Phường Phú Định - TPHCM: Thương nhớ dấu xưa

07/07/2025 - 13:36

PNO - Phú Định từng là tên của một ngôi làng, mái đình và là bến phà trên dòng kênh Đôi. Đất chuyển mình đổi thay, còn lại cái tên lưu dấu một thời...

Từ ngày 1/7/2025, phường Phú Định sẽ bao gồm các phường 14, 15, Xóm Củi và một phần của phường 16, quận 8. Cái tên "Phú Định" có từ bao giờ?

Từ vùng đầm lầy đến làng gốm xưa

Theo các tài liệu ghi chép lại, khu vực Phú Định xưa vốn là vùng đầm lầy hoang vu. Cuối thế kỷ XVIII, nhà Nguyễn cho đào kênh để khai thông giao thương tuyến đường thủy từ miền Tây lên Sài Gòn.

Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức có ghi chép lại việc đào kênh An Thông (nay gọi là kênh Tàu Hủ). Còn công trình được ông Nguyễn Cửu Đàm chỉ huy đào vào năm 1772 để khai thông dòng chảy chính là kênh Ruột Ngựa (nay thường gọi là rạch Ruột Ngựa, chảy qua khu vực Phú Định).

Phường Phú Định ngày nay bao gồm bến phà Phú Định. Ảnh: Google Map
Phường Phú Định ngày nay bao gồm bến phà Phú Định. Ảnh: Google Map

Thưở sơ khai, ven bờ kênh Ruột Ngựa chỉ có vài ba hộ dân sinh sống, rồi dần dần dân cư quần tụ, đất hoang vu trở thành làng. Năm 1847, vua Tự Đức ban sắc lệnh công nhận làng Phú Định, ngôi đình mang tên làng được xây dựng và trở thành di tích lịch sử - văn hóa của vùng đất này.

Đình Phú Định ngày nay nằm trên đường Lý Chiêu Hoàng (quận 8) - nơi thờ Thành hoàng làng không chỉ lưu dấu giá trị văn hóa tâm linh của cộng đồng, mà còn là di chỉ cách mạng, là địa điểm hoạt động của lực lượng yêu nước trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

"Tại đình Phú Định, Ban chỉ huy Đội biệt động 78 và Tiểu đoàn 2 Long An đã bám trụ để chỉ huy bộ đội tiến đánh Tổng nha Cảnh sát ngụy và khu vực chợ Thiếc. Ngoài ra, Ban chỉ huy cánh Tây Nam gồm các đồng chí Trần Hải Phụng, Hai Sang, Tu Chu, Tư Kính, Hai Vinh cũng đóng quân tại đình.

Tháng 5/1968, trong đợt 2 của cuộc Tổng tiến công, bộ đội cũng đóng quân và bám trụ tại đây, đã ghi lại dấu son lịch sử của đình Phú Định trong công cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Quận 6" - theo trang Tự hào Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Quận 6.

Sử liệu ghi chép, chính tại ngôi đình Phú Định, đồng chí Hà Huy Tập đã tập hợp lực lượng cho cuộc họp của Tổng bộ Việt Minh vào năm 1948.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, đình Phú Định cũng là cứ điểm hoạt động cách mạng quan trọng của bộ đội ta. Riêng làng Phú Định còn mang dấu ấn của "xóm lò gốm". Làng Phú Định xưa thuộc khu vực quận 6, phía cuối đường Nguyễn Văn Luông và kênh Ruột Ngựa. Vị trí đối diện là làng Hòa Lục - nơi có lò gốm Hưng Lợi, nay đã trở thành di tích lò gốm cổ nổi tiếng giữa lòng Sài Gòn.

Xóm lò gốm xưa. Ảnh tư liệu
Xóm lò gốm xưa. Ảnh tư liệu

Còn đó những chuyến phà ngược xuôi...

Đi đến cuối đường Trịnh Quang Nghị, qua chợ Phú Định là bến phà Phú Định - nơi mỗi ngày vẫn có những chuyến phà nối đôi bờ kênh Đôi từng sáng từng chiều. Phà Phú Định nằm ở ngã ba sông nên có đến 3 bến phà, nối liền các khu vực: phường 16, 17 (quận 8, cũ) và chợ đầu mối Bình Điền.

Cùng với những thương thuyền ngược xuôi từ miền Tây Nam bộ về Sài Gòn qua kênh Đôi, kênh Tàu Hũ..., phà Phú Định cũng đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân nơi đây.

Bến phà Phú Định ngày nay. Ảnh: Hoàng Lâm. Nguồn: phunuonline
Bến phà Phú Định ngày nay. Ảnh: Hoàng Lâm.

Theo nhiều người ngụ cư lâu đời trên vùng đất này, quận 8 xưa từng có hàng chục bến phà. Nhưng rồi đất đổi thay theo sự phát triển của đại đô thị, những chuyến phà cũng dần hoàn thành sứ mệnh. Riêng bến phà Phú Định vẫn còn đó, với những chuyến phà ngược xuôi trên dòng kênh Đôi vận chuyển hàng hóa của tiểu thương; là phương tiện lưu thông nhanh chóng, tiện lợi của người dân vùng ven...

"Phú Định" xưa nay vốn là tên gọi quen thuộc trong ký ức của người dân quận 6 và quận 8. Nay trở thành địa danh mới của khu vực vùng ven, sau sáp nhập. Phường Phú Định không chỉ là một tên gọi hành chính mà còn gợi nhớ ký ức từ nhiều chiều kích: một ngôi làng, một mái đình, một "xóm lò gốm", một bến phà và lưu dấu những giá trị lịch sử - văn hóa của một thời...

Hàn Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI