Nàng dâu miền Nam mang sen về xứ Nẫu

09/12/2022 - 07:26

PNO - Nên duyên vợ chồng với chàng trai xứ Nẫu (Bình Định), người con gái gốc Đồng Tháp theo chồng về miền đất nắng gió. Mang theo 1 gói hạt mầm sen, chị biến đồng khô thành 1 đầm sen xanh mướt. Gieo yêu thương trong nhà chồng, chị cũng nhận lại thương yêu.

Về quê để chăm sóc bà nội chồng, ba má chồng

Năm 2017, chị Phạm Thị Kim Vui và anh Trịnh Cao Hoàng từ TPHCM về thôn Phụng Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) sinh sống. Gia đình anh Hoàng có 3 anh em, cả 3 người đều lập nghiệp ở miền Nam. Trong nhà anh, còn bà nội đã 108 tuổi và ba má chồng đều đã ở tuổi 80. 

Chị Vui và má chồng
Chị Vui và má chồng

“Khi anh Hoàng quyết định về quê, tôi ủng hộ ngay. Tôi về để cùng chồng đỡ đần chăm sóc bà nội và ba má. Vợ chồng bàn nhau mở tiệm kinh doanh các thiết bị điện. Chồng phụ trách thị trường, vợ ở nhà vừa trông cửa hàng vừa giúp má chồng việc nhà. Những ngày tháng mới về, vợ chồng tôi gặp nhiều thử thách. Tôi cứ siêng năng làm việc, chân thành trao yêu thương, nên cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn”, chị Vui tâm tình.

“Má chồng - nàng dâu chung nhà có… bùng nổ không chị?”, tôi hỏi, chị Vui cười nói: “Có chớ! Tôi và má chồng đều thẳng tính - không hiểu hay không vừa ý gì là nói ra liền, không để bụng. Ban đầu cũng có “vênh”, bây giờ ổn rồi. Ba má chồng, bà nội chồng là nguồn động viên tinh thần lớn cho tôi. Chuyện vui nhất là, tôi ở trong Nam quen ăn vị ngọt, gia đình chồng ăn mặn và cay.

Mỗi lần, tôi vào bếp cả nhà đùa nhau được ăn “canh đường”. Riết rồi ba má chồng ăn ngọt dần và tôi lại chuyển sang ăn mặn, ăn cay. Chỉ riêng chuyện ăn thôi cũng khác rồi, nói chi đến tính cách. Ở chung nhà, các thành viên sẽ có những lúc bất đồng quan điểm, nhưng mỗi người cố hiểu nhau một chút, rồi nhịn và nhường nhau là êm ấm”.

Tiếp lời con dâu, bà Bùi Thị Thông - má chồng chị Vui - nói: “Người ta cứ bóng gió con gái miền Nam về đây không chịu khổ được, tui cũng lo lắm. Nhà tui làm nông, dâu không chịu khổ, nhà cửa khó yên ấm. Tôi nói lại với con dâu lời người ta, con dâu chỉ cười “họ là họ, con là con”. Giờ thì, con dâu siêng năng hơn nhiều người miền này. Con dâu thấy bà nội mê hoa, tôi cũng ưng hoa, nên mua hoa lớn, hoa bé về chăm đầy vườn; vườn chật nó thuê ruộng gieo sen. Ban đầu, tôi nói nó làm chuyện chưng hửng, mà giờ thấy hoa nở một ruộng đẹp hết ý”.

Nghe mẹ nói, nghe vợ nói, anh Hoàng chỉ cười. Thời gian vợ mới về làm dâu, anh kiên nhẫn đứng giữa 2 người phụ nữ để “thông dịch’’ ngôn ngữ địa phương, làm rõ ý của má, ý của vợ, để dàn xếp chuyện nhỏ thành chuyện không có… Trong mắt chị Vui, anh Hoàng là người chồng ít nói nhưng rất tâm lý. 

“Ti vi này để ba xem World Cup nè, ti vi ngoài kia má xem phim trên Truyền hình Vĩnh Long nghe”, chị Vui vừa nói vừa chọn kênh, chỉnh âm thanh cho ba má chồng, rồi nhanh tay chế bình trà ngồi trò chuyện với tôi. Gương mặt chị rạng rỡ hạnh phúc trong ngôi nhà yên bình.

Chị Kim Vui và  chồng - anh Cao Hoàng
Chị Kim Vui và chồng - anh Cao Hoàng

“Vườn vui” của 3 người phụ nữ

Chị Vui quê gốc Đồng Tháp Mười. Từ nhỏ chị đã gắn bó với sen nên khi theo chồng về quê, chị mang theo những hạt mầm sen để gieo ở vùng đất mới. Chị mê sen, từ vài chậu để ngắm, chị thuê luôn đám ruộng nhỏ ven nhà để trồng.

Ba má chồng thấy con dâu mê hoa hùn vào đi đổi ruộng gần, ruộng xa rồi cùng con gieo hạt. “Má chồng tôi “chịu chơi” lắm, bình thường má tính kỹ lắm. Vậy mà biết tôi mê sen, má không ngại lấy đám ruộng của ba má ở xa đổi ngang với đám ruộng nhỏ hơn trước nhà, để con dâu thỏa sức “vùng vẫy” với sen. Nhờ vậy mà tôi gầy dần các ruộng hoa, tận dụng thời gian rảnh rỗi ở cửa hàng, tôi mày mò tìm các giống sen mới để nhân thêm; coi cách cắm hoa rồi nhận đơn hàng. Tôi chăm sen để chơi lại có đồng ra đồng vào”, chị Vui kể.

Biết vợ thích hoa, nên lúc về quê anh Hoàng thường mua tặng vợ nhiều chậu hoa nhỏ. Bà nội thấy cháu dâu mê hoa nên tận tình chỉ bảo. 3 người phụ nữ trong nhà có cùng sở thích chăm hoa. Từ vài chậu hoa hồng nhỏ đến vài trăm chậu, rồi lan, rồi sen… 1 khu “vườn vui” thành hình như thế. 

Năm nay, ba má chồng lớn tuổi, vợ chồng chị Vui sửa lại nhà cửa nên phải thu gọn vườn hồng. Gia đình chị mở rộng diện tích ruộng sen bằng việc liên kết với các hộ cùng làm, chăm sóc và thu hái. Vườn sen Phước Sơn trở thành điểm thăm quan của xóm, đến kỳ hoa rộ, mọi người về chụp hình đăng lên Facebook, nhờ thế mà nhiều người ở xa cũng tìm đến ngắm hoa, đặt hoa các dịp lễ, tết, ngày rằm… Ban đầu mới làm nhiều người nghĩ chị trồng sen vì rảnh… Tới khi sen bén rễ, hoa rộ lên một vùng đẹp thì mọi người trầm trồ, nhiều người còn xin giống về gieo trồng.

Cùng soi hoa lá, khỏi phải soi nhau

Chị Vui tự nhận mình may mắn khi được chung sống dưới 1 mái nhà 4 thế hệ: bà nội - ba má - vợ chồng chị và cô con gái đang học lớp Mười một, cậu con trai đang học lớp Hai. 

Từ lúc mới theo chồng, cho đến bây giờ, nội và má luôn cận kề, ủng hộ chị, động viên chị để vừa có thể xoay xở với cuộc sống vừa giữ được niềm vui riêng. 

“Ở quê, dù vợ chồng không nhiều thu nhập như tại thành phố lớn, nhưng vợ chồng tôi làm việc thì có ông bà nội đưa đón cháu. Tôi trồng hoa thì có ba má chồng coi ngó, chăm sóc, có bà nội động viên cháu dâu cố gắng mỗi ngày. 

Vợ chồng chị Vui có quy định: năm nay tết nhà nội, năm sau tết nhà ngoại. Tết năm nay, đến lượt ăn tết nhà ngoại ở TPHCM, nhưng vì bà nội đã quá cao tuổi, nên gia đình chị Vui đồng ý ở quê ăn tết với bà. “Tôi chỉ mong bà nội còn khỏe để tết này còn chụp cho bà bộ hình với ruộng sen. Nội hay nói, nhà 4 thế hệ sống cùng 1 mái nhà, nên phải giữ cái vườn hoa lá để có cái mà săm soi, đỡ phải săm soi nhau, rồi nội cười. Mà đúng vậy thật, hoa lá làm lòng mình dịu lại, những nhỏ nhặt, vụn vặt không bằng những giây phút hạnh phúc, vui cười bên nhau”, chị Vui tâm tình. 

Thụy Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI