Ngày tránh thai thế giới 26/9: Khi anh xã quyết... giữ mình

26/09/2021 - 09:50

PNO - Đã chủ động chọn biện pháp bảo vệ an toàn, thì dù là ngày tránh thai hay không, vợ chồng cũng chẳng phải... nhịn thèm.

Sáng sớm, ngồi bên giàn hoa trang leo ở sân thượng, lướt mạng, dường như tâm đắc điều gì, anh Hồng L. (ngụ Q.4, TP.HCM) cười tủm tỉm. Khi bà xã ỏn ẻn bưng ly cà phê và một cái bánh ngọt ra, anh đổi mặt: “Bánh đã tới thì ta phải ăn thôi, nhưng đừng hòng lung lạc tinh thần ta nhé!”.

Chẳng hiểu mô tê gì, bà xã bối rối làm nghiêng ly cà phê, suýt đổ. Anh Hồng L. nói tiếp, giọng vẫn hết sức nghiêm nghị: “Dù vợ hấp dẫn bao nhiêu, dù hối lộ cỡ nào, cũng không mua đứt được ta đâu nhé! Hôm nay là 26/9, là ngày tránh thai thế giới, ta tuyên bố cố thủ, án binh bất động để hưởng ứng phong trào”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tới khi bà xã sững người, làm rơi cái muỗng nghe kẻng kẻng, anh Hồng L. mới "xả vai", cười sặc.

Anh chỉ chọc ghẹo chị, chứ với anh chị, nhờ áp dụng biện pháp tránh thai chắc cú nên dù là ngày tránh thai hay không phải ngày tránh thai thì cũng không phải nhịn thèm.

Vài tháng sau khi sinh con thứ hai, hai vợ chồng sử dụng bao cao su và mới đây, chị đã đi cấy que tránh thai để tiện lợi hơn với độ bảo vệ được dài hơi, không phập phồng lo sợ bao tuột, bao lủng hay đã dạo đầu hết sức bài bản rồi, đùng cái phát hiện… hết bao. Vợ chồng cùng bàn bạc và thống nhất chọn biện pháp tránh thai phù hợp nhất với mình.

Thực ra, xoay quanh chuyện bầu bí của anh chị cũng từng có dấu ấn buồn. Đó là lần lỡ kế hoạch, mang thai khi đứa con đầu chưa thôi nôi. Thời điểm đó kinh tế gia đình còn quá eo hẹp, con mọn hay bệnh vặt, khiến mẹ cũng đuối và stress. Cộng với nguyên nhân chính là không biết mình đã dính bầu nên có lần chị vô tư uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Qua tư vấn của bác sĩ về một số nguy cơ có thể xảy đến với đứa bé trong bụng và xét điều kiện chưa cho phép, chị đành đình chỉ thai kỳ.

Nói đến phá thai, người ta thường liên tưởng ngay đến những cặp đôi “ăn cơm trước kẻng” hoặc những cặp đôi "già nhân ngãi non vợ chồng". Tuy nhiên, trên thực tế, những đứa bé mãi mãi tuổi zero không phải là hiếm trong hôn nhân.

Nguyên nhân là các cặp vợ chồng chưa sẵn sàng cho sự chào đời của con ở thời điểm đó mà lại lỡ mang thai. “Hai vạch” hiện lên không đem lại niềm vui mà nhân lên nỗi lo, rối bời, hoang mang cho một hoặc cả hai người tạo nên. Dịch bệnh COVID-19 đưa đến nhiều thách thức đối với việc tiếp cận các biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Dù mối quan hệ của hai người là gì, thì mang thai ngoài ý muốn, phá thai, tước đi cơ hội cất tiếng khóc chào đời của con mình cũng để lại nỗi đau, ám ảnh dai dẳng, nhất là với phụ nữ. Ở các bệnh viện phụ sản luôn có khu kế hoạch hóa gia đình và khu có công năng đối lập là điều trị… hiếm muộn. Với một số người, hiếm muộn là hệ lụy khó thể tránh khỏi nếu nạo phá thai nhiều lần, phá thai không an toàn, ở tuần thai lớn; ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ, thậm chí tử vong. 

Chính vì thế, thông điệp “Chủ động tránh thai - vững vàng tương lai” được chọn là chủ đề hội thảo trực tuyến do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế) đồng hành cùng Công ty Bayer VN tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ 15 ngày Tránh thai Thế giới 26/9/2007-26/9/2021.  

Người tham gia hội thảo lo ngại trước những số liệu đưa ra. Mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng 1 triệu người (theo Tổng cục Thống kê). Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục gia tăng. Hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 là 29,6%. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao.

TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong buổi hội thảo
TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong buổi hội thảo

Về lợi ích của phòng tránh thai, TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh: “Lợi ích đầu tiên là chủ động trong việc sinh con (thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra). Đảm bảo mỗi đứa trẻ sinh ra đều là mong đợi của cha mẹ và cha mẹ đã sẵn sàng để nuôi dạy chúng. Đó là làm cha mẹ có trách nhiệm. Việc tránh thai giúp mỗi người trong độ tuổi sinh đẻ cả nam lẫn nữ trở thành những cha mẹ có trách nhiệm.

Lợi ích thứ hai là tránh được những tai biến sản khoa và tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý, sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi.

Lợi ích thứ ba là nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản”.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI