Những đứa con bị “bỏ rơi”

10/08/2013 - 08:00

PNO - PN - Làm người giúp việc trong căn nhà năm tầng sừng sững, uy nghi giữa thị trấn của một huyện ngoại thành, chị có vẻ thảnh thơi vì ít bị chủ nhà giám sát, nhắc nhở.

Công việc của chị là lau dọn nhà cửa mỗi ngày, đưa đón hai đứa con ông bà chủ và lo việc bếp núc. Khẩu phần ăn của hai đứa trẻ xuề xòa, mất cân đối vì chị vốn không biết đến những vấn đề dinh dưỡng trẻ em, mà ba mẹ chúng cũng chẳng mấy quan tâm. Căn nhà lạnh lẽo vì ông bà chủ sống ở hai thế giới khác nhau, chẳng ai để ý đến ai, họ phó mặc bọn trẻ cho chị. Tình trạng ấy kéo dài đã sáu năm nay, kể từ khi họ đưa nhau ra tòa. Dù không cố tình níu kéo cuộc hôn nhân đã rệu rã, nhưng họ vẫn phải chấp nhận chung nhà, ra vào giáp mặt nhau, người này bóng gió người kia, những cái liếc xéo thay cho những lời xúc xiểm, cũng bởi lý do duy nhất là bất đồng trong việc phân chia tài sản.

Nhung dua con bi “bo roi”

Không ai chịu nhượng bộ ai, cho rằng tài sản trong nhà là phần lớn công sức của mình nên không thể đổ đồng được. Bà chủ từng là một “cò” đất mát tay, “cò” miếng đất nào hay căn nhà nào cũng đều thuận mua vừa bán, nên bà “lên” phơi phới. Bà có trong tay mấy căn nhà ngoại thành, có tiền tỷ trong ngân hàng, nhờ người thân đứng tên, phòng hờ việc tranh chấp về sau. Ông chủ cũng chẳng thua kém. Ông là một thầu xây dựng uy tín. Nơi ông bà ở, phần lớn là dân nhập cư, việc xây cất rất nhộn nhịp nên ông nhận thầu nhiều công trình. Xem ra ai cũng muốn tư lợi cho mình, muốn lập kế hoạch riêng để sẵn sàng cho “phương án hai”, nên cả hai đều “thủ”. Họ ngầm biết về tài sản của nhau nhưng phớt lờ, còn có vẻ cạnh tranh lẫn nhau để khẳng định mình. Nhiều tiền, họ rất hào phóng với chị, nên chị cứ rủng rỉnh tiền bạc, vì mạnh ai nấy cho, như một cách “đút lót” để chị quan tâm đến núm ruột của họ.

Nhân tình của ông bà chủ đều là những người trẻ. Ông thì cặp kè với cô gái mới ngoài đôi mươi. Bà thì “tậu” chàng trai đáng tuổi em mình. Sống với nhau gần 20 năm trời, đến khi cạn tình, ông bà trở mặt một cách đáng sợ, tranh giành nhau từng miếng mẻ sành, nhưng lại rất hào phóng với nhân tình. Họ có thể sắm sửa mọi thứ có giá trị cho tình nhân không điều kiện. Cũng chẳng lạ gì, bởi một bên là tình yêu đã chết, một bên mang lại hồi sinh trong tâm hồn, thì có sá chi mà phải tính toán chi li. Khổ nỗi, ông bà chấp nhận cuộc sống của nhau một cách bình thản, bởi cả hai đã có hạnh phúc riêng, chỉ tội cho hai đứa trẻ, phải gánh chịu những thiệt hơn giữa bố mẹ, đến nỗi chúng trở nên vô cảm, lẻ loi.

Chị nghiễm nhiên trở thành người quan trọng đối với những đứa trẻ. Chúng chia sẻ với chị mọi điều, tin tưởng, yêu thương chị hơn cả những người sinh ra chúng. Mỗi khi về thăm nhà, ông bà không quên dặn các con học giỏi, nghe lời chị giúp việc, ba mẹ bận đi làm kiếm tiền lo tương lai các con. Những lời nói giả tạo không làm động lòng trẻ, chúng trở nên nhạy cảm và suy diễn mọi điều theo chiều hướng xấu.

 SONG NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI