Nheo nhóc cảnh vừa trông con vừa làm việc online mùa dịch

23/02/2021 - 11:21

PNO - Thời COVID-19, trẻ nghỉ học, cha mẹ phải thu xếp việc làm và việc trông trẻ đến... xoắn não. Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi nỗi niềm.

Chị Hà hiện đang làm cho một công ty tư vấn đầu tư. Sau tết, do dịch vẫn diễn biến phức tạp nên công ty chị cho nhân viên làm việc tại nhà và hưởng nguyên lương. Chị Hà có con gái 4 tuổi rất hiếu động và cũng đang được nghỉ học chống dịch. May thay, nhà có bà nội nên thường cô bé sẽ chơi với bà để mẹ làm việc trong phòng riêng.

Không thiếu các mẹ vừa ôm con vừa làm việc - Ảnh minh họa
Không thiếu các mẹ vừa ôm con vừa làm việc online - Ảnh minh họa

Công việc phải trao đổi với khách hàng nên những ngày làm việc ở nhà, chị vẫn thường xuyên phải họp online. Tuy có bà nội trông con giúp nhưng không tránh khỏi những tình huống dở khóc dở cười. Có hôm, chị đang gọi video tư vấn cho khách hàng thì con bé đẩy cửa vào bảo: “Mẹ ơi cho con đi tè”, làm chị chỉ muốn “độn thổ” còn khách hàng thì cười nghiêng ngả.

Thực ra, rất nhiều người đang làm việc tại nhà cùng con nhỏ cũng gặp phải tình huống tương tự. Mọi người đều thông cảm cho cha mẹ trong tình trạng này, nên chúng ta không nhất thiết phải xấu hổ hay ngại ngùng. Miễn sao những người lớn trong nhà có kế hoạch cụ thể để luân phiên trông trẻ thì làm việc ở nhà cũng vẫn đạt hiệu quả.

Đơn cử như gia đình nhà anh Vũ - chị Loan. Cả hai anh chị đều đang vừa làm việc tại nhà, vừa trông con. Ngày đầu tiên, anh chị ngồi lại cùng nhau để lên lịch sinh hoạt và phân chia nhiệm vụ.

Công việc của chị Loan đòi hỏi phải trả lời email giao dịch thường xuyên trong giờ hành chính, vậy nên anh Vũ nhận trông con trong các khung giờ từ 8g-10g sáng, 13g-16g chiều. Đây sẽ là khoảng thời gian chị Loan được hoàn toàn yên tĩnh để làm việc trong phòng. Đổi lại, chị sẽ nấu ăn và cho các con ăn sáng, ăn trưa, tắm rửa và ăn tối. Trong lúc đó, anh Vũ sẽ tranh thủ làm việc từ 10g-12g, 16g-18g và sau bữa cơm tối.

Anh chị đặt ra nguyên tắc ai chịu trách nhiệm trông con thì phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến người còn lại đang làm việc. Anh chị cũng lên hẳn kế hoạch chi tiết từng hoạt động hằng ngày để đảm bảo mọi việc trơn tru, vợ chồng phối hợp nhịp nhàng. Nhờ thế mà gia đình anh Vũ, chị Loan không gặp nhiều khó khăn trong “tết Covid năm thứ 2” như mọi người vẫn gọi.

Cả gia đình đồng lòng vượt qua khó khăn mùa dịch - Ảnh minh họa
Cả gia đình đồng lòng vượt qua khó khăn mùa dịch - Ảnh minh họa

Không giống gia đình anh Vũ - chị Loan, cả hai vợ chồng chị Linh đều phải đi làm tại công ty như bình thường. Trường mầm non đóng cửa, anh chị phải gửi hai bé 5 tuổi và 18 tháng về quê nội. Bé đầu 5 tuổi thì đã lớn và tự lập nên anh chị hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, bé thứ hai mới 18 tháng vẫn còn đang bú mẹ, chị Linh quyết định nhân cơ hội này để cai sữa cho con.

Gửi con về quê rồi, chị vẫn ngày ngày gọi video cho ông bà nội để hỏi thăm và chuyện trò với con cho đỡ nhớ. Có lúc bé thứ hai nhìn thấy mẹ trong điện thoại, tưởng là mẹ đã về nên khóc ngặt đòi mẹ bế. Chị Linh thương con đến chảy nước mắt.

Chị Linh tâm sự:  “Hoàn cảnh bắt buộc, có ai muốn đâu. Trước đây đi làm về bận bịu con cái, giờ rảnh quá nên hay nhớ con, buồn lắm. Nhưng không sao, giờ hai vợ chồng quyết định rủ nhau đi tập thể dục, dọn dẹp nhà cửa rồi đọc sách. Coi như được sống lại thời son rỗi. Cuối tuần được nghỉ lại tranh thủ về thăm con.”

Thời COVID-19, đúng là mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi nỗi niềm. Thiết nghĩ, thay vì than phiền hay để mọi việc tự do xáo trộn, vợ chồng phải cùng nhau bình tâm lại, lên kế hoạch rõ ràng. Cả gia đình cùng cố gắng, mọi việc rồi cũng sẽ tốt đẹp cả thôi.

Thu Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI