Muộn màng

29/08/2013 - 16:20

PNO - PN - Mẹ nhớ cuộc họp đầu tiên năm con vừa lên cấp III, một số phụ huynh đã quen biết nhau từ khi con cái của họ đang học cấp II và bây giờ tiếp tục cùng lớp 10 cho nên họ trò chuyện với nhau rất thân tình, mẹ nghe họ bàn bạc...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mẹ và người phụ nữ ấy tình cờ ngồi cạnh nhau. “Tôi là mẹ cháu Lan Anh”, người phụ nữ giới thiệu như vậy, và nói thêm: “Tôi mừng ghê lắm chị, cứ sợ là con mình bị rớt phải học trường tư”. Câu nói có vẻ như một lời tâm sự. Nhưng mẹ ngay lập tức ngăn mình lại để không tỏ ý muốn bắt chuyện. Mẹ chỉ muốn làm quen với những phụ huynh có con ngoan và học giỏi mà thôi.

Muon mang

Kết thúc cuộc họp, người phụ nữ ấy nói với mẹ: “Cho tôi xin số điện thoại nhà chị được không?”. Mẹ cố giấu sự khó chịu. Người phụ nữ ấy nói nhanh, mặt đỏ ửng: “Xin phép thỉnh thoảng tôi gọi điện thoại cho con chị để hỏi thăm…”.

Từ đó, con có những cuộc điện thoại mà câu trả lời chỉ xoay quanh cô bé tên Lan Anh đó. “Dạ hôm nay bạn Lan Anh cúp tiết toán”… “Dạ hôm nay bạn Lan Anh không làm bài môn lý”… “Dạ hôm nay bạn Lan Anh cãi lại cô giáo môn văn”...

Lo ngại cho con, mẹ bèn giành cầm điện thoại mỗi khi nhìn thấy những con số quen thuộc hiện trên màn hình. Giọng người phụ nữ buồn rầu: “Chị ơi cho tôi hỏi cháu… hôm nay Lan Anh có đi học không?”…

Cuộc họp cuối học kỳ I, khi cô giáo chủ nhiệm vừa phát tờ phiếu liên lạc thì người phụ nữ ấy ngay lập tức cuộn tròn lại, trong khi những người có con em vừa được cô giáo chủ nhiệm khen ngợi thì cứ trải tờ phiếu ra trước mặt cho người bên cạnh tha hồ nhìn ngó và tấm tắc.

“Chồng tôi sợ xấu hổ cho nên không bao giờ chịu đi họp”.

Câu nói khe khẽ khiến mẹ động lòng. Hồi đó, tuổi dậy thì dở dở ương ương, anh Hai của con đã khiến hàng xóm mắng vốn mấy lần, và những lúc đó, xin lỗi hàng xóm luôn là mẹ. Ba của con, không bao giờ!

Tuy động lòng, nhưng mẹ vẫn không muốn con dính dáng đến cô bé hư Lan Anh đó. Sẽ rất phiền toái khi Lan Anh biết con có liên lạc với mẹ mình. Mẹ tiếp tục là người trả lời điện thoại, cho dù mẹ hiểu người phụ nữ ấy rất muốn được nói chuyện trực tiếp với con để hỏi han được nhiều hơn và để được biết nhiều hơn về đứa con dại dột của mình ở lớp ra sao.

Thoắt cái, ba năm trôi qua, con của mẹ về thành phố học đại học. Mẹ nhớ con quá chừng. Và lo lắng cũng quá chừng. Cuộc sống xa nhà có rất nhiều điều chứ không chỉ là việc học tập, mà con của mẹ từ trước đến nay chỉ biết học và học mà thôi. Điện thoại liên tục cho con và lặp đi lặp lại những lời dặn dò về cách ăn ở, con cáu kỉnh kêu lên: “Con lớn rồi mà, mẹ không phải nói nhiều đâu”. Mẹ tê tái, nếu con đang ở nhà thì giọng điệu gay gắt này sẽ bị ngay một trận la mắng. Nhưng con đang xa nhà, mẹ sợ nếu mình quát mắng thì con sẽ tủi thân...

Thôi thì không gọi nhiều nữa. Mẹ gắng quen với việc con của mẹ sống một mình ở thành phố xa xôi cũng như mẹ quen dần với nỗi nhớ con. Nhưng nỗi lo lắng thì thật là…

Ti vi chiếu cảnh thành phố ngập đường sau cơn mưa, và tờ báo thì nói mặt đường xuất hiện thêm nhiều ổ gà ổ voi. Mẹ đứng ngồi không yên, con của mẹ chưa rành đường sá mà lại có ổ gà ổ voi chờ chực dưới dòng nước đục ngầu…

Lắng nghe bản tin thời tiết mà lòng dạ mẹ bồn chồn. Gọi điện thoại cho con thì chỉ nghe tiếng tít tít vô hồn. Con quên điện thoại ở nhà hay… hay làm sao rồi? Không kìm được, mẹ gọi cho bà chủ nhà. Câu trả lời vô tâm: “Chưa thấy đứa nào đi học về”.

Mẹ chợt nhớ đến mẹ của Lan Anh. Có lẽ khi gọi cho con, bà mẹ ấy đã hụt hẫng lắm khi nghe trả lời là giọng dửng dưng của mẹ. Mà không chỉ một lần.

***

“Cháu Lan Anh ra sao rồi hả chị?”. Giọng trả lời khẽ khàng: “Nó thi rớt đại học, mà không chịu học trung cấp. Tôi cũng chưa biết làm sao đây”. “Vâng... Cám ơn chị đã hỏi thăm”.

Lời cảm ơn khiến mẹ xấu hổ. Sự quan tâm của mẹ lúc này đã không còn cần thiết nữa. Đã muộn rồi. Mẹ hối hận nhiều lắm vì đã xử sự một cách ích kỷ với người phụ nữ ấy.

Nỗi lòng của người mẹ, mà khi sợ con mình gặp nguy nan, mới thấu.

Nguyên Hương

Từ khóa Muộn màng
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI