Sau dịch, ai cũng có thể tự tin thành đầu bếp xịn

04/09/2021 - 18:07

PNO - Không ít chị khám phá ra: Dù không được "xịn xò" như các siêu đầu bếp, nhưng từ nay, việc nấu ăn không thể làm khó được nữa!

Cô bạn đăng hình các món ăn "nhà làm" trên mạng. Công bằng mà nói, phần trình bày chưa được chỉn chu lắm, nhưng biết bạn vốn không phải dân nội trợ, việc nhà trước kia bạn giao hết cho người giúp việc nên bạn bè bình luận rôm rả. 

Ai cũng biết, lúc này ủng hộ tinh thần nhau là chính. Không những chịu "vượt khó" mà những món bạn làm còn trông ngon lành bắt mắt nữa. 

Đọc mấy bài đăng các "thành phẩm" bếp núc của bạn, không dưng tôi thấy "nhột", vì tôi cũng như bạn, thường ngày sớm đi tối về, nhà có hai vợ chồng và đứa con nhỏ nấu nướng quấy quá cho qua bữa.

Hôm nào có thời gian hoặc sang hơn thì rủ nhau đi ăn tiệm, hoặc đặt thức ăn dịch vụ giao tận nhà. Tôi thường biện hộ: Các dịch vụ ăn uống qua mạng giờ không thiếu món gì, các phần mềm đặt thức ăn trình bày hấp dẫn, mời gọi, khuyến mãi liên tục, tội gì không dùng mà cứ phải chợ búa, bày ra nấu nấu nướng nướng khi mỗi ngày đã mất hơn chục tiếng bận rộn, mệt mỏi cho công việc ở ngoài?

Rồi giãn cách xã hội, đợt này nối tiếp đợt kia, đợt sau cứ siết chặt hơn đợt trước khiến mấy chị em vốn không rành bếp núc chao đảo trong thời gian đầu. Nhiều người giúp việc nghỉ việc hoặc về quê không trở lên được khiến chỗ dựa của kha khá chị em bị mất.

Là người phụ trách mảng hậu cần trong gia đình, nếu không chủ động xoay xở thì lấy gì lấp đầy cái bao tử của cả, nhà nếu ông chồng cũng không phải một "Yan Can Cook"?

Nấu ăn, bếp núc- nỗi ám ảnh của các bà mẹ công sở (ảnh minh họa)
Nấu ăn, bếp núc - nỗi ám ảnh của các bà mẹ công sở - Ảnh minh họa

Cô bạn thân kể, mấy ngày dịch giã, siêu thị nào cũng quá tải nên họ không làm sẵn cá cho khách hàng. Cá đông lạnh bạn mua online giao về phải tự làm dù trước kia chỉ cần ngửi mùi cá là bạn đã nhợn lên nhợn xuống, muốn bỏ cơm. Nhờ mẹ ở quê hướng dẫn làm cá qua video call, nay bạn đã đủ tự tin về "trình" mổ cá.

Một chị bạn khác, vốn không nề hà chuyện bếp núc, nhưng ngày thường đi làm chiều muộn mới về, chị chỉ có thể nấu những món bình thường cho cả nhà chứ không đủ thời gian nấu các món công phu, đặc biệt.

Nghỉ tránh dịch ở nhà, có nhiều thời gian, chị lên mạng, hỏi thăm mỗi người một chút tập nấu món mới, làm vài loại bánh đơn giản. Tuy bún bò chị nấu chưa dậy mùi đặc trưng, bánh mì chị tự làm chưa ra hình dáng đẹp như ngoài tiệm, món trà sữa tự pha chưa chuẩn vị như ngoài hàng nhưng cũng đủ cho cả nhà đổi món.

Chồng con đều thích thú trước tài biến tấu của chị. Riêng chị chợt phát hiện tay nghề bếp núc của mình không hề tệ và tin rằng sau mùa dịch này, thực đơn đi chợ sẽ phong phú hơn.

Không phải ông chồng nào cũng có thể làm bếp (ảnh minh họa)
Không phải ông chồng nào cũng có thể làm bếp - Ảnh minh họa

Dịch giã khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ, cách sống. Có người trước giờ vô tư tiêu xài, qua mấy mùa dịch đã biết cân nhắc trước sau. Có người từ nhỏ được cưng chiều, sung sướng như công chúa, tiểu thư, chẳng bao giờ động tay vào việc nhà. Vậy mà qua mùa dịch bỗng trở nên yêu bếp, nghiện (dọn dẹp) nhà như một "Ôsin chính hiệu" - cách nhiều chị em vẫn hay tự trào.

Nhiều chị bỗng khám phá ra năng lực tiềm ẩn của bản thân, như việc mát tay trồng cây hay việc nấu ăn vốn chưa từng rành rẽ trước đó.

Qua một trận dịch, nhìn lại những gì mình đã làm được, không ít chị đã tự hào dù không được "xịn sò" như các siêu đầu bếp nhưng kể từ nay, việc nấu ăn không thể làm khó họ được nữa. Chỉ cần khéo sắp xếp, tranh thủ nấu nướng với tất cả cái tâm dành cho những người họ yêu thương, ai cũng có thể trở thành đầu bếp xịn.

Đỗ Thu Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI