Nghề của má

30/07/2013 - 19:55

PNO - PNO - Chiều nay, ngồi trong căn phòng trọ chợt nghe tiếng cô bán đậu hủ rao: “A…iii đậu hu…ủ không?”, tôi vội chạy ra cổng…nhìn dáng cô vừa đi vừa chạy, trên vai gánh đậu hủ thòng xuống hai đầu. Mùi đậu hủ, mùi nước...

Ngày đó, ba đi núi có khi hàng tháng chưa về. Một mình má vừa phải loay hoay nấu từng gánh đậu hủ đi bán, vừa đảm đương 5 sào ruộng lúa để lo cho hai chị em tôi. Tuổi thơ chị em tôi gắn liền với gánh đậu hủ của má, với chiếc cối đá xay đậu nành mòn theo thời gian, với hình ảnh má chân lấm tay bùn nơi ruộng sâu…

Nghe cua ma
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ những ký ức dù cho sau này tôi có làm vợ, làm mẹ cũng không quên được. Tôi nhớ, một buổi chiều mưa năm tôi 7 tuổi, hai chị em ở nhà đợi má đi bán đậu hủ về xem còn sót tí nào không thì vét đít thùng. Hai chị em mừng rơn, nhảy tưng tưng khi thấy má từ đầu ngõ, cu Thế reo to: "Chị Hai, chị Hai nhìn kìa má về, má về. Hôm nay má về sớm chắc má bán hết rồi, chắc má có mua bánh cho chị em mình rồi, hôm nay không ăn đậu hủ cặn nữa rồi, chị Hai ơi”.

Nhưng trong màn mưa xối xả, dưới cái nón cời ướt nhẹp, trên vai má là gánh đậu hủ đầy đất sét, những cái chén bể bám đầy màu đất đỏ quạch. Tôi chựng lại, còn cu Thế không nhảy nữa mà chạy ra: “Má ơi, má ơi, sao thế?”. Má đưa tay vuốt mặt, vuốt đi những giọt nước mắt hòa trong nước mưa đang chảy nhòe nhoẹt trên gương mặt rám nắng, xương xương của má. Gương mặt khắc khổ, nhân chứng cho năm tháng tảo tần vì miếng cơm manh áo của gia đình, vì con cái, giọng má nghẹn lại: "Trời mưa đường đất sét trơn quá, má té, gánh đậu hủ đổ hết, má chưa bán được chén nào". Hai chị em tôi chạy ào ra cơn mưa như trút nước ôm chầm lấy má. Cứ thế ba mẹ con ôm nhau đứng khóc dưới mưa.

Rồi nghề đậu hủ cũng nhiều người theo. Má mua sắm ít cái ly, cái muỗng dài để thay cho mấy cái chén bán đậu hủ, cái muỗng ngắn múc đậu để đi bán chè xoa xoa. Nhưng rồi được thời gian, cuộc sống nhà mình cũng không khá lên. Má bàn với ba…đổi sang nghề bán sữa đậu nành. Cái nghề mà ba phải đổi hơn 3 vác gỗ lim để người ta truyền kinh nghiệm cho má. Tưởng chừng như có nghề mới, má sẽ bớt vất vả hơn. Nhưng cái khổ, cái cực của đời má vẫn cứ tiếp tục.

Mỗi sáng, cứ gà gáy canh 3 là má phải rời chiếc giường để chở đậu đi xay. Má đi bán lúc chị em tôi vẫn còn ngủ. Nơi nhà mình ở đi đến được chỗ xay bột phải qua cái nghĩa địa, nơi mà những thằng bạn thân của tôi sau mỗi tối đi học thêm về cũng chỉ dám dẫn tôi về nữa đường rối rít bỏ tôi một mình tự về, rồi tụi hắn quay đầu xe đạp cắm cổ vì sợ…ma bắt. Thế mà, má vẫn đều đặn mỗi sáng đúng 3 giờ không kể ngày nắng rát hay ngày mưa lạnh tê tái, vẫn gò mình trên chiếc xe đạp cọc cạch đi xay bột.

Sau này, có lúc tôi hỏi má: “Má ơi, sao ai cũng sợ đi qua nghĩa địa thế mà má sáng sớm nào má cũng đi xay bột một mình. Má không sợ hả?”.
- Sợ chớ con. Bữa đầu tiên ba dẫn má đi, nhưng má thấy thương ba vì sợ ba mất giấc ngủ sáng ra đi làm mệt. Đêm sau một mình má đi, má cũng run lắm. Nhưng má sợ thì ít mà tủi thân thì nhiều vì giờ đó nhà nào cũng cửa đóng im ỉm, ai cũng đang ngon giấc, còn má một mình lủi thủi. Má khóc, nhưng vì má nghĩ đến hai đứa con nên má không sợ, không tủi, không khóc nữa.

Nghe cua ma

Xay bột về má hì hụi nhóm bếp lửa bắc nồi lên nấu. Má âm thầm làm một mình mà chẳng hề kêu ca hay gọi chị em tôi với ba dậy phụ giúp. Nấu xong má đổ ra thùng, sửa soạn đồ đạc bỏ thùng sữa vào chiếc xe đẩy đi. Má đi khi chị em tôi còn vùi trong chăn. Một thời gian sau, khi điều kiện nhà tôi khá hơn, ba mua cho má chiếc máy xay chạy bằng điện về để xay đậu nành, để má có thể ngủ thêm một chút, để má không phải một mình gò mình trên chiếc xe đạp cọc cạch đi xay bột trong đêm.

Thời gian thấm thoát, ly sữa đậu nành của má đã tiếp nối chén đậu hủ, ly chè đậu…nâng bước cho chị em tôi đến trường. Ngày tôi vào đại học má vẫn còn bán sữa đậu nành, vẫn một nắng hai sương đổ từng giọt mồ hôi công sức trên từng đám ruộng. Từ mỗi ly sữa má bán, từ những hạt lúa vàng óng sau mỗi mùa gặt má đã cùng ba lo cho sinh hoạt gia đình và bỏ vào con heo đất để mỗi tháng gửi tiền cho tôi ăn học.

HƯƠNG CÁT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI