Thế giới của mẹ

04/11/2013 - 16:01

PNO - PN - “Cuộc chiến hoa hồng” tưởng đã khép lại với ba ngày chị làm dâu sau cưới, lại bất ngờ được “viết tiếp”, khi mẹ chồng tuyên bố sẽ “du lịch” Sài Gòn nửa năm. Biết “mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi”, nhưng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mẹ lên, những ngày lãng mạn, tùy hứng của đôi vợ chồng son cũng khép lại. Nhiều lúc chị sững sờ tiếc nuối những cái ôm hôn bất ngờ của chồng mỗi khi chị đang một mình đứng bếp, những lúc chị mè nheo, vòi vĩnh chồng bế lên phòng, hay những lần chồng cao hứng giành phần quét nhà, rửa chén. Nhưng, sự xáo trộn đâu phải chỉ vậy, mẹ còn mang theo cả một thế giới với bao nhiêu nguyên tắc kỳ lạ mà lúc đầu chị không thể nào lý giải được.

The gioi cua me

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một lần, chị vừa nấu cơm xong thì chồng gọi điện báo sẽ ăn ngoài. Thế là trong suốt bữa cơm, mẹ cứ nói về chuyện chồng bỏ bữa mà không báo trước cho vợ, rồi còn cẩn thận chia đôi phần thức ăn của anh ra cho mỗi người một phần, “lệnh” con dâu phải ăn cho kỳ hết. Thấy mẹ kiên quyết, chị đành ngậm ngùi ăn. Mẹ tuyệt đối không bỏ thừa dù chỉ là một cọng rau, nếu không “chia” được cho mọi người nữa, mẹ sẽ cất lại để dành ngày mai. Một lần mẹ nấu món canh rau lộn xộn gì đó mà cả hai vợ chồng đều không ăn được, mẹ ráng cũng không xong, bèn cất vô tủ lạnh để dành. Anh sợ ngày mai tô canh biến mùi mà mẹ tiếc của không chịu đổ, nửa đêm lén đem tô canh đổ đi. Sáng hôm sau mẹ nổi giận đùng đùng, khép tội anh “chưa gì đã phụ bạc”.

Chuyện ăn uống khắt khe thì hai vợ chồng có thể “nương” nhau mà chiều ý mẹ, nhưng đến chuyện quần áo, thì chị đành khóc dở một mình. Một chiều, chị đi làm về gần tới nhà thì trời đột ngột đổ mưa. Sợ mẹ không biết sào đồ đang phơi, chị chạy nhanh về nhà rồi lao thẳng lên sân thượng. Lên tới nơi, chị thấy đồ đã được lấy vô hết, chỉ còn lại mấy cái quần tây của chị đang ướt sũng. Nghĩ là mẹ bỏ sót, chị lặng lẽ đem vào phơi trong nhà. Không lâu sau đó, cũng một buổi chiều mưa, chị quáng quàng chạy lên sân thượng thì bắt gặp mẹ đang vội vã lấy đồ, vẫn để lại đúng mấy cái váy của chị. Chị ngẩn ngơ, không biết mẹ giận gì mà bỏ ướt đồ mình. Quan sát mẹ, chị không hề thấy dấu hiệu hờn dỗi. Những lần tiếp theo vẫn y như vậy, dù trời không mưa, không có gì phải vội vã, mẹ vẫn “bỏ sót” quần áo của con dâu. Chuyện lạ lùng đó cứ ám ảnh chị mãi. Chị cứ tự dằn vặt với ý nghĩ vì mẹ ghét mình.

Quyết định phải tìm được một suy đoán hợp lý hơn, chị đánh liều kể chuyện này với chị chồng. Chưa kịp nghe hết câu chuyện, chị chồng đã phì cười: “Quần áo của chị, mẹ còn bỏ ướt, đừng nói con dâu!”. Hóa ra, từ khi con gái trở thành thiếu nữ, mẹ đã tuyệt đối không đụng vào quần áo của con, cho là ô uế, ôm vào người sẽ… u mê. Xưa nay mẹ cứng nhắc, bảo thủ thì chị còn cố chịu đựng, còn mấy điều kiêng kị vô lý kiểu này, thật khó thỏa hiệp.

Chị định bụng sẽ lựa lúc mẹ vui để lân la hỏi chuyện, rồi nhân cơ hội “giải thiêng” luôn mấy nỗi sợ vớ vẩn đó. Nhưng, vừa nghe con dâu đề cập tới chuyện áo quần, mẹ chồng giật mình, rồi nhìn thẳng vào mắt chị, vẻ nghiêm trọng: “Đúng rồi, hổng phải mẹ u mê không đâu, mà con cũng mang tội nữa đó! Tội để người lớn phải… đụng vô đồ của mình”. Nhìn điệu bộ của mẹ, bao nhiêu lý lẽ đã sẵn sàng đều tan biến hết, quyết tâm “giải thiêng” cũng chẳng còn, chị đành gật gù cho qua, chờ cơ hội khác. Cũng ngay tối đó, anh đi tiếp khách bỏ cơm nhà, thức ăn không thể để dành lại được, chị đang định đổ đi thì mẹ gọi giật ngược: “Ấy đừng! Để mẹ đổ! Mẹ già rồi… mang tội một chút cũng không sao!”.

Chị nhường “tội” cho mẹ mà cảm động muốn rớt nước mắt. Niềm tin này, nỗi sợ này dù trăm lần phản khoa học, nhưng chị chẳng còn thấy phiền phức nữa, ý định “giải thiêng” cũng chẳng còn. Nghĩ tới hình ảnh mẹ buồn rầu ngó lơ đi chỗ khác, rồi nói tủi: “Tui vậy mà nuôi anh tới giờ đó!”, chị thấy mình chẳng thể nhân danh điều gì mà “khai sáng”, mà hất tung thế giới niềm tin mẹ đã trót giữ gìn đến trọn đời, để giữ mình, để bảo bọc cháu con.

 MINH TRÂM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI