Phụ nữ và trẻ em Nhật Bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa dịch COVID-19

30/11/2020 - 20:32

PNO - Vấn nạn lạm dụng và sự kỳ thị khiến tỷ lệ tự tử tăng vọt ở phụ nữ, trong khi trẻ em tại Nhật liên tục đối mặt với muôn vàn áp lực.

Số lượng phụ nữ tử tử tăng vọt

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Nhật Bản từ lâu luôn là một trong số các quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Năm 2016, Nhật Bản có tỷ lệ tử vong do tự tử là 18,5 trên 100.000 người, chỉ đứng sau Hàn Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương và cao gần gấp 2 lần so với mức trung bình toàn cầu là 10,6 trên 100.000 người. 

Nguyên nhân khiến số người chết hàng năm do tự tử ở Nhật Bản tăng cao khá phức tạp, bao gồm thời gian làm việc dài, áp lực học tập, sự cô lập xã hội và sự kỳ thị văn hóa xung quanh các vấn đề sức khỏe tâm thần đều được cho là những yếu tố.

Tại Nhật Bản, thống kê của chính phủ cho thấy 2.153 người tử vong liên quan đến tự tử trong tháng 10, cao hơn số người thiệt mạng vì COVID-19 là 2.087 người của quốc gia này.

Phụ nữ Nhật Bản chịu nhiều áp lực trong mùa dịch COVID-19.
Phụ nữ Nhật Bản chịu nhiều áp lực trong mùa dịch COVID-19

Sự gia tăng các vụ tự tử đã ảnh hưởng không nhỏ đến phụ nữ. Mặc dù họ chiếm tỷ lệ thấp hơn nam giới trong tổng số các vụ tự tử nhưng điều đang lưu tâm là số lượng phụ nữ tự sát đang tăng vọt. Vào tháng 10, các vụ tự tử ở phụ nữ tại Nhật tăng gần 83% so với cùng tháng năm trước, trong khi số vụ tự tử của nam giới chỉ tăng gần 22%.

Có một số lý do lý giải cho sự gia tăng này vì phụ nữ chiếm phần lớn thời gian làm việc trong các ngành khách sạn, dịch vụ ăn uống và bán lẻ - nơi mà tình trạng sa thải nhân viên ngày càng trầm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong một nghiên cứu toàn cầu với hơn 10.000 người, do tổ chức viện trợ quốc tế phi lợi nhuận CARE thực hiện, 27% phụ nữ cho biết có những thách thức gia tăng đối với sức khỏe tâm thần trong thời kỳ đại dịch, so với 10% ở nam giới.

Theo nghiên cứu, phụ nữ phải đối mặt với gánh nặng chăm sóc gia đình không được trả lương. Bên cạnh đó, sự lo lắng ngày càng tăng về sức khỏe và hạnh phúc của con cái cũng đã tạo thêm gánh nặng cho các bà mẹ trong mùa dịch. 

Điển hình đường dây nóng về sức khỏe tâm thần 24 giờ có tên Anata no Ibasho, nhận được trung bình hơn 200 cuộc gọi mỗi ngày và đại đa số người gọi là phụ nữ, nhằm san sẻ bớt những khó khăn mà họ phải hứng chịu trong suốt thời gian qua.

Áp lực lên trẻ em

Nhật Bản là quốc gia G-7 duy nhất khi tử tử trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 39. Ngoài ra, các vụ tự tử ở những người dưới 20 tuổi cũng đang gia tăng đáng báo động, ngay cả trước đại dịch xảy ra.

Những hạn chế của đại dịch làm trẻ em gián đoạn quá trình đến trường khiến chúng phải đối mặt với tình trạng lạm dụng, cuộc sống gia đình căng thẳng và áp lực lớn từ việc làm bài tập về nhà. Theo Koki Ozora, một sinh viên đại học 21 tuổi, khởi xướng đường dây nóng về sức khỏe tâm thần 24 giờ Anata no Ibasho tâm sự, một số trẻ em khoảng 5 tuổi đã nhắn tin vào đường dây nóng.

Tương tự, Naho Morisaki, cán bộ tại Trung tâm Sức khỏe và Phát triển Trẻ em Quốc gia cũng đồng quan điểm việc đóng cửa trường học vào mùa xuân đã góp phần làm cho bài tập về nhà chồng chất, trẻ em có ít sự tự do gặp gỡ bạn bè hơn góp phần gây ra căng thẳng. 

Gần đây, trung tâm này đã tiến hành một cuộc khảo sát trên internet với hơn 8.700 phụ huynh và trẻ em, phát hiện ra rằng 75% học sinh Nhật Bản có dấu hiệu căng thẳng do đại dịch.

"Áp lưc khiến những đứa trẻ tự gây thương tích cho bản thân nhưng chúng không thể nói với gia đình vì nghĩ rằng cha hoặc mẹ của chúng không có khả năng lắng nghe những chuyện đó" - Morisaki cho rằng có mối tương quan lớn giữa sự lo lắng của trẻ em và cha mẹ của chúng.

Eriko Kobayashi đã phải vật lộn với sức khỏe tâm thần của mình trong quá khứ. Cô nói rằng đại dịch đã làm dấy lên nỗi sợ hãi dữ dội về việc rơi vào cảnh nghèo đói.
Eriko Kobayashi đã phải vật lộn với sức khỏe tâm thần của mình trong quá khứ. Cô nói rằng đại dịch làm dấy lên nỗi sợ hãi về viễn cảnh nghèo đói

Sự kỳ thị

Ở Nhật Bản, vẫn còn một sự kỳ thị đối với việc thừa nhận sự cô đơn và đấu tranh giải quyết vấn đề này. Ozora cho biết phụ nữ và phụ huynh thường bắt đầu cuộc trò chuyện với dịch vụ của anh bằng câu: "Tôi biết là rất tệ khi yêu cầu giúp đỡ, nhưng tôi có thể nói chuyện được không?".

Chính sự "xấu hổ" khi nói về căn bệnh trầm cảm khiến người dân Nhật thường cố gắng chịu đựng các cảm xúc tiêu cực, thay vì tìm cách hóa giải nó.

"Phụ nữ nói riêng và người Nhật nói chung thường không chia sẻ những khúc mắt của mình với bạn bè. Điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ” - Koki Ozora nhấn mạnh.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính vào những năm 1990, tỷ lệ tự tử của Nhật Bản đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2003, với khoảng 34.000 người tự tử. Các chuyên gia cho biết, sự xấu hổ và lo lắng bị sa thải, hầu hết là nam giới vào thời điểm đó, đã góp phần gây ra trầm cảm và gia tăng tỷ lệ tự tử. 

Vào đầu những năm 2000, chính phủ Nhật Bản đã tăng tốc đầu tư và nỗ lực ngăn chặn tự tử và hỗ trợ nạn nhân, bao gồm việc thông qua Đạo luật Cơ bản về Phòng chống Tự tử năm 2006. Nhưng cả Ozora và Kobayashi đều nói rằng những biện pháp trên gần như chưa đủ: giảm tỷ lệ tự tử đòi hỏi xã hội Nhật Bản phải thay đổi.

Kobayashi nói: “Thật đáng xấu hổ khi người khác biết được điểm yếu của bạn, vì vậy bạn giấu kín mọi thứ, giữ nó trong lòng và chịu đựng. Chúng ta cần tạo ra một nền văn hóa mà ở đó bạn có thể thoải mái thể hiện sự yếu đuối và khốn khổ của mình".

Chung Thu Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI