọc mà là ở việc “truyền lửa” tri thức cho các con mình. “Ngay từ nhỏ, cha đã “nuôi” chúng tôi trong một bầu không khí học thuật và tình yêu sách vô điều kiện”, GS Cảnh Khanh chia sẻ.

Ông nhớ lại thời kỳ khó khăn, khi cả gia đình sáu người sống trong căn nhà 20m2, tiền thiếu, gạo thiếu… nhưng có một thứ vẫn phải mua là sách! Sách không chỉ là tài sản quý báu mà còn là niềm đam mê chung của các thế hệ trong gia đình. GS Cảnh Khanh cũng cho rằng, mình may mắn hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa khi sớm được tiếp xúc với những pho sách sống - những nhà khoa học, nghệ sĩ tài hoa một thời. Ông kể lại: “Cha tôi tuy là người làm khoa học nhưng giao tiếp rộng rãi nên có rất nhiều bạn bè nghệ sĩ thân thiết như họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu… Họ thường xuyên tới nhà, cùng cha tôi đàm đạo thi văn, chơi chữ… Sự uyên bác của họ đem lại cho chúng tôi những kiến thức quý báu mà đôi khi không thể tìm thấy ở bất cứ trang sách nào”.

Tuy nhiên, tên tuổi của GS Vũ Khiêu cũng là một thách thức không nhỏ đối với GS Đặng Vũ Cảnh Khanh. Khi ông mới bắt tay vào con đường nghiên cứu khoa học, không ít người cho rằng, những tác phẩm của ông là do GS Vũ Khiêu… chấp bút. GS Đặng Vũ Cảnh Khanh nói: “Nếu là người am hiểu, họ hoàn toàn có thể nhận biết đâu là bài viết của GS Vũ Khiêu và Đặng Vũ Cảnh Khanh, bởi hai bố con tôi là hai phong cách riêng biệt”. Theo GS Đặng Vũ Cảnh Khanh, GS Vũ Khiêu có cách giáo dục con cái… không giống ai, ông không bao bọc, không cầm tay chỉ việc mà “quăng” con vào đời. Chính vì vậy, Cảnh Khanh chịu ảnh hưởng lối tư duy và cách viết của người thầy hướng dẫn khi ông học tại Bungari chứ không phải của cha mình. “Cách viết của cụ Vũ Khiêu thường sôi nổi. Cụ viết sâu sắc nhưng vẫn rất trẻ trung, tươi mới trên một nền kiến thức uyên bác, đầy tính chiến đấu. Còn cách viết của tôi trầm tĩnh hơn và mang chút hài hước, châm biếm”, GS Cảnh Khanh nói.

Một trong những nguyên nhân tạo ra hai “màu” khác nhau giữa GS Vũ Khiêu và GS Cảnh Khanh còn là tâm lý khẳng định bản thân của người con trai. GS Cảnh Khanh tâm sự: “Tôi luôn cố gắng để thoát khỏi cái bóng của cha mình. Tôi biết, cái bóng của cha quá lớn, nếu không thoát ra thì đó sẽ là một bi kịch, bi kịch của một kẻ sĩ không thể khẳng định nổi chỗ đứng của riêng mình”.

Cùng với cha, một trong những người ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp nghiên cứu khoa học của GS Đặng Vũ Cảnh Khanh là vợ ông - GS Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và phát triển kiêm giảng viên bộ môn Xã hội học - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ông vẫn thường tâm sự rất chân thành với học trò mình: “Cô là một nhà khoa học thực thụ, cần mẫn và tỉ mỉ, trong khi thầy không thích khuôn phép, đôi khi đột phá, sáng tạo nhưng không tránh được nhiều điểm sơ hở. Cô bổ trợ cho thầy rất nhiều. Lý luận của cô thường giúp cho vấn đề của thầy đưa ra trở nên chặt chẽ hơn”. Không chỉ cùng nghiên cứu khoa học, năm 2009, GS Đặng Vũ Cảnh Khanh và GS Lê Thị Quý còn cho ra cuốn sách đầu tiên với tựa Gia đình học. Với kết quả của 10 năm nghiên cứu, đây được xem là công trình đặt nền móng cho bộ môn Gia đình học (một lĩnh vực thuộc Xã hội học) đi vào Việt Nam.

 Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI