Sống cho hiện tại có gì sai?

28/06/2022 - 10:54

PNO - Để “sống cho hiện tại”, nhiều người thoải mái xài sang dù chẳng dư giả, yêu đương vô tội vạ hoặc phớt lờ các cảnh báo về an toàn.

Không phải chỉ khi dịch COVID-19 xảy ra, mà đã từ lâu, người ta diễn giải hai nghĩa của cùng một từ “present” trong tiếng Anh để nhắc khéo mọi người nên trân quý hiện tại, bởi “hiện tại là một món quà”.

Không khó để nhận thấy dịch dã khiến bao nhiêu người đột ngột lìa bỏ cuộc sống này và quan điểm “sống cho hiện tại” rộ lên như một trào lưu.

Một chị bạn kinh doanh quà tặng cho biết, không như những năm trước, năm nay, các dịp lễ Valentine, 8-3, ngày của Mẹ... khách của chị mua quà tặng cho nhiều đối tượng hơn chứ không chỉ tặng người yêu hay mẹ. Sau dịch, quan điểm sống đã thay đổi rất nhiều. Cách ứng xử giữa mọi người trở nên tốt đẹp hơn, người ta trân trọng nhau hơn và luôn biết ơn từ những điều nhỏ bé.

Một cô bạn đăng lên mạng mấy tấm ảnh du lịch ở nước ngoài khiến bạn bè ngạc nhiên vì biết bạn vốn xài kỹ, chỉ trung thành với tiêu chí “ngon bổ rẻ” và luôn nói không với những món xa xỉ như du lịch.

Gặp bạn, nghe bạn kể tôi mới biết lý do của sự thay đổi. Mẹ bạn mất vì COVID-19 để lại một số tiền kha khá, thành quả của cả đời bà tằn tiện. Món tiền được chia đều cho các con nhưng mọi người không vui, vì mẹ họ đã sống một đời quá cơ cực, chỉ lo dành dụm cho chồng, con, anh chị em trong nhà. Bạn quyết tâm không lặp lại lối sống của mẹ ngày xưa và sẽ tận hưởng cuộc sống khi còn có thể.

Mạnh tay mua sắm là cách nhiều phụ nữ tự yêu mình (ảnh minh hoạ)
Mạnh tay mua sắm là cách nhiều phụ nữ "tự yêu mình" (ảnh minh hoạ)

Họ hàng nhà tôi được phen bất ngờ vì sau đợt giãn cách, cô em họ đột ngột tuyên bố ly hôn. Thực ra, tôi biết nhà em vốn cơm không lành canh không ngọt đã lâu, nhưng vì con, vì thể diện gia đình mà em nín nhịn.

Trải qua một mùa dịch với nhiều bài học đắt giá, chứng kiến sự sống và cái chết chỉ cách nhau một khoảng mong manh, em quyết định sống phần đời còn lại cho mình chứ không vì một ai khác.

Nhưng đó là những thay đổi tích cực.

Anh bạn tôi bị cao huyết áp đã lâu, phải uống thuốc và ăn kiêng rất khắt khe. Từ khi có dịch COVID-19, anh sống thoải mái hơn, với tâm lý “chẳng biết chết lúc nào”, anh chẳng kiêng khem gì nữa.

Một cô bạn tôi thì phấn khởi “săn sale” những món hàng hiệu bạn thích từ lâu mà vì kế hoạch mua một căn hộ để ra riêng, bạn đã nhiều lần nâng lên rồi đặt xuống tiếc rẻ. Sau trận dịch lịch sử, bạn nhận ra hiện tại mới là những khoảnh khắc quý giá, trong khi những kế hoạch trong tương lai thì còn hơn nửa đời để thực hiện. Một trong những thay đổi cho việc “bung lụa” để cuộc sống hiện tại khởi sắc hơn là bạn bớt dè dặt trong chi tiêu, chẳng câu nệ chuyện ở nhà thuê hay nhà riêng nữa.

Để ủng hộ trào lưu “sống cho hiện tại”, nhiều người thoải mái xài sang dù không dư giả gì. Có người lao vào yêu đương vô tội vạ hoặc phớt lờ các cảnh báo về an toàn của bản thân. Với quan điểm “sống chết có số”, họ vô tư sống hôm nay mà không cần biết ngày mai, từ tích luỹ tài chính đến gìn giữ những chuẩn mực đạo đức, sức khoẻ.

Người ta vẫn nhắc nhau thôi hoài vọng về quá khứ với những tiếc nuối, cũng như đừng kỳ vọng hão huyền ở tương lai, mà hãy sống hết mình cho hiện tại. Nhưng với không ít người, khái niệm “sống cho hiện tại” bị hiểu sai khiến quan điểm sống tích cực trở nên méo mó.

Với không ít người, khái niệm “sống cho hiện tại” bị hiểu sai khiến quan điểm sống tích cực trở nên méo mó (ảnh minh hoạ)
Với không ít người, khái niệm “sống cho hiện tại” bị hiểu sai khiến quan điểm sống tích cực trở nên méo mó (ảnh minh hoạ)

Biết trân quý những gì mình đang có khi sức khoẻ vẫn còn đủ để ta được thấy ánh dương mỗi sớm, khi công việc vẫn còn đủ để ta có cơm no, áo ấm mỗi ngày, với những dấu yêu vẫn kề cận để thấy cuộc sống còn đầy ý nghĩa. Phải chăng đó mới đích thực là cách sống cho hiện tại thay cho lối sống thực dụng? Yêu cuồng, sống vội, bất chấp hệ luỵ mà không hiểu người ta do vô tình hay cố ý hiểu sai.

 

Lê Thị Ngọc Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI